Trường ĐH Ngoại thương công bố phương án tuyển sinh - Ảnh: ĐHNT
Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/TP lớp 12 và hệ chuyên của trường THPT chuyên (dự kiến xét tuyển trong tháng 6). Cụ thể như sau:
Đối với thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn thuộc tổ hợp xét tuyển (bao gồm toán, tin, lý, hóa, văn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật): thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8,0 trở lên.
Tiêu chí xét tuyển dựa trên kết quả học tập 5 học kỳ năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển (trong đó có môn tham gia thi học sinh giỏi quốc gia) và điểm ưu tiên xét tuyển căn cứ trên giải học sinh giỏi quốc gia.
Đối với thí sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/TP lớp 12 các môn thuộc tổ hợp xét tuyển (bao gồm toán, tin, lý, hóa, văn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật): thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8,0 trở lên và điểm trung bình chung học tập 5 học kỳ năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển (trong đó có môn thi đoạt giải học sinh giỏi) đạt từ 8,5 trở lên.
Tiêu chí xét tuyển dựa trên kết quả học tập 5 kỳ và điểm ưu tiên xét tuyển căn cứ trên giải học sinh giỏi cấp tỉnh/TP.
Đối với thí sinh học hệ chuyên các môn chuyên toán, tin, lý, hóa, văn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật: thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8,5 trở lên và điểm trung bình chung học tập 5 học kỳ năm lớp 10, 11 và hc kỳ 1 năm lớp 12 của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển (toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ) đạt từ 9,0 trở lên. Tiêu chí xét tuyển xác định dựa trên kết quả học tập 5 kỳ.
Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và ngôn ngữ thương mại (dự kiến xét tuyển trong tháng 6). Cụ thể như sau:
Đối với thí sinh thuộc hệ chuyên, lớp chuyên toán, toán - tin, tin, lý, hóa, văn và ngoại ngữ của các trường THPT chuyên: đối với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, điều kiện để thí sinh đăng ký xét tuyển là thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 6,5 trở lên hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương, có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8,0 trở lên và có điểm trung bình chung học tập của 5 kỳ học năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 của môn toán và một môn khác không phải là ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 8,5 điểm trở lên hoặc có chứng chỉ quốc tế ACT từ 27 điểm hoặc SAT từ 1260 điểm.
Đối với ngành ngôn ngữ thương mại thí sinh cần phải có chứng chỉ quốc tế theo quy định của nhà trường và có trung bình chung học tập từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 từ 8,0.
Đối với thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (không chuyên): đối với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh điều kiện để thí sinh đăng ký xét tuyển là thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 6,5 trở lên hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương, có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8,5 trở lên và có điểm trung bình chung học tập của 5 kỳ học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 của hai môn trong tổ hợp toán - lý, toán - hóa từ 9,0 trở lên, tổ hợp toán - văn từ 8,8 trở lên hoặc có chứng chỉ quốc tế ACT từ 27 điểm hoặc SAT từ 1260 điểm.
Đối với ngành ngôn ngữ thương mại cần phải có chứng chỉ quốc tế theo quy định của nhà trường và có điểm trung bình chung học tập từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 từ 8,5 trở lên.
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng do Trường ĐH Ngoại thương tổ chức (phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội)
Điều kiện tham gia kỳ thi là thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 7,0 trở lên. Thí sinh tham gia xét tuyển theo các tổ hợp A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07. Bài thi bao gồm toán (90’), văn (bài tự luận – 60’), ngoại ngữ (60’), lý - hóa (60’), lý (60’), hóa (60’) (thí sinh đăng ký A00 thi bài tổ hợp lý - hóa, thí sinh đăng ký A01 thi bài lý, thí sinh đăng ký D07 thi bài hóa).
Dự kiến thí sinh đăng ký xét tuyển từ 1-6-2020 và tham gia kỳ thi vào cuối tháng 7-2020. Nội dung bài thi phù hợp với kiến thức THPT và bài thi mẫu dự kiến được công bố từ ngày 10-5-2020. Riêng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có thể lựa chọn sử dụng điểm quy đổi tương đương cho môn ngoại ngữ.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (dự kiến 20% chỉ tiêu)
Điều kiện tham gia xét tuyển phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 7,0 trở lên.
Cách thức xét tuyển:
Đối với thí sinh sử dụng kết quả thi môn toán, văn, ngoại ngữ: Điểm xét tuyển được xác định bằng tổng điểm ba môn, cộng điểm ưu tiên (nếu có).
Đối với thí sinh sử dụng kết quả thi môn toán, ngoại ngữ và khoa học tự nhiên (KHTN): tổng điểm xét tuyển = (toán*2+ ngoại ngữ*2+KHTN) quy đổi về thang 30 điểm, cộng điểm ưu tiên (nếu có).
Đối với các tổ hợp xét tuyển khác: sẽ được xác định sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2020.
Phương thức 5: Xét tuyển thẳng được thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT và nhà trường.
Nhà trường sẽ tổ chức tư vấn trực tuyến cho thí sinh về phương thức xét tuyển và tư vấn hướng nghiệp vào lúc 09h ngày Chủ nhật 26-4-2020 trên fanpage Tuyển sinh Trường ĐH Ngoại thương (https://bit.ly/TSFTU) và fanpage Diễn đàn sinh viên Đại học Ngoại thương (https://bit.ly/FTUForum2020).
Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ giới thiệu tới thí sinh 4 chương trình đào tạo chất lượng cao mới tuyển sinh trong năm 2020 bao gồm: quản trị khách sạn, tiếng Nhật thương mại, tiếng Pháp thương mại và tiếng Trung thương mại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận