21/07/2025 18:56 GMT+7

Phó thủ tướng: Bão số 3 có thể tăng cường độ, đặc biệt trong điều kiện triều cường giống bão Yagi

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu địa phương không được chủ quan vì bão số 3 có thể đạt cấp 10, giật cấp 12 khi vào đất liền, có khả năng gia tăng cường độ, đặc biệt trong điều kiện triều cường như đã từng xảy ra với bão Yagi.

bão số 3 - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác chống bão tại Hưng Yên - Ảnh: MINH KHÔI

Bão số 3 tiến đến gần đặc khu Bạch Long Vĩ, Hải Phòng

Thông tin với Tuổi Trẻ Online lúc 21h30, lãnh đạo UBND đặc khu Bạch Long Vĩ cho biết bão số 3 đang đến gần đặc khu Bạch Long Vĩ, hiện tại đặc khu có gió cấp 7-8, gió giật cấp 9-10 và mưa rất to.

Đặc khu Bạch Long Vĩ đã chủ động phòng chống bão nên đến thời điểm hiện tại chưa có thiệt hại gì lớn.Cũng theo lãnh đạo đặc khu Bạch Long Vĩ, khoảng 2-3 giờ tới, bão số 3 sẽ di chuyển qua Bạch Long Vĩ và hướng vào đất liền.Còn tại khu vực đặc khu Cát Hải, gió bắt đầu mạnh hơn, mưa nặng hạt hơn. 

bão số 3 - Ảnh 2.

Chính quyền và nhân dân xã Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng phòng chống bão trong tối 21-7 - Ảnh: ĐÔNG BẮC

Chính quyền đã di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm về tránh trú ở nơi an toàn. Đến thời điểm này không còn ai ở khu vực nguy hiểm.

Khu vực Đồ Sơn và các xã Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hùng Thắng, Chấn Hưng, Kiến Hải… gió đang mạnh dần lên và mưa rất to. Công tác phòng chống bão cũng được TP Hải Phòng và các xã, phường, đặc khu chỉ đạo sát sao.

Các xã ven biển Hưng Yên bắt đầu có mưa lớn

bão số 3 - Ảnh 3.

Tàu thuyền về neo đậu tránh bão - Ảnh: HỒNG QUANG

Hiện tại, toàn bộ khu vực Đồng Châu - Hưng Yên đã mất điện, gió bắt đầu thổi mạnh.

Từ chiều 21-7, các xã ven biển Hưng Yên có mưa lớn kèm gió mạnh từng đợt do ảnh hưởng của hoàn lưu phía trước bão Wipha.

Tại khu vực các xã Nam Cường, Đồng Châu, Thái Thụy... hàng ngàn tàu bè đã về nơi tránh trú an toàn. Các nhà hàng, khu du lịch được tháo dỡ toàn bộ mái tôn, lán tạm để hạn chế thiệt hại trước nguy cơ gió lớn.

Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã tới kiểm tra, nghe lãnh đạo xã Thái Thụy báo cáo cụ thể về công tác chằng kéo lồng nuôi thủy sản, phương án sơ tán dân và năng lực của các lực lượng xung kích tại chỗ.

Phó thủ tướng yêu cầu địa phương không được chủ quan vì bão số 3 có thể đạt cấp 10, giật cấp 12 khi vào đất liền, hoàn toàn có khả năng gia tăng cường độ, đặc biệt trong điều kiện triều cường như đã từng xảy ra với bão Yagi (tháng 9-2024).

Phó thủ tướng lưu ý trong bối cảnh đã bỏ chính quyền cấp huyện, hiện mỗi xã là một đơn vị hành chính có quy mô rộng, việc phân bổ vật tư, phương tiện phải căn cứ theo mức độ xung yếu và đặc thù từng địa bàn, không chia đều dàn trải. Những xã ven biển, có nguy cơ cao cần được tập trung phương tiện, thiết bị, vật tư và nhân lực.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa báo cáo thêm, đối với các công trình trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Thái Bình 2 và một số dự án lớn đang thi công trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo kích hoạt phương án phòng, chống bão ở cấp độ cao nhất. 

Toàn bộ các hạng mục đang thi công dở dang đã được yêu cầu tạm dừng hoạt động, thiết bị, máy móc, vật tư xây dựng được thu hồi và di chuyển về nơi an toàn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do gió mạnh, mưa lớn và ngập úng có thể gây ra. 

Bên cạnh đó, các trạm bơm vận hành liên tục nhằm rút kiệt nước tại các vùng trũng, đảm bảo đồng ruộng khô ráo, sẵn sàng ứng phó với nguy cơ ngập úng khi mưa lớn kéo dài.

"Nếu triều cường mà lên trên 4 mét thì thế nào, 5 mét thì thế nào? Các đồng chí phải có kịch bản cụ thể cho từng tình huống", Phó thủ tướng nói và cho rằng tình hình vẫn có thể diễn biến xấu, "phương án bao giờ cũng phải cao nhất thì mới có thể hạn chế thiệt hại thấp nhất".

Toàn tỉnh Hưng Yên đã thực hiện nghiêm lệnh cấm biển từ 18h ngày 20-7.

Nghệ An: Di dời 19 hộ dân tới nhà văn hóa tránh sạt lở núi

Tối 21-7, ông Lê Hồng Thái - chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, Nghệ An - cho biết trong chiều nay chính quyền và các lực lượng chức năng đã di dời khẩn cấp 19 hộ dân với 65 khẩu thuộc nhóm dân cư số 1, bản Xói Voi, xã Nhôn Mai ra khỏi nơi ở, tránh nguy cơ sạt lở núi.

Đây là các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, kể từ sau đợt lũ quét vào tối 29-5 vừa qua. Theo kết quả kiểm tra thực địa sau lũ quét, từ nhóm dân cư số 1 vào phía mái dốc taluy dương của núi Phà Mạt (bản Xói Voi) khoảng 120m theo chiều ngang xuất hiện vết nứt chiều dài khoảng 500m, rộng 0,6-1,15m; có nhiều đoạn bị tụt xuống so với mặt đất tự nhiên từ 1,05m đến 1,5m.

"Từ đêm 19-7 đến nay, ở xã thường xuyên có mưa to đến rất to, nguy cơ sạt lở núi cao. Chúng tôi quyết định di dời toàn bộ 19 hộ dân với 65 khẩu tại khu vực nguy cơ sạt lở núi cao này đến nhà văn hóa cộng đồng của bản", ông Thái thông tin.

Trong chiều 21-7, chính quyền xã Nhôn Mai huy động lực lượng dân quân địa phương cùng sự hỗ trợ của Đồn biên phòng Nhôn Mai triển khai việc dựng lán tạm, bố trí nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt cho người dân tại nhà văn hóa cộng đồng bản.

Theo ông Thái đây là giải pháp tình thế ứng phó với bão số 3. Về lâu dài, xã Nhôn Mai kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét di dời, tái định cư để đảm bảo an toàn cho các hộ dân. 

Ninh Bình: Tạm dừng đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa ở nhiều khu du lịch 

bão số 3 - Ảnh 4.

Chòi canh ngao của người dân ven biển tỉnh Ninh Bình đã được chằng chống an toàn. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mưa ngày một nặng hạt hơn - Ảnh: DANH KHANG

Từ chiều 21-7, Sở Du lịch Ninh Bình yêu cầu tạm dừng đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa. Theo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, hiện có một số khu du lịch sử dụng phương tiện đường thuỷ nội địa như: Tràng An, Tam Cốc, Tam Chúc, Thung Nham, Thung Nắng, Kênh Gà, Vân Long... 

Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và người lao động yêu cầu các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa kể từ 13h ngày 21-7 cho đến khi có thông báo mới.

Trong khi đó chiều 21-7, ghi nhận tại một số làng chài ven biển tỉnh Ninh Bình thuyền bè đã neo đậu vào nơi trú ẩn và nhiều nhà dân cũng đã giằng chống nhà cửa. 

Để phòng chống bão số 3, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy và Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đã đi kiểm tra nhiều nơi như trạm bơm tiêu thoát nước nông nghiệp, khu công nghiệp và các tuyến đê xung yếu…

Sau khi đi kiểm tra thực địa, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy yêu cầu cần phải rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 3 Yagi (xảy ra vào tháng 9-2024), các địa phương, nhất là vùng đô thị, khu công nghiệp thực hiện việc chằng chống, hạn chế gãy đổ cây xanh khi mưa bão đổ bộ vào đất liền.

Bên cạnh đó, ông Huy yêu cầu Sở Công Thương điều hành đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ cho các trạm bơm tiêu nước trong thời gian bão về. Các công ty khai thác công trình thuỷ lợi của tỉnh tập trung khơi thông dòng chảy, huy động cán bộ, công nhân viên túc trực vận hành máy bơm, tiêu nước cho các vùng úng trũng...

Hà Nội: Dừng hoạt động xe buýt, metro nếu cần thiết để phòng chống bão số 3

bão số 3 - Ảnh 5.

Mưa lớn đúng vào thời điểm tan tầm trong chiều 21-7 khiến giao thông Hà Nội ùn tắc - Ảnh: PHẠM TUẤN

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, phó Ban an toàn giao thông Hà Nội - đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão, đảm bảo an toàn giao thông và tính mạng người dân trong cơn bão số 3.

Theo đó, các xã, phường có hoạt động bến khách ngang sông, khu vui chơi giải trí trên mặt nước được yêu cầu kiên quyết không cho phép phương tiện xuất bến trong điều kiện thời tiết mưa bão, giông lốc, gió giật mạnh.

Đồng thời, tạm dừng toàn bộ hoạt động vui chơi giải trí mặt nước để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Lực lượng chức năng phải sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn, bố trí nơi ở tạm, đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết như lương thực, nước sạch, thuốc men.

Công an Hà Nội được yêu cầu huy động lực lượng, phương tiện, chuẩn bị sẵn sàng các phương án điều tiết giao thông trong tình huống khẩn cấp.

Sở Xây dựng khẩn trương chỉ đạo cắt tỉa cây xanh, kiểm tra hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu, điểm giao cắt với đường sắt... đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn.

Cùng ngày, trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu các đơn vị vận hành xe buýt, tàu điện sẵn sàng ứng phó với bão số 3 và nguy cơ mưa lớn, ngập lụt ảnh hưởng đến hoạt động vận tải công cộng.

Trung tâm yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải bám sát thông tin dự báo thời tiết, chủ động đề xuất phương án vận hành linh hoạt, bao gồm điều chỉnh thời gian hoạt động hoặc tạm dừng tuyến nếu tình hình thời tiết diễn biến xấu.

Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lái xe, phương tiện dự phòng để giải tỏa hành khách tại các điểm có nguy cơ ùn tắc, ngập úng hoặc sự cố.

Ngoài ra, các đơn vị cần bố trí phương tiện để hỗ trợ trung chuyển người dân qua các khu vực ngập sâu, đảm bảo an toàn cho hành khách, người lao động và phương tiện.

Đối với tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội Metro được yêu cầu theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, diễn biến bão để xây dựng phương án vận hành phù hợp cho hai tuyến đang khai thác (tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và tuyến 3.1 Nhổn - Ga Hà Nội).

Trường hợp cần thiết, có thể điều chỉnh hoặc tạm dừng vận hành tuyến nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, lái tàu và đoàn tàu.

Quảng Ninh: Gần 2.700 cán bộ, chiến sĩ ứng phó bão số 3

bão số 3 - Ảnh 6.

Nhân viên một nhà nghỉ tại phường Bãi Cháy gia cố cửa kính chiều 21-7 - Ảnh: NAM TRẦN

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động tổng lực hơn 2.660 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện chuyên dụng sẵn sàng ứng phó bão số 3.

Kiểm tra công tác phòng chống bão, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh cơn bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, khả năng ảnh hưởng và uy hiếp an toàn tài sản nhân dân cao nên các địa phương "không được chủ quan, lơ là".

Lực lượng vũ trang tỉnh triển khai huy động 1.228 cán bộ, chiến sĩ cùng 27 ô tô các loại, 10 tàu, 32 xuồng. Lực lượng hiệp đồng từ các đơn vị thuộc Quân khu 3 huy động hơn 1.400 cán bộ, chiến sĩ, 41 ô tô, 8 tàu, 27 xuồng và 6 xe đặc chủng sẵn sàng ứng phó bão số 3.

Tại khu vực đảo Cô Tô, chính quyền đặc khu đã tổ chức 44 chuyến tàu đưa 8.850 khách du lịch vào bờ tránh bão.

Tại đặc khu Vân Đồn, có 1.300 tàu, thuyền nhưng chính quyền đặc khu đã đưa 1.500 tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Công tác đưa khách vào đất liền đang được thực hiện, còn 1.200 du khách vẫn còn trên đảo.

Hải Phòng: Di chuyển gần 18.000 khách du lịch

bão số 3 - Ảnh 7.

Khu vực Đồ Sơn, Hải Phòng bắt đầu có gió mạnh - Ảnh: TIẾN NGUYỄN

Tính đến 18h chiều 21-7, bão số 3 (Wipha) đã ảnh hưởng đến thành phố Hải Phòng gây mưa lớn, tại một số nơi đã xuất hiện gió cấp 7, giật cấp 8-9 như đặc khu Bạch Long Vĩ.

Theo dự bão, bão số 3 có thể đổ bộ vào Hải Phòng, thành phố đã huy động trên 70.000 người ứng phó bão và di chuyển gần 18.000 khách du lịch đến nơi an toàn.

Thành phố cũng đưa 1.657 tàu thuyền với 4.668 lao động về nơi tránh trú. Đồng thời xử lý cắt hạ 837 cây chết, cây sâu mục nguy hiểm, cắt tỉa cành và thu gọn tán cây bóng mát cho 2.851 cây xanh, chằng chống 4.412 cây xanh và tiếp tục bố trí lực lượng kiểm tra, cắt tỉa thu gọn tán cây bóng mát, chằng chống cây bóng mát, cây cảnh đến sát thời điểm bão đổ bộ.

Ngoài ra, chỉ đạo các hạt quản lý đê điều phân công lực lượng quản lý chuyên trách tăng cường kiểm tra các tuyến đê, đặc biệt là các vị trí đê, kè, cống xung yếu đã được xác định để kịp thời phát hiện, tham mưu biện pháp xử lý sự cố công trình ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

bão số 3 - Ảnh 8.

Tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn - Ảnh: TIẾN NGUYỄN

bão số 3 - Ảnh 9.

Người dân Đồ Sơn chằng chống nhà cửa - Ảnh: TIẾN NGUYỄN

bão số 3 - Ảnh 10.

Dựng hàng rào hạn chế người, phương tiện di chuyển qua khu vực nguy hiểm ở Đồ Sơn, Hải Phòng - Ảnh: TIẾN NGUYỄN

Theo lãnh đạo đặc khu Bạch Long Vĩ, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Hải Phòng, đặc khu đã huy động lực lượng, phương tiện đảm bảo sẵn sàng cho công tác phòng chống bão. Rà soát, đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men dự trữ phục vụ phòng chống bão.

Tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, các hộ dân tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, cây trồng, rau màu.

Đồng thời tổ chức phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực xung yếu để tránh trú bão trong trường hợp bão lớn đổ bộ vào đảo. Có phương án di dời 8 hộ dân ở khu vực cạnh đường dạo âu cảng về tránh trú bão tại nhà thi đấu đa năng đặc khu.

Còn lãnh đạo đặc khu Cát Hải cho biết tính đến thời điểm này công tác chuẩn bị, ứng phó với bão số 3 đã được thực hiện nghiêm túc. Toàn bộ lồng bè nuôi trồng thủy sản và tàu thuyền đánh cá đã được an toàn.

Đặc khu cũng huy động lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn khi bão vào, đồng thời có phương án cứu hộ, cứu nạn khi sự cố xảy ra.

Thanh Hóa: Dựng lán tạm để người dân tránh trú mưa lũ

bão số 3 - Ảnh 11.
bão số 3 - Ảnh 12.
bão số 3 - Ảnh 13.

Chính quyền xã Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa dựng lán tạm để người dân tránh mưa bão - Ảnh: UBND xã Na Mèo cung cấp

Trước diễn biến của bão số 3 (bão Wipha), dự kiến có mưa lớn do hoàn lưu bão, nhiều xã vùng cao của tỉnh Thanh Hóa đã lên phương án di dời hàng nghìn người dân để tránh lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá do mưa lũ. 

Tại xã vùng cao, biên giới Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa, do bị thiệt hại từ bão số 4 từ cuối tháng 9-2024, đồi đất phía trên khu dân cư, trường học, nhà văn hóa bản Cha Khót bị sạt lở nghiêm trọng, làm hư hỏng, biến dạng 12 nhà dân. 

Trên đồi đang xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài khoảng 300m. Theo khảo sát của xã, vết nứt rộng từ 50-70cm, nhiều vị trí sạt lở có chiều sâu cung sạt từ 1-2m. Tình trạng sạt lở đang đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của 55 hộ dân, với 220 nhân khẩu bản Cha Khót.

Bản Cha Khót nằm ở vùng biên giới Việt - Lào, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, cách trung tâm xã Na Mèo gần 7km, giao thông còn khó khăn. Nên việc di dân từ bản ra các công trình kiên cố ở trung tâm xã để tránh mưa lũ gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Theo dự báo, hai ngày tới sẽ có mưa lớn kéo dài do hoàn lưu bão số 3 Wipha tại xã Na Mèo, nguy cơ bản Cha Khót bị sạt lở đất đá rất cao.

Do vậy, ngày 21-7, lực lượng chức năng của xã Na Mèo phối hợp với bộ đội biên phòng, công an, dân quân cùng người dân địa phương đã dựng xong 5 lán tạm tại khu vực an toàn, sẵn sàng di dời người dân ở bản Cha Khót đến ở để phòng tránh sạt lở đất đá khi mưa lũ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 21-7, ông Ngân Phúc Hậu - phó chủ tịch UBND xã Na Mèo - cho biết: "Xã đã vận động người dân chuẩn bị nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu, sẵn sàng di dời đến nơi tránh trú mưa lũ an toàn khi có lệnh của cấp trên.

Đến nay, khu lán tạm đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu tránh trú tạm thời của toàn bộ người dân bản Cha Khót khi mưa lũ lớn xảy ra. Bên cạnh đó, UBND xã đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, điện thắp sáng phục vụ người dân trong thời gian tránh trú mưa lũ tại khu lán tạm".

Còn tại xã vùng cao Trung Lý, tỉnh Thanh Hóa - nơi thường xuyên xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống vào mùa mưa lũ hằng năm, đặc biệt bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ hồi tháng 9 và 10-2024.

Do vậy, ngày 21-7, UBND xã Trung Lý đã có phương án sẵn sàng di dời 97 hộ dân, với 504 nhân khẩu ở hai bản Tung và Na Hác đến nơi an toàn khi mưa lũ do bão số 3 Wipha diễn biến phức tạp, có lệnh của cấp trên.

Ông Ngân Văn Lon - phó chủ tịch UBND xã Trung Lý - cho biết: "UBND xã đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng di dời toàn bộ người dân bản Tung và Na Hác đến điểm trường học, nhà văn hóa gần nhất, nhằm tránh thiệt hại về người, tài sản do mưa lũ gây ra".

Nghệ An: 100% tàu thuyền đã vào nơi tránh bão

bão số 3 - Ảnh 14.

Lực lượng bộ đội hỗ trợ người dân xã Quỳnh Phú, Nghệ An di dời tài sản phòng chống bão số 3 - Ảnh: TRỌNG KIÊN

Đến 17h30 chiều nay, theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành liên quan, Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An cùng chính quyền địa phương đã thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển, vòng tránh hoặc vào nơi neo đậu, trú tránh đảm bảo an toàn.

Nghệ An có 2.816 tàu thuyền với 12.644 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Đến nay, có 2.807 tàu thuyền với 12.608 lao động đang neo đậu tại bến. Số tàu thuyền còn lại đang hoạt động ven bờ ở vùng biển Lý Sơn, Quảng Ngãi và đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão số 3.

Nghệ An hiện chưa tổ chức di dời, sơ tán dân.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Nghệ An, từ ngày 21 đến 23-7 ở khu vực tỉnh Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 350mm, các xã phía bắc tỉnh Nghệ An có nơi trên 500mm, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng trung du và miền núi, ngập lụt tại các vùng thấp trũng và đô thị.

Do một số khu vực miền núi Nghệ An đã "no nước" từ các đợt mưa gần đây nên trong trường hợp có mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở vùng miền núi, trung du, vùng hạ du hồ đập là rất lớn.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn. 

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực; Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Ban Chỉ huy quân sự 130 xã, phường duy trì trực 100% quân số, sẵn sàng các phương tiện, kỹ thuật phòng, chống bão số 3.

Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật.

Nghệ An: 100% tàu thuyền đã vào nơi tránh bão - Ảnh 2.Khẩn trương kêu gọi, cưỡng chế đưa 425 tàu cá ở vịnh Bắc Bộ về bờ tránh bão số 3 Wipha

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn hoặc có biện pháp cưỡng chế để đưa 425 tàu cá ở vịnh Bắc Bộ về bờ tránh trú bão số 3 (Wipha).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên