![]() |
Một “đám cưới chuột” hoành tráng chuẩn bị cho Tết Trung thu - Ảnh: Đ.H.L. |
“Toàn thị xã có hơn 200 tổ dân phố thì tổ nào cũng có mô hình riêng đặc sắc của tổ mình, không tổ nào làm giống nhau. Tổ thì làm mô hình chim công, rồng phượng, tổ thì làm mô hình ôtô hay danh tướng đời xưa... Mà cái nào cũng to lớn như thật” - ông Phạm Hữu Bình, tổ trưởng tổ dân phố 14, phường Tân Quang (thị xã Tuyên Quang), tự hào nói.
Cùng nhau trổ tài khéo tay
Vui Trung thu cùng học sinh vùng lũ Tối 13-9, tại Trường THCS Trần Nhật Duật, xã Tân Lĩnh, Huyện đoàn Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Phòng Giáo dục - đào tạo huyện Lục Yên tổ chức Tết Trung thu cho các em học sinh từ bậc học mầm non đến THCS. Đây là Tết Trung thu đặc biệt có ý nghĩa với các em học sinh ở đây, bởi các em và gia đình vừa trải qua những khó khăn, mất mát do cơn bão số 4 gây ra. Để chia sẻ với học sinh vùng lũ, bên cạnh sự quan tâm của các cấp ngành, báo Tuổi Trẻ đã hỗ trợ 10 triệu đồng tổ chức vui Tết Trung thu cho học sinh của xã. Trong đêm hội này, hơn 1.200 em học sinh của xã Tân Lĩnh được nhận quà và xem biểu diễn văn nghệ, múa lân, phá cỗ trung thu. |
“Sở dĩ phải làm chiếc ôtô này để các cháu thấy tài khéo tay của bố mẹ, cô chú trong tổ dân phố mà học tập” - ông Bình nói. Ông cho hay năm nào cũng vậy, đến đầu tháng tám âm lịch là các tổ dân phố họp nhau bàn cách chọn làm mô hình, biểu tượng gì để đón Tết Trung thu năm nay. “Năm ngoái chúng tôi làm một chiếc đèn ông sao, nếu tham gia kỷ lục Guinness chắc cũng được giải. Chiếc đèn kỳ lạ đó cao gần bằng... một nhà hai tầng!”.
Theo ông Bình, để làm những mô hình trông thật hoành tráng đó thật ra chẳng tốn bao nhiêu. Chỉ 1,4 triệu đồng là làm được chiếc ôtô có bánh xe được kéo trên đường phố trong lễ hội đêm rằm với gấu bông, búp bê ngồi trong xe cắm cờ ưu tiên ngộ nghĩnh. Số tiền này hoàn toàn do bà con trong tổ dân phố đóng góp tùy tâm.
Điều lạ, không thấy đụng hàng, mỗi nơi mỗi khác. Nếu như tổ dân phố 14 làm ôtô thì tổ dân phố 9 làm con rồng dài khoảng 40m, còn tổ dân phố 6 lại chơi một chiếc tàu thủy to đùng bằng chiếc ôtô tải cỡ lớn. Ở tổ dân phố 11, bà con còn chế tạo mô hình chim công khổng lồ mà khi kéo trên đường phố hai cánh chim còn vẫy vẫy như thật và đuôi công ngoe nguẩy như múa, ít ai nghĩ đó là sáng kiến của một gia đình làm nghề thợ hàn. Nhưng cũng chưa bằng tổ dân phố 5 đón Tết Trung thu với một “đám cưới chuột” dài khoảng 30m, có đủ cụ mèo to ngồi thu lu lừ mắt chờ cá biếu và chú rể chuột cưỡi ngựa, cô dâu chuột ngồi kiệu... to như người.
Anh Vinh, một thợ sửa đồng hồ ở khu phố Tân Quang, hồ hởi nói hằng năm mỗi dịp Trung thu đến là người dân trong tổ ai cũng muốn phát huy sáng kiến và trổ tài khéo tay. Để làm chiếc ôtô mô hình như thật, ông thợ làm khung nhôm kính ra tay trổ tài làm khung sườn, cô thợ may mặc trổ tài may bạt làm vỏ thân xe, anh thợ dán giấy bóng kính trổ tài làm cửa kính ôtô...
Bài học truyền thống
![]() |
Mô hình chim công khổng lồ của tổ dân phố 11- Ảnh: Đ.H.L. |
Đứng bên mô hình “đám cưới chuột”, bà Trần Thị Kim Dung, tổ trưởng tổ dân phố 5 (phường Tân Quang), tự hào: “Trung thu ở đây chúng tôi chú tâm giáo dục truyền thống dân gian cho các cháu nhỏ”. Bà Dung cho hay những năm trước tổ còn làm những danh tướng anh hùng với mô hình y như thật. Trong khi làm và lúc diễu hành, các ông bố bà mẹ đều nói cho con cái biết và hiểu nhân vật anh hùng đó là ai, có công đánh giặc giúp nước, yên dân như thế nào.
Đặc biệt, khi diễu hành trên đường còn có cả băng cassette thuyết minh giới thiệu về anh hùng đó. Lý giải vì sao những mô hình phục vụ lễ hội đêm rằm ở Tuyên Quang lại làm toàn những loại khổng lồ như vậy, bà Dung nói vui: “Cũng bởi vì đường phố nơi đây rộng rãi, phong quang, không có kẹt xe và ngập nước nên chúng tôi mới làm to lớn như vậy”.
Nhiều năm nay, theo phong tục của thị xã miền sơn cước này, cứ đúng tối đêm rằm là các hộ dân tập trung ở trụ sở văn hóa của tổ dân phố. Đoàn diễu hành gồm đội múa lân đi trước mở đường, tiếp đến là xe mô hình theo sau với tiếng trống, tiếng nhạc rập rình. Các phố phường của Tuyên Quang thật sự sống trong trong không khí lễ hội sôi động và náo nhiệt. Hàng ngàn người dân đổ ra đường hò reo, cổ vũ khi đoàn rước đi qua rồi lại tấp nập kéo nhau sang phường khác đọ tài. Sau đêm hội, những mô hình có giá trị cao được các bà con bảo quản để đến lễ hội năm sau.
Cô giáo Trịnh Thị Vân, giáo viên Trường THCS Phan Thiết, phường Phan Thiết (thị xã Tuyên Quang), nói mỗi dịp Trung thu đến cô lại đi khắp thị xã chụp ảnh những mô hình, biểu tượng để hướng dẫn học sinh học những bài học ngoại khóa về lịch sử và để làm tư liệu bổ sung kiến thức cho học sinh. “Theo tôi, đêm Trung thu ở thị xã này là những tiết học thú vị và bổ ích cho các em” - cô Vân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận