Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Ảnh: Tự Trung |
Trước “cuộc đua vào lòng đất” nhằm tạo nên hiệu quả kinh tế cho các tuyến metro, bãi đậu xe ngầm đang được đề xuất đầu tư, Tuổi Trẻ trao đổi với ông Lê Nguyễn Minh Quang - trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM.
* Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được kết hợp xây dựng trung tâm thương mại ngầm ra sao, thưa ông?
- Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên gồm 14 nhà ga. Trong đó, nhà ga trung tâm Bến Thành là nhà ga tích hợp, đóng vai trò trung chuyển giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 3a và 4.
Thiết kế sơ bộ của nhà ga trung tâm Bến Thành có bao gồm trung tâm thương mại ngầm được nghiên cứu bởi nhóm nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) như sau: nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 1 và nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 4 sẽ nằm tại tầng hầm B2;
Nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ nằm tại tầng hầm B4; tầng hầm B3 là tầng trung chuyển hành khách giữa các tuyến; tại tầng hầm B1 dự kiến sẽ xây dựng một trung tâm thương mại ngầm kéo dài dọc theo đường Lê Lợi hướng về nhà ga Nhà hát TP (dài khoảng 550m).
Hiện nay, các cấp của TP đang rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng trung tâm thương mại ngầm này vì đây được xem là một biểu tượng đặc trưng mà bất kỳ một TP văn minh, hiện đại nào trên thế giới cũng đều có.
Dự kiến trung tâm thương mại ngầm này sẽ được triển khai đồng bộ với gói thầu 1a của tuyến metro số 1 nhằm giảm thiểu tác động đến việc đào lấp đường hai lần trong quá trình thi công, cũng như tránh ảnh hưởng đến tuyến metro số 1 khi đi vào hoạt động.
* Còn tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (Q.12) các nhà ga metro sẽ kết nối ra sao với các trung tâm thương mại, văn hóa ở dọc hai bên đường?
- TP đang rất quan tâm đến mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD) nhằm mục tiêu xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng thời tăng tính thuận tiện cho người dân, nâng cao chất lượng xã hội.
Một trong những mô hình lý tưởng về TOD chính là phát triển đô thị dọc theo các tuyến đường sắt đô thị.
Theo kinh nghiệm của một số nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình phát triển đô thị dọc theo các tuyến đường sắt đô thị (điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc) thì mô hình này bao gồm: quy hoạch mạng lưới xe buýt gom khách; phát triển các công trình liên phương thức; phát triển khu vực xung quanh nhà ga.
Theo đó, dự kiến tại các nhà ga sẽ được xây dựng quảng trường, bãi đậu xe, đường tiếp cận, cầu bộ hành, công trình dịch vụ tiện ích... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho hành khách sử dụng các tuyến đường sắt đô thị nói chung và tuyến đường sắt đô thị số 2 nói riêng.
Tại các khu vực xung quanh nhà ga, nếu có sẵn các công trình hiện hữu như trung tâm thương mại thì có thể xem xét khả năng kết nối. Điều này còn tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể có liên quan...
Như vậy, việc nhà ga ngầm có thêm khu thương mại hay không còn phụ thuộc vào thiết kế đặc trưng và nhu cầu thực tế của từng loại nhà ga trong tương lai.
Hiện tại, Ban quản lý đường sắt đô thị dự kiến xây dựng kế hoạch thực hiện khu thương mại ngầm cho các nhà ga của tuyến metro số 2 thông qua các hình thức kêu gọi đầu tư từ các đối tác trong và ngoài nước có tiềm năng.
Dự kiến sẽ xây dựng một trung tâm thương mại ngầm kéo dài dọc theo đường Lê Lợi, TP.HCM - Ảnh: D.Phan |
* Liệu dự án xây dựng tuyến metro số 4b-1 nối từ công viên Hoàng Văn Thụ đến sân bay Tân Sơn Nhất có xây dựng trung tâm thương mại ngầm?
- Tuyến đường sắt đô thị số 4b-1 là tuyến kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị số 5 và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Chiều dài tuyến này khoảng 1,7km, tính từ sân bay Tân Sơn Nhất đến nhà ga Cộng Hòa.
Hiện dự án này được tư vấn Hàn Quốc thực hiện báo cáo cuối kỳ ở bước nghiên cứu tiền khả thi. Ý tưởng xây dựng khu thương mại ngầm chưa được nghiên cứu trong giai đoạn này.
* Theo ông, liệu các dự án xây dựng tuyến metro trong tương lai sẽ kết hợp đầu tư khu thương mại ngầm để tăng giá trị và hiệu quả cho các tuyến metro?
- Hiện tại, trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có thể được xem là dự án thí điểm, đầu tiên cho việc đầu tư xây dựng mô hình khu thương mại ngầm tại nhà ga ngầm của tuyến đường sắt đô thị.
Do đó, kết quả thu được từ dự án này sẽ được chúng tôi xem xét và cân nhắc cho việc tiếp tục đầu tư xây dựng khu thương mại ngầm tại các nhà ga ở các tuyến metro khác trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận