20/05/2015 09:11 GMT+7

Trung Quốc vươn vòi đến thung lũng Silicon

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Dòng nhân dân tệ, dưới nhiều hình thức, đang lan chảy ra khắp thế giới nhằm phục vụ tham vọng “thống lĩnh nền kinh tế thế giới” của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Tỉ phú Reid Hoffman của Thung lũng Silicon sang chia sẻ kinh nghiệm tại Trường Kinh doanh quốc tế ở Thượng Hải (Trung Quốc) hồi tháng 5-2014. Người Trung Quốc đang khao khát làm giàu - Ảnh: Reuters
Tỉ phú Reid Hoffman của Thung lũng Silicon sang chia sẻ kinh nghiệm tại Trường Kinh doanh quốc tế ở Thượng Hải (Trung Quốc) hồi tháng 5-2014. Người Trung Quốc đang khao khát làm giàu - Ảnh: Reuters

Giới tỉ phú mới nổi của Trung Quốc đang trở thành công cụ “luân chuyển dòng tư bản nhân dân tệ” ra nước ngoài. Đổi lại, Trung Quốc sẽ chen chân rết của mình trên khắp thương trường quốc tế.

Có một thế hệ mới đang dần nắm quyền lực và có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với chính trị ở Trung Quốc.

Đó là ông trùm ngành thương mại trực tuyến Mã Vân (Jack Ma) - tổng giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Tập đoàn bán hàng trực tuyến Alibaba, ông Trương Lỗi - người đứng đầu Tập đoàn tài chính Hillhouse, ông Lôi Quân - chủ Tập đoàn Xiaomi chuyên sản xuất điện thoại và linh kiện điện thoại thông minh...

Mở cửa thủ tục lấn sang Mỹ

Kết quả nghiên cứu của Asia Society - tổ chức giáo dục phi chính phủ chuyên nghiên cứu các vấn đề hợp tác về mọi mặt giữa các nước châu Á và Mỹ - cho biết từ năm 2010, mỗi năm Trung Quốc đầu tư 1 tỉ USD vào lĩnh vực công nghệ cao tại Mỹ.

Chính phủ nước này cũng đơn giản hóa thủ tục phê duyệt trong thành lập chi nhánh nước ngoài cho các ngân hàng, tối giản hóa thủ tục niêm yết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán quốc tế, thực hiện thủ tục mua bán và sáp nhập quốc tế của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tất cả những động thái này nhằm giúp doanh nghiệp trong nước dễ dàng chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư. Thậm chí, các doanh nghiệp tư nhân và ngân hàng được quyền mở rộng các đợt phát hành trái phiếu ra quốc tế.

Tháng 3-2015, Alibaba chính thức khai trương trung tâm điện toán đám mây (Alibaba Cloud Computing) ở thung lũng Silicon, bang California (Mỹ).

Hãng tin Reuters cho biết trước mắt chi nhánh đầu tiên ở nước ngoài này của Alibaba sẽ phục vụ cho các doanh nghiệp của người Trung Quốc hoạt động ở Mỹ. Sau đó Alibaba sẽ lên kế hoạch bán dịch vụ hai chiều cho các doanh nghiệp muốn hoạt động cả ở Mỹ và Trung Quốc.

“Mở rộng ra toàn cầu thật sự là một chiến lược của Alibaba trong vài năm tới” - Ethan Yu, người điều hành mảng kinh doanh điện toán đám mây của Alibaba, cho biết. Ngoài ra, tỉ phú Jack Ma còn đang để mắt tới các ông lớn trong lĩnh vực dịch vụ Internet như Google, Microsoft, Amazon.

Kênh truyền hình CNBC của Mỹ dẫn lời chuyên gia kinh tế quỹ 500 Mobile Collective nhận định chinh phục thị trường Mỹ là ước mơ của nhiều công ty và doanh nhân Trung Quốc.

Còn Joel Backaler, tác giả quyển Trung Quốc tây tiến (China Goes West), nhận định: “Các công ty Trung Quốc xem Thung lũng Silicon là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Trung Quốc bước chân vào thủ đô công nghệ của thế giới”.

Nhưng thật sự điều khiến các nước phương Tây phát triển sợ hãi nhất là việc các công ty công nghệ Trung Quốc thường bị tố cáo và bị kết tội về chuyện ăn cắp công nghệ và tham lam sao chép cho các sản phẩm biến tấu của mình.

Tiền cho vay đi trước, doanh nghiệp theo sau

Không tiết lộ cụ thể kế hoạch “Silicon tiến” nhưng từ giữa năm 2014, nhà sáng lập Công ty Baidu Lý Ngạn Hoành (Robin Li) đã mở một phòng thí nghiệm ở Sunnyvale (bang California), một trong những thành phố ở Thung lũng Silicon.

Phòng thí nghiệm này được mở ra với mục đích thu hút nhân tài ở đây và “lấy được” những thành tựu công nghệ nổi bật từ trung tâm công nghệ cao của thế giới này.

Tỉ phú Lý còn tuyên bố rằng Baidu sẽ chi 300 triệu USD để mở rộng phòng thí nghiệm với quy mô 200 nhân viên tại Thung lũng Silicon. Baidu hiện vẫn là công cụ tìm kiếm hàng đầu của Trung Quốc do Google bị cấm (từ năm 2010) và các mạng xã hội khác bị làm khó ở Trung Quốc.

Tỉ phú trẻ tuổi Lôi Quân - 47 tuổi, của Tập đoàn điện thoại thông minh Xiaomi - đã mở đường tiến sang Mỹ khi tuyên bố trong tháng 6-2015 Xiaomi sẽ bắt đầu bán tai nghe, thiết bị đeo tay thông minh và phụ kiện trực tuyến tại đây.

Mục tiêu của người đứng đầu Xiaomi là giành thị phần linh kiện điện thoại thông minh của gã khổng lồ Apple ngay trên sân nhà. Xiaomi tận dụng lợi thế cạnh tranh về giá để chen chân ở các thị trường phụ kiện điện thoại thông minh truyền thống của các hãng lớn như Samsung, Apple và Google.

Một ngõ khác để doanh nghiệp Trung Quốc mau chóng bước ra thế giới: chính phủ “dọn bãi” bằng những khoản tiền cho vay ở nước ngoài. Nhờ đó Xiaomi và một số doanh nghiệp khác tấn công thị trường Mỹ Latin vốn một thời là sân sau của Mỹ.

Tháng 7-2014, gã khổng lồ Baidu đã tung ra phiên bản tìm kiếm bằng tiếng Brazil “Baidu Busca” nhằm chuẩn bị thâm nhập thị trường Brazil. Hai tháng sau, tập đoàn này tuyên bố đã được phép mở trang thương mại điện tử ở thị trường Brazil.

Kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc đều được thực hiện trong khuôn khổ mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc. Tân Hoa xã cho biết năm 2014 ngân hàng Trung Quốc đã cho các nước Mỹ Latin vay 22 triệu USD. Một năm trước đó, đầu tư của Trung Quốc vào các nước này tăng 133%. 

Cha cán bộ, con tỉ phú

Tỉ phú 43 tuổi Trương Lỗi người tỉnh Hà Nam đã trở thành một trong những nhà đầu tư Trung Quốc giàu nhất sở hữu khối tài sản 18 tỉ USD (tháng 2-2015).

Báo New York Times nhận định trong biển người là tỉ phú ở thung lũng Silicon thì Trương Lỗi đang là đại diện cho lớp doanh nhân mới là người Trung Quốc ở đây.

Lấy được bằng tiến sĩ ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Yale của Mỹ, Trương bắt đầu con đường trở thành tỉ phú với sự hỗ trợ của người cha là cán bộ cấp cao Sở Thương mại tỉnh Hà Nam.

Ba năm sau khi tốt nghiệp, Trương thành lập Tập đoàn tài chính Hillhouse mà hiện nay có tài sản trị giá 18 tỉ USD, đầu tư tập trung chủ yếu ở Trung Quốc và châu Á với khách hàng là doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế và nhiều ngành công nghiệp khác.

Với số tài sản đang phình to rất nhanh trong 10 năm qua, Tập đoàn Hillhouse của Trương Lỗi cũng đang tìm kiếm nhiều cơ hội đầu tư ở Mỹ và ngược lại, đem những công nghệ mới về Trung Quốc.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên