25/02/2018 10:46 GMT+7

Trung Quốc vung tiền chơi 'ngoại giao đường sắt'

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới cùng lúc xây dựng đường sắt cao tốc ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và châu Âu. Chính sách "ngoại giao đường sắt" này nhằm đáp ứng các mục tiêu kinh tế và chính trị.

Trung Quốc vung tiền chơi ngoại giao đường sắt - Ảnh 1.

Ngày 21-12-2017, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha (thứ năm từ trái sang) tham dự lễ động thổ dự án đường sắt cao tốc đoạn Bangkok - tỉnh Nakhon Ratchasima - Ảnh: THE NATION

Đầu năm 2017, Trung Quốc bắt đầu khởi công xây dựng tuyến đường sắt cao tốc ở Lào dài 414km nối liền Vientiane với biên giới Trung Quốc.

Cuối năm 2017, tuyến đường sắt cao tốc Thái Lan - Trung Quốc bắt đầu thi công. Giai đoạn một nối liền Bangkok với tỉnh Nakhon Ratchasima (đông bắc Thái Lan) dài 253km và giai đoạn hai nối liền Nakhon Ratchasima với tỉnh Nong Khai giáp với Lào để thông với tuyến Trung Quốc - Lào.

Liên doanh China Railway Corp của Trung Quốc còn nhắm tới dự án đường sắt cao tốc Kuala Lumpur - Singapore dài 350km. Kết quả đấu thầu sẽ được công bố vào cuối năm 2018. 

Chuyên gia Agatha Kratz ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu nhận định: "Mục tiêu cuối cùng là kết nối các dự án để hình thành tuyến đường sắt chạy từ Vân Nam (Trung Quốc) qua Lào, Thái Lan, Malaysia đến Singapore".

Giá dự án đương nhiên giữ vai trò quan trọng nhưng cũng cần xem xét đến góc độ chính trị. Ở Malaysia và Singapore đều có người nhập cư Trung Quốc và người sắc tộc Trung Quốc. Tầng lớp Hoa kiều rất có ảnh hưởng đối với giới chính trị"

Chuyên gia Viktor Pavliatenko nói về dự án xây dựng tuyến Kuala Lumpur-Singapore

Ra sức giành hợp đồng xây đường sắt

Trước đó, vào năm 2015, Trung Quốc đã từng thắng đối thủ cạnh tranh Nhật trong đấu thầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung ở Indonesia. Tuyến đường dài 150km với tốc độ lên đến 250-300 km/giờ, rút ngắn thời gian chỉ còn 40 phút.

Đây là dự án đường sắt cao tốc đầu tiên ở Indonesia do Trung Quốc tham gia đầu tư và xây dựng đồng thời là dự án đường sắt cao tốc đầu tiên xây dựng ngoài Trung Quốc sử dụng công nghệ, tiêu chuẩn và thiết bị Trung Quốc. Đây cũng là dự án đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới do hai quốc gia hợp tác dưới sự chỉ đạo của chính phủ.

Chuyên gia Viktor Pavliatenko ở Viện nghiên cứu phương Đông (Viện hàn lâm khoa học Nga) giải thích sau khi thắng thầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung, Trung Quốc đã gia tăng cơ hội đối với tuyến Kuala Lumpur - Singapore.

Trung Quốc vung tiền chơi ngoại giao đường sắt - Ảnh 3.

Khánh thành tuyến đường sắt Nairobi - Mombasa (Kenya) ngày 30-5-2017 - Ảnh: AFP

Tại châu Phi ngày 31-5-2017, Kenya đã khai trương tuyến đường sắt xuyên châu Phi đoạn nối liền Mombasa với Nairobi do Trung Quốc xây dựng. Đây là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất của Kenya để từ ngày độc lập.

Tuyến đường sắt chiến lược Djibouti - Ethiopia dài 756 km do Trung Quốc xây dựng cũng được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2018.

Giải quyết tình trạng sản xuất thừa trong nước

Trung Quốc hăm hở tiến hành chính sách "ngoại giao đường sắt" vì gặp vấn nạn sản xuất thừa. Sự việc bắt đầu từ năm 2004. Lúc đó Bộ Đường sắt Trung Quốc đấu thầu dự án đóng 200 tàu hỏa cao tốc phục vụ nhu cầu trong nước.

Các tên tuổi nổi tiếng như Kawasaki của Nhật, Bombardier của Canada, Siemens của Đức và Alstom của Pháp nhào vô. Song Trung Quốc yêu cầu các đối tác phải ký hợp đồng liên doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc. Từ đó các doanh nghiệp Trung Quốc học hỏi công nghệ rồi sau đó tự sản xuất tàu cao tốc.

Lĩnh vực đường sắt cao tốc phát triển nhanh chóng. Chỉ trong 10 năm, Trung Quốc đã xây dựng được 22.000 km đường ray cao tốc. Hiện nay, Trung Quốc chiếm 60% mạng lưới đường sắt cao tốc trên thế giới với hơn 20.000 km.

Tuy nhiên sau đó, kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại kéo theo ngành đường sắt cao tốc. Chuyên gia Agatha Kratz ghi nhận: "Trung Quốc dư thừa nhà máy và kỹ sư, do đó cần phải xuất khẩu để mang lại lợi nhuận cho chuỗi giá trị đã xây dựng trong ngành đường sắt".

Ví dụ tuyến đường sắt nối Vân Nam với Singapore sẽ mở lối ra biển cho các tỉnh ở miền tây Trung Quốc.

Trung Quốc vung tiền chơi ngoại giao đường sắt - Ảnh 4.

Trung Quốc giới thiệu tàu cao tốc Phục Hưng tại Bắc Kinh ngày 25-6-2017. Ảnh: THX

Phục vụ động cơ chính trị của Trung Quốc

Đường sắt trở thành một bộ phận quan trọng trong ngoại giao Trung Quốc sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra và quyết thực thi kế hoạch tham vọng "Vành đai-Con đường" năm 2013.

Phó chủ tịch Viện hàn lâm các vấn đề địa-chính trị Nga Konstantin Sivkov nhận định: "Trung Quốc xây dựng mạng lưới đường sắt ở Djibouti làm nền tảng củng cố sức mạnh kinh tế và quân sự trong khu vực. Đoạn Djibouti - Ethiopia trở thành trọng điểm lợi ích rất quan trọng đối với Trung Quốc".

Ông giải thích Ethiopia có nguồn tài nguyên vàng đáng kể và có đường ra biển với tuyến đường sắt mới. Như vậy Ethiopia đã trở thành điểm then chốt bảo vệ lợi ích kinh tế của Trung Quốc trên toàn châu Phi.

Bắc Kinh mong muốn biến đường sắt thành công cụ quyền lực mềm để chứng tỏ cho thiên hạ biết Trung Quốc cũng biết đổi mới.

Ví dụ Trung Quốc đã xây dựng tàu cao tốc Phục Hưng chạy với vận tốc lên đến 350 km/giờ, nhanh hơn tàu cao tốc Shinkansen của Nhật (320 km/giờ). Các nhà nghiên cứu Đại học Giao thông Thượng hải đang nghiên cứu tăng vận tốc tàu lên đến 600 km/giờ.

Trung Quốc có thể chiếm lĩnh thị trường đường sắt cao tốc bởi giá xây dựng rẻ đến 1/3 và còn cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Dù vậy, không phải chỗ nào Trung Quốc cũng có thể lấn sân.

Tại Mexico, Tổng thống Enrique Peña Nieto đã hủy bỏ hợp đồng xây dựng đường sắt của Trung Quốc trị giá 3,75 tỉ USD do có vấn đề tham nhũng. Tại Mỹ, Trung Quốc đã hủy dự án xây dựng tuyến đường sắt Las Vegas-Los Angeles vì luật của Mỹ yêu cầu tàu hỏa phải được sản xuất trên lãnh thổ Mỹ.

Trung Quốc vung tiền chơi ngoại giao đường sắt - Ảnh 5.

Hai tàu cao tốc đụng nhau ngày 23-7-2011 tại tỉnh Chiết Giang - Ảnh: AP

Với đầu đề "Trung Quốc-Tai nạn tàu cao tốc, biểu tượng tệ hại của hàng made in China", báo Jeune Afrique ngày 6-8-2011 đã nhắc đến tai nạn tàu hỏa cao tốc ở Trung Quốc để cảnh báo về chất lượng sản phẩm.

Hai đoàn tàu cao tốc đụng nhau vào tối 23-7-2011 tại tỉnh Chiết Giang làm 36 người chết và 192 người bị thương. Báo Jeune Afrique cho rằng tàu cao tốc do Trung Quốc chế tạo chỉ là mẫu sao chép hỏng của phương tây nên tính năng an toàn không cao.

Người Việt "sính ngoại" chuộng Thái, Hàn, e dè hàng Trung Quốc Người Việt 'sính ngoại' chuộng Thái, Hàn, e dè hàng Trung Quốc Giày hiệu giá bèo phần lớn là hàng Trung Quốc Giày hiệu giá bèo phần lớn là hàng Trung Quốc Tàu hàng Trung Quốc đã đến London Tàu hàng Trung Quốc đã đến London
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên