Phóng to |
Cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân - Ảnh: Reuters |
Xinhua cho biết ông Lưu Chí Quân, năm nay 58 tuổi, đã bị cách chức khỏi vị trí Bộ trưởng và Bí thư đảng ủy của bộ này. Hiện ông đang bị điều tra vì những "vi phạm kỉ luật nghiêm trọng". Truyền thông Trung Quốc đưa tin ông Lưu đã nhận hối lộ lên đến hàng triệu Nhân dân tệ. Nếu các thông tin trên được chứng minh là đúng thì ông Lưu sẽ phải nhận án tù nặng.
Ông Lưu đã làm việc trong ngành đường sắt từ năm 1968 và trở thành Thứ trưởng bộ này vào năm 1999. Năm 2000 ông được bổ nhiệm nhiệm làm cục phó cục hải quan và năm 2003 thì nhận chức Bộ trưởng Đường sắt.
Nhân dân Nhật báo cho biết một trang tin điện tử tại Bắc Kinh là caing.com viết rằng vụ sa cơ của ông Lưu có liên quan trực tiếp đến cuộc điều tra của chính phủ về những nhà thầu các dự án đường sắt. Một nữ doanh nhân tên Ding Shumiao thuộc tỉnh Sơn Tây, là nhà cung cấp vật tư cho các dự án đường sắt cao tốc, vào đầu tháng này cũng đã bị nhà điều tra bắt.
Báo New York Times cũng cho biết gia đình ông Lưu đã nhiều lần bị cáo buộc lạm dụng quyền lực. Tháng 4-2006, em trai ông Lưu là Liu Zhixiang đã bị một tòa án ở tỉnh Hồ Bắc kết án tử hình vì đã thuê sát thủ giết người đã cung cấp thông tin vụ tham nhũng của mình. Một người em trai khác của ông Lưu là cục trưởng cục đường sắt ở thành phố Vũ Hán, cũng đã bị kết án nhận hối lộ và biển thủ công quỹ, nhận án 9 năm tù giang.
Xinhua cho biết chính phủ Trung Quốc đã chỉ định Sheng Guangzu, 62 tuổi, từng là Tổng cục trưởng Hải quan lên thay thế vị trí ông Lưu. Nhân dân Nhật báo bình luận việc thay thế nhanh chóng này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến những dự án đường sắt đã và đang triển khai. Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc quy mô toàn quốc.
Dịch vụ đường sắt của Trung Quốc đảm nhiệm phần lớn việc vận chuyển người dân trong tất cả các loại hình vận tải, đặc biệt là vào dịp Tết nguyên đán. Tham nhũng từ lâu đã được biết đến như vấn nạn kinh niên trong ngành đường sắt, đặc biệt là những mùa cao điểm, khi những tay phe vé thường xuyên kết nối với các nhân viên trong ngành để bán vé với giá đắt hơn.
Chuyên gia về phòng chống tham nhũng Wang Yukai thuộc Học viện Quản trị công Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo rằng vụ phế chức của ông Lưu có thể đẩy các kế hoạch cải tổ ngành đường sắt. "Đây là thời điểm thích hợp để tái cơ cấu Bộ Đường sắt, tách biệt rõ chức năng quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp của Bộ này, nên để Bộ Đường sắt về trực thuộc Bộ Vận tải". Ông Wang nói tham nhũng rất dễ xảy ra nếu một bộ "vừa là chủ sở hữu vừa được quyền quản lý công cụ lao động".
Quyết tâm chống tham nhũng
Trước vụ việc của ông Lưu thì vụ xử quan tham cao cấp đình đám nhất của Trung Quốc trong quá khứ là vụ bí thư thành ủy Thượng Hải Chen Liangyu. Ông này bị cách chức năm 2006 và bị kết án 18 năm tù vào năm 2008, do đã tham nhũng và lạm quyền để chiếm dụng quỹ phúc lợi của Thượng Hải vào việc tư.
Phóng to |
Trong năm nay, Xinhua cho biết mới tháng 1 đã có Zhang Jingli là cựu phó giám đốc của Cơ quan Kiểm định Dược và Thực phẩm Nhà nước bị cách chức và khai trừ Đảng vì những vi phạm nghiêm trọng. Một số quan chức cấp cao khác cũng bị phế chức vì tham nhũng như Chủ tịch Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Kang Rixin, cựu chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh Quý Châu. Mới đây nhất trong tuần này, Luo Yingou là bí thư thành ủy Mậu Danh thuộc tỉnh Quảng Đông cũng đã bị bắt để điều tra tham nhũng.
Xinhua dẫn số liệu từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung Ương Trung Quốc rằng có tổng cộng 146.517 quan chức bị trừng phạt vì vi phạm kỷ luật trong năm 2010. Trong số đó có 5.098 là các lãnh đạo cấp quận trở lên và đã có 804 bị truy tố. Tháng 12-2010, Trung Quốc lần đầu tiên ban hành Sách trắng về Phòng chống tham nhũng, thể hiện quyết tâm của nước này trong việc làm trong sạch bộ máy quản lý nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận