20/10/2012 07:52 GMT+7

Trung Quốc tập trận "thị uy"

K.LOAN - Đ.PHƯƠNG
K.LOAN - Đ.PHƯƠNG

TT - Ngày 19-10, hải quân Trung Quốc bắt đầu tập trận trên biển Hoa Đông, gần khu vực tranh chấp với Nhật, trong thời điểm căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang. Liệu có nổ ra xung đột quân sự?

Trung Quốc tập trận ở biển Hoa Đông

vcIIftJt.jpgPhóng to
Tàu chiến, tàu ngư chính, tàu hải giám của Trung Quốc diễn tập trên biển Hoa Đông - Ảnh: Mil.cnr.cn

Theo Tân Hoa xã, cuộc tập trận của hạm đội Đông Hải, với sự tham gia của 11 tàu hải quân, tàu ngư chính, tàu hải giám và tám máy bay, dựa trên tình huống giả định các tàu hải giám, ngư chính Trung Quốc “đang thực thi nhiệm vụ trên biển thì bị tàu nước ngoài quấy nhiễu, ngăn trở, va chạm gây thiệt hại”.

Hải quân Trung Quốc khẳng định mục tiêu cuộc tập trận là tăng cường khả năng phối hợp giữa hải quân và các tàu tuần tra dân sự, cũng như chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp trong “nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích trên biển”. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố các hình ảnh tàu chiến và máy bay trực thăng đang diễn tập.

Khoe “cơ bắp”

Tuy địa điểm tập trận không được công bố rõ, song truyền thông khẳng định nó diễn ra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. BBC nhận định khó có khả năng 11 tàu Trung Quốc xâm nhập được khu vực do Nhật kiểm soát. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất với sự tham gia của cả tàu dân sự, tàu chiến và máy bay. Chỉ ba ngày trước, máy bay quân sự Nhật đã phát hiện bảy tàu chiến Trung Quốc xuất hiện gần các đảo trong vùng lãnh hải của Nhật.

Phản ứng trước cuộc tập trận của Trung Quốc, chánh văn phòng nội các Nhật Osamu Fujimura tuyên bố Tokyo không nắm được các thông tin chi tiết, nhưng nhấn mạnh Nhật sẽ giám sát nhất cử nhất động của phía Trung Quốc. Giới quan sát phương Tây nhận định Trung Quốc đang muốn “khoe cơ bắp” để cảnh cáo Nhật, nhằm đáp trả việc Nhật đã thể hiện sức mạnh vào tuần trước qua cuộc tập trận lớn với 40 tàu chiến, trong đó có cả các tàu khu trục, tàu ngầm hiện đại cùng 30 máy bay hải quân ở vùng biển phía nam Tokyo.

Ngư dân Trung Quốc “không dám bén mảng”

Cũng trên biển Hoa Đông, ngày 19-10 Trung Quốc và Hàn Quốc đã cùng lúc áp đặt lệnh cấm đánh cá vĩnh viễn với chủ tàu cá bị bắt do đánh cá trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nhau. Theo báo Korea Times, một quan chức Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết hai nước đã thống nhất phối hợp ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp này. Các chủ tàu vi phạm bị tịch thu giấy phép đánh cá từ ba năm lên thành vĩnh viễn. Theo thỏa thuận năm 2001, ngư dân Trung Quốc và Hàn Quốc có thể đánh bắt cá ở vùng EEZ của nhau nếu được cấp phép.

Hai bên đạt thỏa thuận ngay sau vụ một ngư dân Trung Quốc bị Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc (KCG) bắn chết do dùng hung khí và vũ lực chống cự khi KCG kiểm tra đoàn tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng EEZ của Hàn Quốc.

KCG cho biết sau vụ ngư dân Trung Quốc bị bắn chết, không tàu cá Trung Quốc nào dám bén mảng đến vùng EEZ của Hàn Quốc. Trước đó, ngày nào cũng có 20-30 tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp ở đây. Dù vậy, KCG cảnh báo có khoảng 100 tàu cá Trung Quốc lởn vởn ở gần vùng EEZ của Hàn Quốc và có thể xâm nhập bất cứ lúc nào.

Sẽ không xảy ra xung đột quân sự

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định xung đột Senkaku/Điếu Ngư cho thấy Trung Quốc đang thử nghiệm chiến lược dùng sức mạnh kinh tế để gây áp lực lên các đồng minh của Mỹ. Báo cáo của Ngân hàng JPMorgan-Chase cho thấy tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư có thể khiến GDP Nhật giảm 0,8% trong quý 4-2012.

Tuy nhiên, giáo sư Thayer khẳng định tranh chấp Nhật - Trung sẽ không leo thang thành xung đột quân sự dù Trung Quốc đang biểu dương sức mạnh hải quân trên biển Hoa Đông. Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng tàu dân sự và tàu cá để “đòi chủ quyền” bởi việc dùng tàu quân sự sẽ đe dọa thương mại và an ninh hàng hải, buộc Mỹ phải can thiệp.

K.LOAN - Đ.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên