17/05/2015 09:05 GMT+7

Trung Quốc sẽ đuối lý về đảo nhân tạo

Q.TRUNG
Q.TRUNG

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chuyên gia quốc tế và trong nước cho rằng việc dùng đảo nhân tạo để đòi chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông đang gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở khu vực này.

Việc dùng đảo nhân tạo để đòi chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông đang gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở khu vực này. Ảnh tư liệu.

Tiến sĩ luật học Lê Minh Phiếu đặt ra hai vấn đề. Ông nói: “Thứ nhất, Trung Quốc có được quyền xây dựng đảo nhân tạo tại khu vực này hay không?”.

Ông Phiếu cho biết theo điều 60.1 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), quốc gia ven biển có thể xây dựng đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Tuy nhiên, vùng biển này không phải là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, nên việc Trung Quốc xây như vậy là bất hợp pháp.

“Thứ hai, theo điều 60.8 của UNCLOS, các đảo nhân tạo không được hưởng quy chế của các đảo. Theo điều 60.5 của UNCLOS, phạm vi an toàn không thể mở rộng ra một khoảng cách quá 500m xung quanh các đảo nhân tạo” - ông Phiếu nói và nhận định nếu Mỹ đưa tàu quân sự đến các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng từ những mỏm đá (không phải đảo) thì hoàn toàn phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.

Thăm dò phản ứng của Bắc Kinh?

Cùng quan điểm, ông Gregory Poling, chuyên gia biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), cho rằng các tàu quân sự hay dân sự của bất kỳ nước nào đều có quyền đi ngang khu vực nằm trong vùng tiếp giáp lãnh hải 12 hải lý.

Ông Poling cũng lập luận nếu Trung Quốc cứ cố dùng lý lẽ rằng những bãi ngầm, bãi cạn mà họ đang xây dựng, cải tạo trái phép ở Trường Sa là vùng biển thuộc chủ quyền của họ thì Bắc Kinh sẽ đuối lý.

“Nếu Trung Quốc không thể phản đối vì nhận ra rằng không giải thích nổi yêu sách đối với vùng biển chủ quyền quanh các đảo nhân tạo thì đó là một chiến thắng của luật pháp quốc tế” - ông Poling nói.

Còn tiến sĩ Lê Minh Phiếu cho rằng hành động của Mỹ là để theo dõi, kiềm chế những bước đi hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông.

“Kế hoạch tuần tra này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện tham vọng của Trung Quốc nên chắc chắn Bắc Kinh sẽ phản ứng. Tuy nhiên, khả năng xung đột trên biển là rất khó” - ông Phiếu nói.

Trong khi đó, ông David Brown - nguyên là nhà ngoại giao Mỹ - cho rằng ý định đưa tàu và máy bay quân sự đến gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi đắp nhấn mạnh lập trường của Mỹ rằng việc chiếm đóng các thực thể (bãi đá, bãi san hô, đảo) không có nghĩa là không cho phép các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải.

Theo ông, Lầu Năm Góc công bố ý định này nhằm thăm dò phản ứng của Bắc Kinh.

Bài toán khó cho Mỹ

Giáo sư Jonathan London thuộc Đại học Thành thị Hong Kong nhận định trong mắt người Mỹ, những động thái nhằm thay đổi hiện trạng mà Bắc Kinh đang thực hiện ở biển Đông đã vi phạm các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trật tự an ninh, ổn định và công lý trong khu vực.

“Mỹ sẽ cho rằng những hành động quân sự của họ là hoàn toàn phù hợp với mục đích bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực Thái Bình Dương” - ông London nói.

Trong khi đó, tiến sĩ Ian Storey thuộc Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng các công trình bồi đắp đảo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Mỹ.

Ông giải thích: “Để duy trì uy tín với các đối tác và đồng minh trong khu vực, Mỹ sẽ phải có phản ứng mạnh mẽ, sẵn sàng bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực. Song các quốc gia trong khu vực cũng không muốn Mỹ theo đuổi các biện pháp làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc và tổn hại hòa bình, ổn định trong khu vực”.

Q.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên