13/01/2013 08:26 GMT+7

Trung Quốc ngang nhiên công bố bản đồ thâu tóm biển Đông

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Sau khi phát hành hộ chiếu điện tử có bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò) bị dư luận quốc tế và khu vực phản đối mạnh mẽ, Bắc Kinh lại tiếp tục gây hấn bằng việc công bố tập bản đồ mới, gộp toàn bộ các đảo trên biển Đông vào Trung Quốc.

3FKJCluH.jpgPhóng to
Bản đồ địa hình Trung Quốc do Sinomaps Press ấn bản và phát hành, bao gồm 130 đảo lớn nhỏ ở biển Đông - Ảnh: huanqiu.com

Tân Hoa xã ngày 12-1 loan báo lần đầu tiên Trung Quốc đã in chi tiết các đảo ở biển Đông vào bản đồ “địa hình Trung Quốc” của nước mình. Cùng ngày, Cục Tin tức địa lý đo vẽ quốc gia Trung Quốc (NASMG) tuyên bố bản đồ này bao gồm 130 đảo lớn nhỏ ở biển Đông.

Phần lớn các đảo này chưa hề được mô tả trong những bản đồ dạng ngang trước đây của Trung Quốc, nay được thay thế bằng bản đồ dạng thẳng đứng để dễ dàng mô tả chi tiết các đảo đá, bãi ngầm trên biển Đông và gộp vào thành lãnh thổ của Trung Quốc.

Tập bản đồ mới này do Tập đoàn xuất bản bản đồ Trung Quốc (Sinomaps Press) in ấn, dự kiến cuối tháng 1-2013 sẽ phát hành trên toàn Trung Quốc.

Trắng trợn biến lãnh thổ nước khác thành ao nhà!

Với việc công bố này, NASMG đã công khai thừa nhận trong những bản đồ nằm ngang trước đây họ chỉ mô tả những quần đảo lớn như Trường Sa, Hoàng Sa, đảo Phú Lâm của Việt Nam và bãi cạn Scarborough do Philippines kiểm soát chứ chưa hề thu gom những đảo và bãi ngầm khác. Điều này trái ngược với luận điệu dựa trên cái gọi là chứng cứ lịch sử mà Bắc Kinh từng tuyên bố trước đây để chứng minh “chủ quyền cố hữu” của mình ở biển Đông.

Nhân Dân Nhật Báo dẫn lời ông Từ Căn Tài, giám đốc Sinomaps Press, cho rằng tập bản đồ mới này không chỉ gộp các đảo lớn nhỏ ở biển Đông vào lãnh thổ Trung Quốc, mà còn thể hiện mối quan hệ vị trí địa lý của quần thể các đảo này.

Ông giám đốc này còn ngang ngược khẳng định tập bản đồ mới này sẽ trở thành tài liệu giúp người dân tăng cường nhận thức về “lãnh thổ quốc gia, bảo toàn quyền và lợi ích biển của Trung Quốc cũng như minh định lập trường ngoại giao chính trị của Trung Quốc”! Tân Hoa xã còn khẳng định với tấm bản đồ mới này, Trung Quốc càng có thêm bằng chứng “mang sức mạnh trực quan” để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình!

Rõ ràng đây là hành vi xâm phạm và xâm lấn lãnh thổ của nước khác, là hành vi gây hấn mới của Bắc Kinh, thể hiện lộ liễu mưu đồ thôn tính và thâu tóm toàn bộ biển Đông của Trung Quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng động thái mới này của Bắc Kinh làm lộ rõ ba vấn đề. Một là, qua vụ “hộ chiếu có in hình đường lưỡi bò” và nay là qua vụ tấm bản đồ của Nhà xuất bản Sinomaps Press, cộng đồng quốc tế càng nhìn thấy rõ hơn bản chất nước lớn của Trung Quốc.

Hai là, những việc làm gần đây của Trung Quốc trên biển Đông đã ngang nhiên thách thức dư luận khu vực và thế giới.

Ba là, tất cả động thái của Trung Quốc đã góp phần thức tỉnh những ai còn ảo vọng về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.

Chỉ bất lợi cho Trung Quốc

Cùng với việc loan báo bản đồ của NASMG, Tân Hoa xã còn cho biết từ năm 2013, Cục Hải dương Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động bảo hộ hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cục phó Cục Hải dương Trung Quốc Trần Ái Bình cho biết Trung Quốc sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin trên biển như hệ thống theo dấu và nhận biết đường đi của tàu thuyền, hệ thống tự động nhận biết tàu. Ngoài ra, Trung Quốc còn cho phủ sóng viễn thông ở các khu vực này, giám sát thông tin liên lạc trong phạm vi lên đến trên 1.000 hải lý (khoảng 1.852km).

Ông Bình cũng cho biết năm nay Trung Quốc sẽ hoàn thiện hơn nữa việc phối hợp và bố trí lực lượng trên biển, tăng thêm lượng tàu và máy bay tuần tra để giám sát mọi hoạt động giao thông trên biển. Bắc Kinh sẽ tập trung xây dựng phao tiêu ở các vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam cũng như ở những nơi mà Trung Quốc cho là vùng duyên hải của mình.

Bắc Kinh cũng sẽ xây dựng các trạm thủy văn trên các đảo mà họ cho là thuộc chủ quyền của mình. “Cục Hải dương Trung Quốc sẽ phối hợp với hải quân để bảo vệ tàu thuyền Trung Quốc di chuyển trên các vùng biển này” - Tân Hoa xã dẫn lời ông Trần nhấn mạnh.

Giới quan sát cho rằng tuyên bố này đồng nghĩa với việc không sớm thì muộn tàu chiến Trung Quốc sẽ xuất hiện tại các vùng trọng yếu ở biển Đông. Câu hỏi đặt ra với những chính sách mới này là liệu Trung Quốc có đang đi theo con đường hợp tác hòa bình và hữu nghị cùng khai thác trên biển Đông như Bắc Kinh từng cam kết với khu vực hay không?

Học giả Lý Lệnh Hoa, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc, nhận định nếu Trung Quốc cứ giằng co với các nước ở biển Đông thì sẽ không có lợi cho con đường phát triển và xây dựng của mình. Học giả này kêu gọi Trung Quốc hãy đi theo con đường đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp.

“Họ cứ khăng khăng đường chín đoạn là hợp pháp, song điều này chỉ làm cho tình hình Nam Hải (biển Đông) thêm rối ren và không có lợi cho Trung Quốc” - học giả Lý phê phán quan điểm cố chấp của một số quan chức, học giả, chuyên gia quân sự Trung Quốc hiện nay.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên