10/10/2013 06:15 GMT+7

Trung Quốc: muốn con học tốt, cha mẹ phải chi tiền

NG.PHƯƠNG - Đ.PHƯƠNG (Theo Washington Post, Thanh Niên Trung Quốc)
NG.PHƯƠNG - Đ.PHƯƠNG (Theo Washington Post, Thanh Niên Trung Quốc)

TT - Tham nhũng ở trường học các cấp tại Trung Quốc đang trở thành gánh nặng lớn đối với học sinh và phụ huynh những gia đình ít tiền.

SQMVIbgL.jpgPhóng to
Để vào trường tốt, thành tích học là không đủ đối với các học sinh Trung Quốc - Ảnh: China Times

Trong nhiều năm, bạn bè của Dương Khiết cảnh báo cô rằng cần phải tiết kiệm đủ tiền cho con gái học hành đàng hoàng. Không phải tiền học phí hay mua sách vở, dụng cụ học tập, mà là tiền đút lót để đưa con cô vào học trường công có chất lượng ở thủ đô Bắc Kinh.

Là phụ nữ mạnh mẽ, cô bỏ ngoài tai những lời khuyên đó và dạy con nguyên tắc: “Muốn thành công thì phải chăm chỉ”. Nhưng khi con cô chuẩn bị vào trung học, Dương Khiết buộc lòng phải suy nghĩ lại. Cô tận mắt chứng kiến bạn bè xun xoe quà cáp, đút lót cho giáo viên. Một người bạn tặng cả thang máy mới cho một trường điểm hàng đầu và lập tức con anh ta được nhận vào học. Các bậc phụ huynh Trung Quốc, thậm chí các giáo viên, thừa nhận tất cả mọi thứ từ suất nhập học cho đến điểm số đều là những thứ “có thể thương lượng”.

Muốn học tử tế phải chung chi

Tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, các trường tốt nhất luôn là trường công. Kể cả xét theo tiêu chuẩn phương Tây thì các trường này cũng cực xịn. Ví dụ, Trường Cảnh Sơn ở Bắc Kinh được trang bị kính viễn vọng trị giá 326.000 USD cho các lớp học thiên văn. Mọi lớp học đều được trang bị màn hình tivi lớn, phòng thí nghiệm đầy những chiếc máy tính hiện đại. Trường thậm chí còn có bể bơi theo tiêu chuẩn Olympic và hệ thống vườn hiện đại. Giáo viên muốn dạy ở trường này phải có bằng tiến sĩ. Ngược lại, các trường tư hoặc dành cho con em người nước ngoài, Hoa kiều cực kỳ đắt đỏ, hoặc là những ngôi trường tồi tàn, chất lượng thấp dành cho con cái công nhân nhập cư từ nông thôn, luôn trong tình trạng chật chội, xuống cấp.

Do đó, các bậc cha mẹ phải cạnh tranh nhau dữ dội để đưa con mình vào những trường tốt nhất. Học lực của các em vẫn là yếu tố đánh giá quan trọng nhưng không đủ. Sự cạnh tranh khiến phụ huynh phải tìm mọi cách làm vui lòng thầy cô giáo. Cách đơn giản nhất là tặng quà đủ loại, từ gạo hữu cơ, quà lưu niệm đắt tiền mua ở nước ngoài cho đến tiền mặt.

Các bậc phụ huynh giải thích có quà cáp thì giáo viên mới chú ý giúp con cái họ, cho điểm cao hay sắp xếp chỗ ngồi thuận lợi.

Chi phí khủng

“Khi giáo viên phải chọn giữa hai học sinh có năng lực tương đương, các món quà sẽ tạo ra sự khác biệt” - một phụ huynh giấu tên nhấn mạnh. Được dạy dỗ đàng hoàng, đạt điểm cao thì sẽ có cơ hội vào trường cấp II tốt. Vào trường cấp II tốt nghĩa là có cơ hội vào trường cấp III xịn. Và từ trường cấp III xịn học sinh sẽ có khả năng vượt qua kỳ thi đại học đầy áp lực để vào một trường đại học có tiếng, đồng nghĩa với sau khi ra trường có việc làm lương cao, có nhà cửa đàng hoàng...

Theo khảo sát của báo Thanh Niên Trung Quốc hồi tháng 8-2013, 71,1% sinh viên thừa nhận bản thân hoặc bạn bè xung quanh từng xin điểm giáo viên. Trong khi đó có đến 41,1% sinh viên xác nhận nhiều giáo viên tăng điểm cho học sinh sau khi nhận quà và tiền hối lộ. Theo chia sẻ của nhiều sinh viên, họ thường xin số điện thoại của giáo viên ngay sau khi biết chắc mình không thể thi đậu. Sau đó đem quà và phong bì đến tận nhà giáo viên. Thông thường nếu lớp có nhiều học sinh không làm bài tốt, lớp sẽ cử đại diện đem phong bì đến giáo viên. “Đó là thông lệ” - một sinh viên cho biết. Các bậc phụ huynh Trung Quốc cho biết giáo dục phổ thông ở nước này miễn phí, nhưng trên thực tế mức chi phí để vào được các trường điểm là cực lớn. Một suất vào một trường cấp II đàng hoàng ở Bắc Kinh bao gồm các khoản chi và hối lộ lên tới trung bình 16.000 USD. Với các trường tốt hơn, con số này có thể tăng tới hàng chục nghìn USD.

NG.PHƯƠNG - Đ.PHƯƠNG (Theo Washington Post, Thanh Niên Trung Quốc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên