Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: REUTERS
Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 25-2 cho biết Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề nghị loại bỏ điều khoản này trong Hiến pháp.
Thông báo của Tân Hoa xã phát đi sau cuộc họp ngày 25-2 của Bộ Chính trị (gồm 25 thành viên cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc), và trước cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương sẽ bắt đầu hôm nay (26-2) cũng sẽ thảo luận về những thay đổi Hiến pháp cần thiết liên quan tới đề xuất này.
Nếu đề nghị này được thông qua, nó sẽ mở đường để nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục tại nhiệm sau năm 2023, thời điểm ông Tập sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai hiện nay của ông.
Việc xóa bỏ điều lệ giới hạn về số nhiệm kỳ chủ tịch cũng có nghĩa ông Tập Cận Bình sẽ không phải rời cương vị sau 10 năm tại nhiệm tối đa, không giống như các lãnh đạo tiền nhiệm khác của Trung Quốc.
Hãng tin Quartz (Mỹ) cho rằng trên thực tế ngay từ cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, giới chuyên gia chính trị đã bắt đầu đồn đoán về khả năng ông Tập sẽ tại nhiệm nhiều hơn giới hạn 10 năm đặt ra với các lãnh đạo đi trước.
Và việc truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố thông tin đề nghị sửa đổi Hiến pháp liên quan tới số nhiệm kỳ giới hạn đã cho thấy những nhận định trước đó của giới quan sát hoàn toàn có cơ sở.
Trước những thông báo chính thức vào cuối tuần qua, giới quan sát cũng đã nhận ra các tín hiệu rõ ràng cho thấy nhà lãnh đạo 64 tuổi Tập Cận Bình có thể tại nhiệm lâu hơn quy định, trong đó có cả những cách gọi thêm vào một loạt danh xưng, chức vụ của ông như "Lãnh đạo nòng cốt" năm 2016.
Bên cạnh đó, đối thủ chính trị của ông Tập, ông Tôn Chính Tài, một thời từng được coi như nhân vật có tiềm năng trở thành người kế nhiệm ông Tập, đã bị khai trừ khỏi Đảng trong tháng 9 năm ngoái vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
Trong khi đó, trong số 6 thành viên cao nhất thuộc Bộ chính trị công bố tại lễ bế mạc Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái lại không có ai thuộc độ tuổi phù hợp để làm người kế nhiệm của ông Tập.
Và một tín hiệu rõ ràng hơn nữa là tên của ông Tập Cận Bình được đưa vào điều lệ Đảng, trở thành tư tưởng Tập Cận Bình, một sự tôn vinh chưa từng có với nhà lãnh đạo Trung Quốc nào khi vẫn đang tại nhiệm kể từ thời chủ tịch Mao Trạch Đông.
Báo Straitstimes dẫn nhận định của giáo sư Steve Tsang thuộc Đại học London: "Đây là một thay đổi quan trọng mà chắc chắn là có một số phản ứng. Tuy nhiên rõ ràng là ông ấy đã vượt qua những điều đó".
Cũng theo Tân Hoa xã, giới chức Trung Quốc ngày 25-2 cũng đề nghị đưa tư tưởng chính trị của ông Tập: "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với những đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" vào Hiến pháp Trung Hoa, động thái tương tự như với Điều lệ Đảng trong tháng 10 năm ngoái. Điều này dự kiến sẽ chính thức được thông qua trong phiên họp quốc hội thường niên tháng tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận