27/10/2017 14:49 GMT+7

Trung Quốc khai gian số dân - quả bom nổ chậm toàn cầu

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Một loạt dữ liệu về tỉ lệ sinh ở Trung Quốc "biến mất" trong niên giám thống kê 2017. Các chuyên gia suy đoán rằng quả bom dân số già của Trung Quốc tệ hơn những gì công bố.

Trung Quốc khai gian số dân - quả bom nổ chậm toàn cầu - Ảnh 1.

Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề với tình trạng lão hóa dân số - Ảnh: REUTERS

Từ năm 2004, hằng năm Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đều công bố dữ liệu về tỉ lệ sinh ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ - con số này nói lên có bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra bởi phụ nữ thuộc các nhóm tuổi khác nhau. 

Thống kê này rất quan trọng để đánh giá khuynh hướng dân số của một nước (tăng, giảm, trẻ hóa, già đi...). Điều này càng có ý nghĩa với Trung Quốc, đất nước đang phải gánh những hệ quả dân số nghiêm trọng sau một thời gian dài áp dụng chính sách một con. 

Nhưng trong niên giám thống kê 2017, dữ liệu trên không còn xuất hiện và không có một lời giải thích nào từ chính quyền. 

Nghi vấn số liệu

Theo thống kê công bố tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đón 17,86 triệu trẻ em chào đời trong năm 2016, tăng từ mức 16,55 triệu của năm 2015.

Ủy ban Sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình quốc gia Trung Quốc - cơ quan chịu trách nhiệm thi hành chính sách một con nghiêm khắc trong giai đoạn trước - ước tính tỉ lệ sinh ở nước này vào khoảng 1,6 (mỗi phụ nữ sinh 1,6 con).

Nhưng ngoài ra, các dữ liệu về tỉ lệ sinh theo nhóm tuổi, yếu tố ảnh hưởng đến khuynh hướng dân số, lại thiếu vắng một cách đáng ngờ.

Ví dụ, nếu phụ nữ sinh con đầu lòng khi còn trẻ, khả năng họ sinh tiếp đứa thứ 2, thứ 3 sẽ cao hơn; nếu số phụ nữ trong nhóm trẻ giảm so với nhóm đứng tuổi, thì nó báo hiệu dân số sẽ giảm về lâu dài... 

Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, từ việc thống kê 2017 bị "cắt xén" không lời giải thích, các nhà nhân khẩu học cho rằng điều này chứng tỏ dữ liệu dân số của Trung Quốc, bao gồm cả tỉ lệ sinh 1,6, thật sự "có vấn đề".

Trên thực tế, trong nhiều năm qua giới hàn lâm Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng nghi ngờ tính chính xác của các số liệu công bố bởi Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình. Họ chỉ trích rằng dữ liệu sai sẽ dẫn đến công tác quản lý, ban hành chính sách của nhà nước cũng "lạc lối" theo.

Những năm đầu thập niên 1990, giới chóp bu Bắc Kinh từng một lần giấu công chúng và quốc hội về việc tỉ lệ sinh giảm mạnh trong giai đoạn đó.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tỉ lệ sinh ở Trung Quốc năm 2015 chỉ là 1,05 (nhóm phụ nữ độ tuổi 15-49) - là mức thấp nhất thế giới, thua xa con số trung bình 2,5.

Trung Quốc khai gian số dân - quả bom nổ chậm toàn cầu - Ảnh 2.

Liệu có quá trễ để Trung Quốc đảo ngược khuynh hướng dân số - Ảnh: AFP

Dân số Trung Quốc ít hơn Ấn Độ?

Ông Yi Fuxian, nhà nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), đã gây xôn xao dư luận hồi tháng 5 vừa qua với tiết lộ rằng dân số Trung Quốc "bị thổi" lên khoảng 90 triệu người, và thật sự thì Trung Quốc có ít dân hơn Ấn Độ.

Tháng 8 vừa qua, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc tuyên bố tỉ lệ sinh đã tăng lên 1,7 trong năm 2016 nhờ áp dụng chính sách 2 con, tuy nhiên số liệu này khác hẳn với Cục Thống kê quốc gia. 

Vậy đâu là sự thật?

Ông Huang Wenzheng, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức học giả Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, cho rằng sự xung đột với Ủy ban Kế hoạch hóa là lý do khiến Cục thống kê quyết định không công bố dữ liệu dân số năm nay.

"Có một câu hỏi về xung đột lợi ích trong việc Ủy ban Kế hoạch hóa nhà nước tự khảo sát số liệu" - ông Huang bình luận.

Ông Liang Zhongtang, nhà nhân khẩu học từng làm việc cho Ủy ban Kế hoạch hóa hồi thập niên 1980, nhận xét tỉ lệ sinh của Trung Quốc đã không chuyển biến mấy sau khi Bắc Kinh áp dụng chính sách 2 con năm 2016, và đó có thể là một lý do khiến dữ liệu thống kê không được công bố.

"Khoảng cách giữa thực tế và những gì chính phủ mong đợi có thể là thứ khiến họ không muốn công bố dữ liệu" - ông Liang suy đoán.

Ảnh hưởng toàn cầu

Có khả năng tình trạng lão hóa dân số, đặc biệt ở Trung Quốc, sẽ dẫn đến tỉ lệ lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao trên toàn thế giới"

Hãng tư vấn tài chính Deloitte

Các chuyên gia từ lâu đã dự báo việc giảm tỉ lệ sinh sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Trung Quốc, tương tự với khuynh hướng từng xuất hiện ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Bắc Kinh bị đánh giá đã quá chậm trễ trong việc nới lỏng chính sách sinh đẻ, hệ quả là tăng trưởng kinh tế giảm do thiếu nguồn lao động và dân số lão hóa nhanh. Nhu cầu tiêu dùng giảm, chi phí hưu trí và chăm sóc sức khỏe tăng... là những hiệu ứng liên quan.

Hồi thập niên 1990, 5 người lao động Trung Quốc góp vào quỹ hưu trí để nuôi 1 người về hưu, ngày nay tỉ lệ này là 2,8/1.

Báo cáo của Hãng tư vấn tài chính Deloitte nhận định: "Trung Quốc đã già trước khi kịp giàu để chăm lo cho người lớn tuổi. Nếu vậy, những hệ lụy toàn cầu sẽ rất lớn vì dân số Trung Quốc đông gấp 10 lần Nhật Bản, trong khi nước này lại không có một hệ thống an sinh xã hội tốt".

Trung Quốc khai gian số dân - quả bom nổ chậm toàn cầu - Ảnh 4.

Trung Quốc sắp tới có thể phải chuyển từ kiểm soát sang khuyến khích sinh đẻ - Ảnh: AFP

Người trẻ không cần đến chính sách nhà nước để sinh đẻ ít, bây giờ muốn khuyến khích họ sinh một đứa con thôi cũng khó.

Báo cáo của hãng tư vấn tài chính Deloitte


Những dấu hiệu báo trước động thái nới lỏng hơn nữa chính sách kiểm soát dân số, thậm chí chuyển từ kế hoạch hóa sang khuyến khích sinh đẻ, đã xuất hiện tại kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua.

Trong bài diễn văn dài hơn 3 giờ đồng hồ, Chủ tịch Tập Cận Bình không hề nhắc chữ nào đến "kiểm soát sinh đẻ" hoặc "kế hoạch hóa gia đình", thay vào đó, ông dùng cụm từ "chính sách dân số", nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần "tăng cường nghiên cứu chuyên sâu về dân số". 

Để so sánh, hai người tiền nhiệm của ông Tập là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân trong các báo cáo trước đây xem kế hoạch hóa là một chính sách nền tảng quốc gia.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên