Giới thiệu về tàu ngầm diesel-điện S26T của Trung Quốc trên tàu sân bay Chakri Naruebet của Thái Lan - Ảnh: Sina
Tại Đông Nam Á, Thái Lan là bạn hàng vũ khí lớn nhất của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua, từ xe tăng đến tàu hộ vệ tên lửa, pháo phản lực phóng loạt và nay là tàu ngầm.
Ưu thế giá rẻ
Ngày 5-9, lễ cắt thép chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hải quân hoàng gia Thái Lan đã được tổ chức tại một xưởng đóng tàu thuộc Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc ở tỉnh Hồ Bắc.
Con tàu nằm trong hợp đồng trị giá hơn 410 triệu USD. Nhưng khách hàng mua vũ khí của Trung Quốc không chỉ có Thái Lan.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng trong nước, kết hợp với giá cả cạnh tranh đã giúp nước này có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới, từng bước không phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu.
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong 10 năm qua, Trung Quốc chiếm 5,2% tổng số lượng giao dịch vũ khí trên thế giới, sau Mỹ (32,4%), Nga (23,7%), Đức (6,6%) và Pháp (6,2%).
Trong khi xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng hơn 275% trong giai đoạn 2007-2017 thì nhập khẩu vũ khí của nước này đã giảm hơn một nửa, ở mức 56%.
Mặc dù vậy, danh sách khách hàng mua vũ khí Trung Quốc phân chia theo địa lý hầu như không có sự thay đổi đáng kể theo thời gian. Các bạn hàng truyền thống như Pakistan, Myanmar và Bangladesh chiếm khoảng 63% tổng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong 5 năm qua.
Khu vực duy nhất mà xuất khẩu vũ khí Trung Quốc có sự đột biến là Mỹ Latin, từ 0% vào những năm 2000 lên mức 5% vào năm 2017. Điều này có được nhờ việc Bắc Kinh bán vũ khí cho các chính quyền ở Venezuela và Bolivia.
Tại Đông Nam Á, Trung Quốc cũng có thêm một bạn hàng mới là Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.
Công cụ đối ngoại?
Sẽ còn mất một thời gian dài Trung Quốc mới hoàn tất công cuộc cải tổ ngành công nghiệp quốc phòng.
Tuy nhiên, quá trình cải tổ đó không hẳn vô ích khi một số công ty Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc phát triển và xuất khẩu các phương tiện bay không người lái (UAV). Tính đến năm 2018, Trung Quốc đã xuất khẩu UAV vũ trang cỡ lớn tới hơn 10 nước.
Điểm chung của phần lớn các quốc gia mua vũ khí từ Bắc Kinh là đều có "vấn đề" với phương Tây. Chẳng hạn, cuộc đảo chính quân sự năm 2014 tại Thái Lan đã đẩy quốc gia này vào mối quan hệ căng thẳng với Mỹ - quốc gia cung cấp chủ yếu vũ khí cho Bangkok.
Trung Quốc còn tranh thủ rất tốt mối quan hệ "bằng mặt không bằng lòng" giữa Mỹ và Pakistan để thúc đẩy các dự án phát triển vũ khí chung như tiêm kích JF-17 Kiêu Long.
Một câu hỏi đang được đặt ra trong giới học giả: phải chăng xuất khẩu vũ khí đang trở thành công cụ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc? Thực tế cho thấy Bắc Kinh đang chú trọng nhiều hơn tới mặt doanh số và mở rộng thị trường hơn là các lợi ích chính trị có được.
Nói cách khác, Bắc Kinh vẫn chưa biến xuất khẩu vũ khí trở thành công cụ ngoại giao. Lấy ví dụ việc Trung Quốc thường sử dụng kinh tế - hoặc là gây sức ép, hoặc là cung cấp ưu đãi - để thuyết phục các quốc gia chuyển từ công nhận Đài Loan sang Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh đã không chuyển giao bất kỳ hệ thống vũ khí thông thường cho các quốc gia cắt đứt quan hệ với chính quyền Đài Bắc.
Trung Quốc tự chủ chế tạo động cơ tiêm kích trên hạm
Tờ South China Morning Post của Hong Kong hôm 7-9 dẫn các nguồn thạo tin khẳng định Trung Quốc đã khắc phục được các nhược điểm của động cơ WS-10H, vốn được trang bị cho các tiêm kích J-15 hoạt động trên tàu sân bay của nước này.
Lực đẩy cùng tuổi thọ động cơ được cho là đã ngang với AL-31F do Nga sản xuất sau khi cải tiến.
Điều này làm dấy lên suy đoán Trung Quốc sắp sửa sản xuất hàng loạt tiêm kích J-15, từng bước giảm phụ thuộc vào động cơ máy bay chiến đấu nhập khẩu như trước đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận