Hai con khỉ cái được tạo ra bằng phương pháp nhân bản vô tính của Trung Quốc - Nguồn: TELEGRAPH/YOUTUBE
Theo hãng tin AP, thành tựu này được đánh giá là dấu mốc rất đáng chú ý, cho thấy nhân loại đang tiến gần hơn tới việc có thể nhân bản vô tính được cả con người.
Kể từ khi chú cừu Dolly ra đời năm 1996 bằng phương pháp nhân bản vô tính, các nhà khoa học đã nhân bản gần hai mươi loài động vật có vú như chó, mèo, lợn, bò và ngựa, thậm chí cũng đã tạo được các phôi thai người theo phương pháp này.
Tuy nhiên cho tới trước công bố của Trung Quốc, giới khoa học vẫn chưa thể ứng dụng kỹ thuật nhân bản vô tính đó với các loài thuộc Bộ linh trưởng, một bộ gồm các loài khỉ, vượn và người.
Nhà nghiên cứu Muming Poo thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc tại Thượng Hải khẳng định: "Rào cản trong việc nhân bản vô tính các loài linh trưởng đã được vượt qua".
Trong báo cáo khoa học đăng tải trên tạp chí Cell ngày 24-1, ông Muming Poo và các cộng sự cho biết họ đã nhân bản vô tính thành công hai con khỉ cái macaque.
Hai con khỉ nhỏ này lần lượt có tên là Zhong Zhong và Hua Hua, được 7 và 8 tuần tuổi.
Hai con khỉ cái Zhong Zhong và Hua Hua được các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra bằng phương pháp nhân bản vô tính - Ảnh: THE REPUBLIC
Trước thông tin này, ông Shoukhrat Mitalipov, nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon đã từng thử nghiệm nhiều lần và thất bại trong việc nhân bản vô tính khỉ, nói: "Đó là một hành trình rất dài. Rốt cuộc thì họ đã làm được điều đó".
Ông Poo cho biết thành tựu mới chứng tỏ việc nhân bản người là hoàn toàn khả thi về mặt lý thuyết. Tuy nhiên ông cho biết nhóm nghiên cứu của ông không có ý định làm việc này.
Nhìn chung giới khoa học chính thống đều phản đối việc tạo ra con người bằng phương pháp nhân bản vô tính. Ông Poo cũng nói xã hội sẽ cấm việc này vì các lý do đạo đức.
Theo ông Poo, mục đích nghiên cứu của nhóm ông là tạo ra nhiều con khỉ có bộ gene giống hệt nhau để sử dụng trong các nghiên cứu y khoa. Điều này là đặc biệt giá trị vì chúng giống con người hơn bất cứ loài động vật nào khác được sử dụng trong các nghiên cứu tại phòng thí nghiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận