08/04/2025 07:56 GMT+7

Trục lợi bảo hiểm: Có con voi lọt lỗ kim!

Để nhận được số tiền bồi thường bạc tỉ, có những người sẵn sàng giết người thân, thậm chí tự hủy hoại cả thân thể mình nhằm trục lợi bảo hiểm.

bảo hiểm - Ảnh 1.

Tô Thị Ty Na, nghi phạm giết con, tại cơ quan điều tra - Ảnh: Công an tỉnh Quảng Nam

Có vụ hình thành cả đường dây để trục lợi bảo hiểm với sự tham gia của nhiều người. Nhưng qua các vụ việc này cũng lộ ra sản phẩm bảo hiểm và quy trình bồi thường chưa ổn.

Ranh giới thật giả

Trước đây từng có vụ một thanh niên khiếu nại vì chậm được bồi thường. Khi phản ảnh trường hợp của mình, anh thanh niên này đưa ra nhiều hình ảnh và tài liệu chứng minh việc mình từng bị phỏng nặng do vấp dây điện khi đang bưng nồi lẩu, nước sôi đổ ụp vào người.

Anh cho biết đã nộp kết quả giám định thương tật và nhiều tài liệu khác nhưng công ty bảo hiểm chỉ ghi nhận.

Theo hợp đồng bảo hiểm, người thanh niên này có tới 4 tỉ đồng quyền lợi tai nạn, cao gấp 4 lần so với quyền lợi sản phẩm chính (tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn).

Qua trao đổi, người thanh niên này khẳng định: sự cố tai nạn xảy ra ngẫu nhiên, không cố tình để trục lợi, đồng thời không biết nếu khiếu nại thành công thì sẽ nhận được số tiền lên đến hàng tỉ đồng.

Được biết thời gian gần đây công ty bảo hiểm này đã ghi nhận một số ca khác có cùng yêu cầu chi trả quyền lợi liên quan đến phỏng và gãy xương, thấy có bất thường nên quyết định chuyển đến các cơ quan chức năng liên quan để điều tra và giải quyết.

Vụ việc của người thanh niên trên và một số khách hàng khác vẫn chưa có kết luận cuối cùng nhưng cũng lộ ra lỗ hổng trong thiết kế sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Đó là quyền lợi bảo hiểm tai nạn quá cao so với sản phẩm chính, chỉ cần phỏng hoặc gãy xương (không ảnh hưởng đến tính mạng và có cơ hội hồi phục cao), vẫn được chi trả hàng tỉ đồng.

Lỗ hổng từ bảo hiểm trẻ em với nhiều "quyền lợi chết"

Đầu tháng 4 này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thực nghiệm hiện trường vụ án nghi phạm Tô Thị Ty Na (44 tuổi) giết con trai ruột để trục lợi bảo hiểm. Ước tính bà này đã gom được hơn 4 tỉ đồng từ sinh mạng của hai người con nhỏ đã mất.

Đáng chú ý, người con 6 tuổi mất vào năm 2023, trong tư thế úp mặt vào thùng nước trong nhà vệ sinh. Trước đó đứa con 2 tuổi, qua đời vào năm 2021, cũng với tình tiết tương tự "ngã vào xô nước".

Luật sư Lê Thị Kim Ngân - Đoàn luật sư TP Hà Nội - cho biết: "Trên thế giới, chuyện giết người thân để trục lợi bảo hiểm là không hiếm". Đó cũng là lý do các nhà bảo hiểm phải đưa ra loạt giải pháp.

Như bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm phải có quan hệ hôn nhân hay huyết thống. Nếu công ty mua cho nhân viên, thì người thụ hưởng phải có quan hệ hôn nhân và huyết thống nhân viên.

Đồng thời cần kê khai những thông tin về các hợp đồng bảo hiểm đã mua trước đó khi mua một gói bảo hiểm mới. Công ty đánh giá tính hợp lý trong mệnh giá bảo vệ cũng như khả năng trục lợi.

Một người mua quá nhiều bảo hiểm của nhiều công ty trong một thời gian ngắn, với mệnh giá cao, thì khả năng trục lợi sẽ cao.

Song song đó là việc giới hạn mệnh giá bảo hiểm kèm chứng minh tài chính, không phải muốn mua cao là mua được dễ dàng. Luôn loại trừ chi trả nếu người thụ hưởng cố ý gây hại cho người được bảo hiểm.

Theo quy định, để ngăn chặn nạn trục lợi bảo hiểm, cũng như tuân thủ Luật Phòng chống rửa tiền, khách hàng khi tham gia bảo hiểm đều phải kê khai đúng thu nhập và công việc.

Đối với trẻ em, mặc dù công ty bảo hiểm cũng có những ràng buộc nhất định, nhưng đây là nhóm đối tượng tiềm ẩn rủi ro bị làm tổn hại do khả năng tự vệ yếu. Đảm bảo việc các em được chi trả quyền lợi tối đa để được sống, giới hạn về chi trả "quyền lợi chết".

Các công ty bảo hiểm cũng phải siết lại kỹ hơn các quy định, quy trình, sản phẩm bảo hiểm cho trẻ.
Luật sư LÊ THỊ KIM NGÂN (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Có cả đường dây trục lợi bảo hiểm

Trục lợi trong bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe diễn ra khá phổ biến. Không chỉ tự gây thương tích cho người khác và chính mình, bên mua bảo hiểm còn trục lợi với nhiều hình thức đa dạng.

Điển hình như giấu bị bệnh hiểm nghèo để mua bảo hiểm. Hay đổi thông tin cá nhân để khám bệnh rồi mua bảo hiểm. Ngoài ra còn có nhiều vụ việc giả hồ sơ y tế. Giả bị bệnh nặng, cố gắng nằm viện nhằm hưởng trợ cấp y tế từ vài trăm đến cả triệu đồng mỗi ngày.

Bà Hồ Thị Ngọc Như - trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro (IFRM) - nhận định:

"Rất nhiều trường hợp, một mình khách hàng không thể nào có đủ khả năng và kiến thức để trục lợi bảo hiểm. Có bàn tay của nhiều đại lý bảo hiểm, nhân viên y tế, bác sĩ... nhúng vào".

Điển hình mới cách đây khoảng nửa năm, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Tòa án quân sự Quân chủng hải quân vừa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự liên quan trục lợi bảo hiểm.

Ông Nguyễn Văn Khánh đã đổi tên thành Khanh, đổi năm sinh, để tới bệnh viện khám bệnh. Sau đó ông giấu bị ung thư, mua trót lọt 19 hợp đồng bảo hiểm của nhiều công ty khác nhau.

Nếu trót lọt, ông có thể thu lợi hơn 20 tỉ đồng. Đến thời điểm vụ việc bị phát giác, ông đã gom được 3,8 tỉ đồng từ 7/19 hợp đồng, sau đó ăn chia với nhiều đồng phạm.

Kết quả trong đường dây này, ông Khánh (khách hàng) bị lãnh 7 năm tù, vợ chịu 3 năm tù cho hưởng án treo. Bà Hà (người am hiểu bảo hiểm, tham gia dàn xếp) bị phạt 10 năm tù.

Ông Phong (đại lý bảo hiểm) bị phạt 2 năm tù cho hưởng án treo, bị cấm làm công việc liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong thời hạn hai năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết trong thời gian tới hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc chủ động phòng chống gian lận trục lợi bảo hiểm.

Giải pháp được đưa ra gồm: lập danh sách đen, danh sách cảnh báo cơ sở y tế, nhân viên y tế, nhóm bệnh, địa bàn, loại sản phẩm dễ bị gian lận, trục lợi, chia sẻ các kết quả điều tra, phát hiện cách thức, thủ đoạn gian lận...

Đồng thời việc xây dựng hệ thống dữ liệu để các công ty bảo hiểm thuận tiện tra cứu khách đã mua bảo hiểm ở những doanh nghiệp nào khác là điều cần thiết, từ đó có thêm cơ sở để quyết định bán thêm hợp đồng mới hay không.

Những vụ trục lợi kinh hoàng

Năm 2022, bị cáo Đỗ Văn Minh (Đắk Nông) bị truy tố bốn tội danh gồm: giết người, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hủy hoại tài sản và xâm phạm mồ mả.

bảo hiểm - Ảnh 2.

Đoạn đường sắt được bà Lý Thị N. dùng làm hiện trường giả vụ tai nạn gây cụt tay, cụt chân cho chính mình để trục lợi bảo hiểm - Ảnh: TH.HOÀNG

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Nông, bị cáo Minh từng lâm vào nợ nần, không có khả năng chi trả nên đã lên kế hoạch trộm mộ, lấy thi thể người khác để tạo hiện trường giả là chính mình đã chết. Mục đích nhằm trục lợi khoảng 18 tỉ đồng tiền bảo hiểm nhân thọ.

Việc trộm mộ bất thành nên ông này đã ra tay sát hại người em họ (25 tuổi), rồi dựng hiện trường giả bản thân gặp tai nạn giao thông và cháy xe. Gây án xong, ông bỏ trốn sang tỉnh khác nhưng sau đó bị Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ.

Năm 2016, bà Lý Thị N. (Hà Nội) đã thuê người chặt 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái của mình. Sau đó tạo hiện trường giả bị tai nạn tàu hỏa, nhằm lấy được 3,5 tỉ đồng tiền bồi thường bảo hiểm.

Qua quá trình điều tra, công an phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn nhưng do phía bảo hiểm chưa bồi thường, bà N. trục lợi bất thành, không bị khởi tố. Dù vậy bà cũng phải trả giá bằng những thương tật theo suốt đời.

0,5 - 3% hồ sơ dù nghi ngờ nhưng vẫn bồi thường

Theo khảo sát của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, có từ 3 - 8% hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm sức khỏe bị từ chối bồi thường.

Khách hàng "tâm phục khẩu phục" và không tiếp tục khiếu nại vì doanh nghiệp đưa ra bằng chứng chứng minh bị gian lận hoặc khách hàng biết bị phát hiện nên tự rút lui.

Tuy nhiên vẫn có khoảng 0,5 - 3% mặc dù bị nghi ngờ có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm nhưng không thể thu thập được bằng chứng rõ ràng để từ chối nên doanh nghiệp đã chi trả bồi thường.

Trục lợi bảo hiểm: có con voi lọt lỗ kim! - Ảnh 3.Từ vụ mẹ nghi giết con để trục lợi: Nên mua bảo hiểm cho trẻ em thế nào?

Nghi án một người mẹ ở Quảng Nam nhẫn tâm giết con của mình để trục lợi hơn 4 tỉ đồng bảo hiểm, đang gây phẫn nộ và xót xa. Điều này cũng dấy lên những tranh cãi trong giới bán bảo hiểm nhân thọ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên