21/05/2015 14:05 GMT+7

Trụ sở tiếp công dân - Kỳ 1: Chờ đợi và... chờ đợi

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Nhiều người dân khắp nơi đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước (Trụ sở tiếp dân trung ương - số 1 Ngô Thì Nhậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội) để khiếu kiện, khiếu nại.

Vỉa hè trước trụ sở tiếp dân là nơi sinh hoạt của người dân đi khiếu kiện - Ảnh: T.L.
Vỉa hè trước trụ sở tiếp dân là nơi sinh hoạt của người dân đi khiếu kiện - Ảnh: T.L.

Họ sống tạm bợ ở trụ sở, trên vỉa hè hay trong những con ngõ gần đó. Hằng ngày họ đến trụ sở ngồi đợi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ ngày này qua ngày khác chỉ với một hi vọng: vụ việc của mình sẽ được giải quyết...

8g sáng một ngày cuối năm 2014, trụ sở mới bắt đầu làm việc nhưng từ sáng sớm hàng trăm người dân ở trọ gần đó đã kéo đến ngồi kín hai phòng chờ. Người trải báo, tấm nilông xuống nền nhà để ngồi. Người mắc võng vào thanh inox ngăn trước phòng đăng ký để nằm.

Người nằm bệt dưới nền đất. Người căng băngrôn, khẩu hiệu có nội dung tố cáo sai phạm của chính quyền địa phương...

“Đợi để người ta biết mình còn ở đây”

Hôm ấy, trụ sở kín đặc người dân từ các tỉnh đổ về vì có tổng Thanh tra Chính phủ tiếp dân. Danh sách công dân được tiếp đã được ban tiếp công dân trung ương lựa chọn và thông báo trước, nhưng người khiếu kiện cứ đổ về trụ sở. Ai cũng mang theo mong mỏi sẽ được trình bày vụ việc của mình với tổng thanh tra. Phòng tiếp công dân ở tầng ba mà tiếng những người đi khiếu kiện từ dưới sân vẫn dội lên không dứt.

Tan buổi tiếp dân, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh bước xuống cầu thang ra về thì một phụ nữ chạy đến dúi ngay vào tay ông xấp hồ sơ bằng giọng khẩn khoản: “Bác xem giùm cháu với. Xem có cách nào giải quyết cho nhà cháu với, nhà cháu đi kiện bao nhiêu năm khổ quá!”.

Tổng thanh tra có chút bất ngờ nhưng rồi cũng nhận đơn, vỗ vai người này và hứa: “Tôi sẽ xem”.

Với những người đi khiếu kiện, ai cũng mong lá đơn của mình sẽ đến tận tay người có thẩm quyền cao nhất. Vì thế, được gặp các vị lãnh đạo cấp cao của trung ương luôn là niềm mong mỏi của họ, dù trụ sở tiếp công dân có bảy cơ quan tiếp dân hằng ngày gồm Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.

Lịch tiếp dân của các cơ quan này được công khai ngay tại trụ sở. Người dân muốn được tiếp phải đăng ký, cán bộ xem qua hồ sơ, thấy vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì ghi phiếu để người dân đến gặp cán bộ tiếp dân của cơ quan đó. Có được phiếu hẹn, công dân mới qua được cổng bảo vệ để vào gặp cán bộ tiếp dân...

Nhưng không có phiếu hẹn, nhiều người vẫn đợi.

Nhiều tháng liền chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Thao (tỉnh Đắk Nông) ở trụ sở tiếp công dân. Bà nói gia đình bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường thỏa đáng nên bà đi khiếu nại nhiều năm nay.

Mỗi sáng, bà có mặt tại nhà chờ của trụ sở rồi ngồi đến chiều. Hết giờ chiều, bà lại lục tục cùng bà con khác ra về. Nhiều ngày liền chúng tôi thấy bà Thao không ăn trưa. Bà cũng không đăng ký gặp cán bộ tiếp dân, không căng băngrôn khẩu hiệu, không hề làm gì để ai phải chú ý đến mình.

Bà chỉ ngồi ở một góc, khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi. Bà ngồi yên ở đây làm gì nhiều ngày như thế?

Câu trả lời của bà Thao làm người nghe ngạc nhiên: “Ngồi để mấy ổng biết mình còn ở đây. Tôi đã đi nhiều cơ quan nhưng ở đâu cũng làm công văn chuyển về tỉnh, bảo về tỉnh giải quyết. Tôi biết có về tỉnh cũng không được giải quyết nên ngồi đây đợi...”.

Không chỉ mình bà Thao, có hàng chục người dân hằng ngày có mặt tại trụ sở này cũng chỉ ngồi lặng yên từ sáng đến tối, hết giờ họ lặng lẽ thu dọn đồ ra về rồi ngày mai lại đến. Khi được hỏi, ai cũng bảo "ngồi để người ta biết mình còn ở đây mới giải quyết cho mình".

Làm sao cán bộ biết các cô còn ở đây mà giải quyết? Trước câu hỏi ấy, người phụ nữ liền chỉ tay lên góc tường bảo: “Có camera trên tường kìa, mình ngồi đây chắc là mấy ổng biết”.

Một buổi tiếp công dân - Ảnh: V.Dũng
Một buổi tiếp công dân - Ảnh: V.Dũng

10.000 đồng/ngày đêm

Từ giữa năm 2014, hàng trăm người dân Tây Ninh kéo ra ở lại trụ sở tiếp công dân để khiếu nại về việc bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường thỏa đáng. Đêm đầu tiên, họ cương quyết ngủ lại trụ sở tiếp dân để gây áp lực.

Nửa đêm, ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng ban tiếp công dân trung ương, đến để giải quyết. Năn nỉ, thuyết phục mãi không được, ông Điệp phải ra đối diện trụ sở tìm nhà trọ, bỏ tiền túi ra trả tiền trước rồi năn nỉ dân ra ngủ. Nhà trọ được thuê với giá 30.000 đồng/đêm/người. Đã có sẵn phòng nên dân mới chịu rời trụ sở.

Đêm tiếp theo, người dân thỏa thuận với chủ nhà và tự trả tiền thuê trọ với giá 20.000 đồng/ngày đêm. Ai thuê ở tầng 1 thì giá 10.000 đồng/ngày đêm.

“Tui tính ra vài ngày rồi về nhưng ở đây đã hơn bốn tháng rồi. Mình già thì đi kiện, con cái còn khỏe để nó đi làm công kiếm tiền”- bà Võ Thị Sen (73 tuổi, người dân Tây Ninh) vừa nói vừa bắc nồi cơm lên bếp than đặt trên vỉa hè. Bà Sen thuê tầng 1 của nhà trọ để ở. Tầng 1 là quán cà phê của chủ nhà. Tối muộn, khi khách đã về, bàn ghế của quán cà phê được xếp gọn một góc, nền nhà được lau sạch trở thành nơi ngả lưng của bà Sen cùng hàng chục người dân Tây Ninh khác. Nằm ngang không đủ diện tích, tất cả họ đều phải nằm nghiêng. “Cá nằm xếp lớp thế nào thì bọn tui nằm y vậy đó”- bà Sen nói.

4g sáng, bà Sen và mọi người phải dậy để trả lại mặt bằng cho chủ quán bán cà phê rồi ra lề đường ngồi. Vỉa hè cạnh đó cũng là nơi nấu cơm, ăn uống của người dân Tây Ninh. Nhiều bếp than và nồi cỡ lớn được đặt trên vỉa hè để nấu cho hơn 100 người ăn.

Họ chia đôi một nửa ăn trên vỉa hè, một nửa mang cơm vào trụ sở ăn cho đỡ chật chội. Hơn bốn tháng qua, hàng trăm người dân Tây Ninh sống cảnh như vậy. Dù trụ sở đã mời người dân về quê để đối thoại với chính quyền nhưng dân cương quyết không chịu về vì “có về tỉnh cũng không giải quyết”.

Ở như người dân Tây Ninh tưởng rất bất tiện nhưng chỉ những ai có tiền mới thuê được nhà trọ theo ngày. Ai ít tiền hơn thì chọn thuê những khu nhà cấp 4 cách xa trụ sở 2-3km. Tháng 7-2014, chúng tôi gặp bà Thạch Thị Phúc khi bà ở trọ cùng những người dân khác tại khu nhà cấp 4 với giá 500.000 đồng/tháng. 4-5 người ở chen chúc và mỗi người chỉ phải trả 100.000 đồng mỗi tháng.

Khu nhà ẩm thấp, xập xệ, nền ximăng thủng lỗ, mái ngói chằng chịt mạng nhện chỉ toàn dân đi khiếu kiện ở. Cuối năm gặp lại bà Phúc, chúng tôi đã thấy bà ra ở... vỉa hè. Bà bảo: “Mấy người ở cùng đã về quê, một mình tui không đủ trả tiền nhà”.

Những lúc bức xúc, bà Phúc lại đứng khóc ở sân trụ sở tiếp dân. Người cán bộ tiếp dân ra khuyên nhủ: “Bà cứ bình tĩnh, tổng Thanh tra Chính phủ đã tiếp bà rồi, đang rà soát giải quyết cho bà, bà phải đợi chứ...”. Nghe vậy bà thôi khóc, lại trở về ngồi lặng lẽ trên vỉa hè đối diện trụ sở...

Nhắc về bà Thạch Thị Phúc, ông Nguyễn Hồng Điệp nói bà là người không biết chữ, nghèo khổ và hiền lành. Bà đi khiếu kiện lâu năm nhưng luôn chấp hành các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Có lẽ vì vậy mà tháng 8-2014, bà Phúc đã được tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tiếp.

Vừa được gặp tổng thanh tra, bà Phúc đã khóc nức nở trình bày việc bị thu hồi đất cách đây mấy chục năm nhưng không được bồi thường. Tổng thanh tra hứa sẽ lập đoàn kiểm tra rà soát lại vụ việc và sẽ có trả lời cho bà.

Từ khi được tiếp, bà lại ngủ vỉa hè đợi kết luận của tổng thanh tra. Vỉa hè trước cửa văn phòng luật sư Thắng, đối diện trụ sở tiếp dân là nơi ngủ của bảy người, trong đó có bà Phúc. Ban ngày bà đi nhặt rác bán kiếm tiền, chiều quay lại trụ sở để chờ kết quả...

_______________

Kỳ tới: Cán bộ tiếp dân và áp lực thường ngày

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên