01/12/2007 11:00 GMT+7

Trữ phôi lạnh trong thụ tinh ống nghiệm

ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA
ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA

TTO - Tôi năm nay 28 tuổi, chồng tôi 32 tuổi, lấy nhau bốn năm rồi nhưng chưa có con, đã đi thụ tinh ống nghiệm hai lần nhưng không thành công .

t7GEwjxf.jpgPhóng to
TTO - Tôi năm nay 28 tuổi, chồng tôi 32 tuổi, lấy nhau bốn năm rồi nhưng chưa có con, đã đi thụ tinh ống nghiệm hai lần nhưng không thành công .

Lần 1 chuyển ba phôi tháng 9-2007, lần 2 chuyển bốn phôi tháng 10-2007. Tôi biết rằng tỉ lệ thành công chỉ có 30% nhưng khả năng thành công ở lứa tuổi như vợ chồng tôi là cao hơn nhưng tôi không hiểu sao vẫn không được.

Hiện tại tôi còn trữ trong ngân hàng ba phôi nữa nhưng tôi rất sợ lại không thành công. Tôi muốn hỏi bác sĩ nếu để tới năm 2008 tôi mới chuyển thì số phôi đó có chết hoặc yếu đi không và nếu tôi chuyển ngay trong tháng mười hai này thì có tốt hơn là để đến sang năm không?

Và nếu chích thuốc để kích thích buồng trứng nhiều lần thì có bị ảnh hưởng gì không?(NGUYỄN THỊ HIỀN)

Trả lời của Phòng mạch Online:

- Từ khi đứa bé đầu tiên từ thụ tinh ống nghiệm (TTON) ra đời, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi. Việc áp dụng rộng rãi các phác đồ kích thích buồng trứng trong TTON nhằm tăng số lượng phôi đã làm tăng đáng kể tỉ lệ thành công của điều trị.

Tuy nhiên, để hạn chế bớt tình trạng đa thai thì chỉ có một số phôi được chuyển vào lòng tử cung. Số phôi còn lại chất lượng cũng rất tốt, chính vì vậy vấn đề trữ phôi được nghiên cứu và đã thành công.

Kỹ thuật trữ phôi lạnh cung cấp rất nhiều thuận lợi:

- Các phôi dư được đông lạnh và dự trữ để sử dụng cho những chu kỳ kế tiếp.

- Tránh hội chứng quá kích buồng trứng.

- Có thể chuyển phôi dự trữ mà không cần thực hiện lại kích thích buồng trứng và chọc hút trứng.

Nguyên tắc trữ phôi: Ở nhiệt độ của nitơ hóa lỏng (-1960C) , hầu hết các phản ứng hóa học bị ức chế. Tuy nhiên kỹ thuật rất phức tạp để phôi không bị hỏng làm lạnh và sau đó rã đông. Tất cả các phôi sau khi rã đông đều được đánh giá lại trước khi chuyển phôi. Và có rất nhiều yếu tố quyết định sự thành công của trữ lạnh ví dụ như yếu tố bảo vệ tránh phôi nhiễm trùng trong trữ lạnh.

Cho đến nay, các nghiên cứu cho thấy khả năng sống và làm tổ của phôi không bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian tối đa được chấp nhận là năm năm, có vài báo cáo cho thấy khả năng sống của phôi giảm sau bốn năm.

Chị mô tả rằng hai lần chị đã thụ tinh ống nghiệm nhưng đều bị thất bại. Nguyên nhân thất bại rất khó xác định, và theo tôi chỉ có bác sĩ đang theo dõi chị và phải dựa theo hồ sơ để biết được nguyên nhân thất bại, từ đó bác sĩ sẽ có phương cách khắc phục. Về việc chị chưa sẵn sàng chuyển phôi, theo tôi chị cũng nên gặp bác sĩ vì chất lượng phôi sẽ có rất nhiều thay đổi tùy thuộc vào kỹ thuật trữ phôi, rã đông.

Chị lo lắng về việc sử dụng thuốc kích thích buồng trứng có ảnh hưởng sau này không thì trên cơ bản là không. Vì mỗi chu kỳ bình thường có một loạt các nang noãn được huy động nhưng chỉ có một noãn vượt trội, trưởng thành và rụng trứng, còn các nang còn lại sẽ tự tiêu hủy. Khi dùng thuốc kích thích buồng trứng, mục đích là để tăng số noãn vượt trội và tăng số noãn trưởng thành.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên