18/03/2019 11:52 GMT+7

Trồng tràm, bần làm kè sinh thái ngăn sạt lở

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Ba bờ kè sinh thái được 'xây' từ 40.000 cây tràm, 300 cây bần, 20 cây cà na như chiếc khiên bảo vệ nhà cửa, đất đai, ruộng vườn của người dân miền sông nước.

Trồng tràm, bần làm kè sinh thái ngăn sạt lở - Ảnh 1.

Bờ kè sinh thái do ông Toàn xây dựng đã ngăn được sạt lở - Ảnh: M.TÂM

Trăn trở trước tình trạng sạt lở ở vùng nông thôn, ông Trần Thanh Toàn, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, đã vận động bạn bè, nhà hảo tâm xây dựng bờ kè nhưng không phải loại kè thông thường mà là kè sinh thái...

Ông Toàn cho biết tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch ngày càng nhiều, không những ở Hậu Giang mà khắp cả ĐBSCL, trong khi đó kinh phí xây dựng bờ kè kiên cố rất lớn, lại chỉ tập trung ở thành thị, còn tại vùng nông thôn rất hạn chế.

Vốn là người sinh ra và trưởng thành ở miệt sông nước, ông Toàn thấu hiểu cảnh sạt lở ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như thế nào khi nhà cửa, đất đai, ruộng vườn bị bứt ra trôi theo dòng nước.

Chứng minh

Đau đáu trước tình trạng trên nên ông nghĩ đến việc xây bờ kè cho bà con vùng nông thôn, sao cho kinh phí xây dựng thấp nhưng hiệu quả cao. Ông nghĩ đến các loại cây mà ông bà thường trồng dọc sông rạch để giữ đất như bần, cà na, dừa, tràm... Những loại cây này đều mang đến thu nhập cho người trồng.

Ông Toàn nói: "Mình phải xây thí điểm trước, bà con thấy hiệu quả mới làm theo, chứ mình nói suông thì khó thuyết phục được mọi người". Ông Toàn đi khảo sát những điểm sạt lở ở nông thôn rồi vận động kinh phí được 300 triệu đồng từ người thân, bạn bè.

Sau đó ông phối hợp với chính quyền địa phương chọn ba điểm xây thí điểm bờ kè sinh thái: một điểm ở đoạn kênh Mang Cá tại thị xã Ngã Bảy và hai điểm ở huyện Phụng Hiệp với chiều dài tổng cộng của ba kè là 340m. Đây là những điểm "nóng" về sạt lở với lưu lượng tàu thuyền qua lại rất đông.

Ba bờ kè sinh thái trên được "xây" với 40.000 cây tràm, 300 cây bần, 20 cây cà na. Đầu tiên ông đóng gia cố hàng cừ tràm phía ngoài cùng, tấn bằng lưới cước hoặc mê bồ để chắn sóng bảo vệ những cây trồng phía trong.

Tiếp theo, ông vét đất dưới kênh lắp vào nơi vừa gia cố. Rồi ông trồng những cây tràm con có chiều cao khoảng 0,5m tại nơi đất vừa được đắp. Sau đó ông trồng bần và những cây ăn trái như cà na, dừa cách hàng cừ gia cố khoảng 1m.

Các loại cây này có bộ rễ rộng, khả năng chịu ngập và tái sinh chồi mạnh, có tác dụng tốt trong việc giữ đất, chống sạt lở dọc các sông rạch...

Đúng như sự tính toán của ông Toàn, nhờ hàng cừ tràm gia cố phía ngoài đã chắn được sóng tàu mà những cây tràm, bần, dừa còn nhỏ phía trong được bảo vệ, và đến mùa nước nổi thì chúng phát triển rất tốt: cao lớn, vững chãi, vươn lên thẳng tắp, chắn được sóng nước...

Hiệu quả

Gần hai năm nay, bờ kè sinh thái như một chiếc khiên bảo vệ nhà cửa, đất đai, ruộng vườn của người dân. Chẳng hạn như bờ kè sinh thái ở kênh Mang Cá, dài 65m, rộng 4m ở khu vực 2, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.

Ông Lê Quốc Sỹ, người sống ở khu vực sạt lở này, thổ lộ: "Trước khi chưa có bờ kè sinh thái, tình trạng sạt lở ở đoạn này sát mé lộ, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Từ khi có bờ kè sinh thái, tình trạng sạt lở không còn nữa, chúng tôi yên tâm sản xuất, không còn cảnh phập phồng lo nhà cửa, ruộng vườn bị rớt xuống sông nữa. Nếu chính quyền địa phương có vận động xã hội hóa để xây bờ kè sinh thái, chắc chắn người dân sẽ đồng lòng".

Ông Toàn cho biết: "Kinh phí đầu tư kè sinh thái thấp sáu lần so với kè kiên cố và có những ưu điểm mà kè kiên cố không có như tăng độ che phủ cây xanh, tạo cảnh quan sạch đẹp, đặc biệt có thể kiếm lợi từ nguồn thu cây trái".

Trước hiệu quả mà mô hình kè sinh thái đem lại, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang quyết định nhân rộng mô hình này khắp tỉnh. Theo ông Toàn, "mô hình bờ kè sinh thái có thể áp dụng rộng khắp cho cả khu vực ĐBSCL, chứ không riêng gì tỉnh Hậu Giang".

Đưa dân khỏi vùng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long Đưa dân khỏi vùng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long

TTO - Trước tình trạng sạt lở xảy ra liên tục ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh thành trong vùng đang có kế hoạch di dời hàng ngàn nhà ở của người dân ven sông rạch.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên