Nhiều nơi điểm sạt ăn sâu vào bên trong vườn cây ăn trái hàng chục mét; sạt lở làm hẩm, gây hàm ếch bờ sông, nhất là địa phận TP. Mỹ Tho và huyện Cai Lậy.
Cù lao Tân Phong (xã Tân Phong) là tâm điểm sạt lở trên địa bàn huyện Cai Lậy trong những năm qua. Theo khảo sát, đánh giá của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, bờ sông thuộc cù lao Tân Phong xảy ra 6 khu vực sạt lở.
Trong đó, khu vực đầu cù lao sạt lở dài khoảng 1.500m, trung bình hàng năm, tốc độ sạt lở ở khu vực này khoảng từ 8 - 10m.
Còn bờ phía Nam cù lao có 2 khu vực sạt lở với tổng chiều dài khoảng 500m; bờ phía Bắc xảy ra sạt lở ở 3 khu vực với chiều dài khoảng 900m, tốc độ sạt lở hàng năm từ 2 - 3m.
Còn tại TP. Mỹ Tho, theo các cơ quan chức năng, sạt lở diễn ra rất mạnh ở đầu và cuối cù lao Thới Sơn. Một số giải pháp như đóng cừ, rào chắn bãi cù lao của người dân để hạn chế tốc độ lở nhưng không mấy hiệu quả.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình sạt lở xảy ra nghiêm trọng, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành dự án “Đánh giá thực trạng sạt lở bờ sông Tiền đoạn thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang, khu vực đầu cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) và đề xuất giải pháp phòng chống, khắc phục” do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện.
Kết quả nghiên cứu đã xác định, nguyên nhân gây ra sạt lở khu vực trên là do quá trình dòng chảy tác động đến lòng dẫn (nơi cấu tạo địa chất yếu, có lưu tốc khởi động của bùn cát nhỏ hơn nhiều so với lưu tốc của dòng chảy).
Nguyên nhân thứ 2 là do tàu thuyền lưu thông qua khu vực này tác động đến dòng chảy. Theo đơn vị nghiên cứu, nhân tố tàu thuyền lưu thông không ảnh hưởng đến xói lòng dẫn gây sạt lở lớn nhưng là nhân tố đáng kể gây xói bề mặt mái bờ sông.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đưa ra dự báo, những hoạt động kinh tế - xã hội trong tương lai có thể tác động đến sạt lở khu vực này.
Hiện nay tuy lượng tàu, thuyền neo đậu, hàng hóa chất lên mép bờ; tàu, thuyền lưu thông, vận chuyển qua khu vực này hiện tại chưa nhiều nhưng trong tương lai sẽ tăng khi nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái, kinh tế - xã hội phát triển dẫn đến mái bờ chịu gia tải, làm tăng áp lực trượt và sạt lở có thể xảy ra.
Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã tiến hành khảo sát thực địa tại những khu vực sạt lở dọc sông Tiền.
Cuộc khảo sát thực địa lần này làm cơ sở đánh giá chính xác nguyên nhân gây ra sạt lở; đồng thời UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, khảo sát tình hình sạt lở, xác định mức độ sạt lở ở các khu vực để từ đó tìm ra các giải pháp xử lý kịp thời và phù hợp.
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá và tư vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học, tỉnh Tiền Giang cũng tính đến những giải pháp lâu dài như hạn chế, nghiêm cấm khai thác cát dưới lòng sông; quản lý tình hình hoạt động và neo đậu của tàu thuyền trên sông… để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông Tiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận