Chỉ hai ngày sau khi Thủ tướng Srettha Thavisin bị tòa án hiến pháp bãi nhiệm vì "sai phạm đạo đức" trong bổ nhiệm nội các, liên minh cầm quyền Thái Lan đã chọn ra tân thủ tướng mới từ gia đình Shinawatra.
Tại cuộc bỏ phiếu ngày 16-8, Hạ viện do liên minh cầm quyền của đảng Pheu Thai chiếm đa số đã bỏ phiếu bầu bà Paetongtarn Shinawatra (Paetongtarn), ứng viên do đảng này đề cử, làm lãnh đạo đất nước.
Trước khi được bầu, bà Paetongtarn hầu như được biết với danh nghĩa con gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Giờ đây, công chúng sẽ đánh giá liệu bà có tạo ra được khác biệt hay chỉ là "đại diện" cho người nắm quyền đằng sau là cha bà.
Trẻ tuổi nhưng có thiếu kinh nghiệm?
Ở tuổi 37, bà Paetongtarn là thủ tướng trẻ nhất và là nữ lãnh đạo thứ hai của xứ sở chùa vàng. Bà là người thứ ba trong gia tộc Shinawatra giữ chức vụ này, sau cha và cô ruột Yingluck Shinawatra. Cả hai đều bị lật đổ và sống lưu vong nhiều năm. Em rể ông Thaksin là Somchai Wongsawat cũng từng làm thủ tướng Thái Lan trong một thời gian ngắn năm 2008, trước khi bị mất chức vì phán quyết của tòa án hiến pháp.
"Tôi thực sự hy vọng rằng mình có thể khiến mọi người cảm thấy tin tưởng. Tôi hy vọng sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống và trao quyền cho tất cả người dân Thái Lan.
Tôi quyết định rằng đã đến lúc phải làm điều gì đó cho đất nước và đảng. Tôi hy vọng rằng mình có thể cố gắng hết sức để đưa đất nước tiến lên", bà Paetongtarn nói với đầy sự nhiệt huyết của sức trẻ sau cuộc bỏ phiếu.
Dù xuất thân từ gia đình có sức ảnh hưởng bậc nhất trên chính trường Thái Lan, trước khi bước vào chính trường năm 2022, bà hầu như chỉ phụ trách điều hành mảng kinh doanh khách sạn của gia đình. Tuy nhiên, tân lãnh đạo Thái Lan khẳng định bà có một đội ngũ mạnh và giàu kinh nghiệm làm việc cùng.
Giới phân tích cho rằng thách thức dành cho bà Paetongtarn sẽ không nhỏ khi chính trường Thái Lan đã thay đổi nhiều kể từ thời ông Thaksin còn ở đỉnh cao quyền lực. Sau cuộc bỏ phiếu năm ngoái, đảng Pheu Thai của nhà Shinawatra dù về nhì sau Đảng Tiến bước nhưng đã bắt tay với quân đội để lên nắm quyền.
Thỏa thuận này cũng giúp ông Thaksin trở về nước sau 15 năm lưu vong. Nhưng nhiều cử tri coi đây là sự phản bội trắng trợn, cộng với sự chậm trễ trong việc thực hiện lời hứa phát tiền mặt trị giá 500 tỉ baht (14,25 tỉ USD) cho người dân.
Với kinh nghiệm ít ỏi và chưa từng làm việc trong chính phủ, nhiệm vụ quan trọng cho bà Paetongtarn là duy trì liên minh, xây dựng lại hình ảnh đảng sau khi bị đánh bại bởi một đảng non trẻ vào năm ngoái và vực dậy nền kinh tế trì trệ của Thái Lan.
Trọng trách lớn, rủi ro lớn
Sau phán quyết bất ngờ của tòa án ngày 14-8, đảng Pheu Thai hầu như không có nhiều lựa chọn khi đề cử bà Paetongtarn. Và trong mắt giới phân tích, quyết định này như một trò đổ xúc xắc của Pheu Thai.
"Ván cược của nhà Shinawatra rất rủi ro. Nó đặt con gái của ông Thaksin vào tầm ngắm và tình thế dễ bị tổn thương" - chuyên gia Nattabhorn Buamahakul, thuộc Công ty tư vấn các vấn đề chính phủ Vero Advocacy, đánh giá.
Việc ông Srettha bị bãi nhiệm sau gần một năm cầm quyền là lời nhắc nhở rõ ràng nhất về sự đối địch gay gắt trên chính trường Thái Lan sau hơn hai thập niên kẹt trong vòng luẩn quẩn đảo chính, các đảng phái bị giải tán, nhiều chính phủ và thủ tướng bị lật đổ.
"Nếu bà ấy không thể đưa nền kinh tế trở lại và đưa đảng trở lại thì đó có thể là dấu chấm hết vì Đảng Nhân dân đang có thêm động lực sau khi bị giải thể" - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Titipol Phakdeewanich, nhà khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani, nhắc đến đảng kế thừa Đảng Tiến bước đối lập vừa bị giải thể.
Theo giới phân tích, bà Paetongtarn sẽ phải cẩn thận để không bị đánh giá chịu ảnh hưởng quá nhiều từ cái bóng quá lớn của cha mình. Sự hỗ trợ của ông Thaksin có thể là lợi thế lớn cho tân thủ tướng Thái Lan trong việc xử lý các vấn đề kinh tế và làm việc với các chính trị gia lão thành, nhưng cũng thu hút nhiều sự chỉ trích hơn.
"Chúng ta phải trao cho Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra một cơ hội để điều hành đất nước (ngay cả khi thực ra là cha bà điều hành từ dinh thự của ông ở Bangkok), bởi vì Thái Lan cần cố gắng lèo lái đất nước vượt qua một quá trình chuyển đổi chính trị khác mà không để quân đội can thiệp vào một cuộc đảo chính lần nữa... Hy vọng rằng mọi người có thể gạt chính trị đảng phái sang một bên và cho phép tân thủ tướng cố gắng lấy lại niềm tin vào hệ thống chính trị đã mất", nhà báo Pravit Rojanaphruk của báo Khaosod bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận