Diện tích thanh long VN hiện đã vượt xa quy hoạch đến năm 2020 - Ảnh: Đức Trong
Ông NGUYỄN HỒNG SƠN - cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện "Trung Quốc ồ ạt trồng thanh long: có đáng lo?" (Tuổi Trẻ ngày 17-10). Ông Sơn nói: Diện tích thanh long VN hiện đã vượt quy hoạch, nên chủ trương là sẽ không tăng diện tích trồng thanh long nữa. Thay vào đó, nông dân cần thay đổi tư duy trồng trọt, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm".
* Không chỉ ồ ạt tăng diện tích trồng thanh long, công nghệ và kỹ thuật trồng trọt của Trung Quốc (TQ) rất hiện đại và bài bản, cây thanh long VN phải thay đổi như thế nào để không gặp khó về đầu ra, thưa ông?
- Việc TQ tăng mạnh diện tích chắc chắn gây khó khăn cho thị trường VN. Tuy nhiên, đây cũng là lúc chúng ta phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đặc biệt là thời điểm thu hoạch, làm sao trái với thời điểm thu hoạch của TQ để chúng ta xuất khẩu thanh long được thuận lợi hơn.
Các mặt hàng khác như vải, nhãn... không phải là TQ không có, thậm chí Thái Lan cũng xuất sang TQ nhiều hơn, nhưng VN vẫn lách vào được nhờ trồng rải vụ mà TQ không làm được. Ngoài ra, Cục Trồng trọt và Viện Khoa học nông nghiệp VN cùng các cơ quan chức năng cũng đang hướng dẫn người dân trồng thanh long theo công nghệ tiên tiến của Đài Loan để nâng cao chất lượng trái.
Vấn đề là người dân có dám mạnh dạn đổi mới hay không, bởi việc áp dụng công nghệ này sẽ cho năng suất không cao nhưng chất lượng tốt hơn. Trong bối cảnh xuất hiện đối thủ cạnh tranh, muốn xuất khẩu được sản phẩm với giá cao đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn là điều nông dân cần phải nhận thức rõ để thực hiện.
* Từ tháng 10-2019, TQ sẽ siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch và thực hiện nhập khẩu qua chính ngạch, liệu trái thanh long VN có gặp khó khăn gì khi xuất sang thị trường này?
- Thanh long VN đã xuất đi nhiều nước có yêu cầu khắt khe trên thế giới như Nhật Bản, Úc, Mỹ và một số nước châu Âu... nên việc xuất khẩu sang thị trường TQ bằng đường chính ngạch không phải là vấn đề quá khó khăn.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu phụ thuộc vào hàng rào kỹ thuật của từng nước nhập khẩu, nên quy trình giám sát chất lượng sản phẩm phải được điều chỉnh theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Cả nước hiện có khoảng 9.000ha trồng thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, tập trung chủ yếu ở Bình Thuận (8.800ha), một phần ở Long An, Tiền Giang. Việc trồng tập trung ở 3 tỉnh trên nên việc theo dõi, giám sát để cấp chứng nhận VietGAP là rất dễ dàng.
Cũng xin nói thêm, việc siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch cũng là cơ hội để chúng ta có thể ổn định thị trường, bởi hiện tượng "trúng mùa rớt giá" một phần do hiện tượng chạy theo phong trào dẫn đến cung vượt cầu. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư làm ăn bài bản, tìm kiếm thị trường và xuất khẩu theo hợp đồng thay vì phó mặc thị trường cho thương lái, gây sự bất ổn cho thị trường như tạo giá ảo, tăng giá, giảm giá đột ngột để gây nhiễu thị trường.
Ông NGUYỄN HỒNG SƠN - cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - Ảnh: CHÍ TUỆ
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, trong quy hoạch đến năm 2020, diện tích trồng thanh long cả nước khoảng 46.000ha.
Tuy nhiên, đến nay diện tích trồng thanh long cả nước hiện vào khoảng 52.000ha, trong đó diện tích cho thu hoạch ổn định 44.000ha, còn lại là diện tích trồng mới trong năm nay hoặc cho thu hoạch không ổn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận