Ông Nguyễn Quốc Toản trả lời phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ Online - Ảnh: CHÍ TUỆ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nêu ra mối lo trên khi có tới 90% sản lượng thanh long của Việt Nam hiện xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch.
Do đó, với chính sách mà Bắc Kinh chuẩn bị thực hiện, cùng việc nguồn cung thanh long từ Trung Quốc tăng lên do mở rộng vùng trồng, quả thanh long Việt Nam đang đứng trước bài toán phải nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
* Việt Nam có thế mạnh trồng quả thanh long, nhưng theo ông tại sao thời gian qua lại có tình trạng dư cung khiến người nông dân không tiêu thụ được phải đổ bỏ?
- Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 800.000 tấn, với kim ngạch đạt 880 triệu USD. Tuy nhiên, thời gian qua có tình trạng tiêu thụ thanh long bị dư cung cục bộ, khiến người trồng bán với giá thấp. Nguyên nhân không những do diện tích sản lượng tăng, mà thời tiết thuận lợi nên thanh long đồng loạt chín rộ.
Ở nhiều vùng trồng, một bộ phận nông dân có tâm lý tập trung giữ lại lứa mùa cuối vụ để hi vọng bán giá cao như năm 2017. Một số nơi, nông dân chong đèn sớm dẫn đến sản lượng tăng đột biến. Sản lượng thu hoạch quá lớn và trong thời gian ngắn (từ 5 đến 10 ngày) nên các doanh nghiệp không đủ năng lực để tiêu thụ, kể cả thu mua để dự trữ; bảo quản kho lạnh khiến giá thanh long giảm sâu.
Việt Nam là nước có diện tích, với sản lượng trồng thanh long hàng đầu châu Á và kim ngạch xuất khẩu cũng có vị trí hàng đầu thế giới. Đây là một trong những trái cây chủ lực của Việt Nam, có lợi thế về sản lượng, chất lượng, đặc điểm vùng trồng. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược phát triển phù hợp, gắn nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu thì quả thanh long sẽ bị cạnh tranh gay gắt" – ông Toản nói.
Đồng thời, trước thời điểm Tết Trung thu, nhu cầu thanh long tăng cao, sau nghỉ lễ nhu cầu giảm mạnh. Bên cạnh đó, thời gian này cũng trùng vào thời điểm nghỉ lễ Quốc khánh của bạn nên phần nào cũng bị ảnh hưởng.
* Gần đây Trung Quốc đẩy mạnh trồng thanh long quy mô lớn, liệu đây có phải là nguyên nhân nữa không, thưa ông?
- Thị trường tiêu thụ thanh long của Việt Nam lớn nhất là Trung Quốc, chiếm đến 90% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, gần đây nước này có sự thay đổi khi có nhiều mô hình thanh long được hình thành. Các doanh nghiệp nước này có xu hướng tập trung đầu tư sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Vùng trồng thanh long được mở rộng cũng nằm trong chính sách đẩy mạnh phát triển vùng trồng nội địa, giảm nhập khẩu.
Được biết, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc hiện nay khoảng 35.000ha tương đương 3 tỉnh chính Việt Nam. Trong đó, Quảng Tây có diện tích lớn nhất với hơn 10.600 ha, thời điểm thu hoạch thanh long cũng từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, tức là không chênh lệch nhiều so với thời gian thu hoạch thanh long của Việt Nam.
Điều đáng lưu ý là Quảng Tây cũng là thị trường tiêu thụ thanh long chính của Việt Nam khi xuất sang nước này. Được biết, giá bán sản phẩm thanh long của Việt Nam với Trung Quốc rất cạnh tranh, sản phẩm thanh long của Việt Nam chất lượng tốt với lợi thế điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang có chính sách nhập khẩu tập trung qua đường chính ngạch, để kiểm soát mạnh mẽ truy suất nguồn gốc sản phẩm, với yêu cầu chất lượng cao hơn. Trong khi một lượng lớn thanh long của Việt Nam được xuất qua đường tiểu ngạch, nên gặp khó khăn trong tiêu thụ.
* Ông có thể thông tin rõ hơn về sự thay đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc, liệu có tác động thế nào đến việc xuất khẩu thanh long của ta?
- Tới đây theo lộ trình, từ tháng 10-2019, nước này sẽ tăng cường áp dụng mẫu chứng thư truy suất nguồn gốc tùy hàng hóa. Do đó, bài toán đặt ra cho người trồng thanh long là cần nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, cấp mã số và vùng trồng theo tiêu chuẩn Vietgap và Global Gap để đáp ứng tiêu chuẩn mà thị trường này đặt ra.
Với chính sách đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa, Trung Quốc sẽ tăng cường sản xuất trong nước không chỉ quả thanh long mà còn nhiều mặt hàng khác, nên diện tích trồng thanh long sẽ tiếp tục tăng. Do đó, cần phải rà soát đánh giá lại các vùng thị trường thanh long, cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường cũng như nâng cao tỉ lệ chế biến sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu các vùng trồng
* Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có giải pháp gì để chuẩn bị ứng phó và thúc đẩy xuất khẩu thanh long của người dân?
- Từ kinh nghiệm tiêu thụ vải, nhãn thành công ở niên vụ vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương sẽ chủ động, mỗi chu kỳ mùa vụ, tính toán kỹ lưỡng, có sự chuẩn bị về thị trường tiêu thụ và có phương án ứng phó trong trường hợp dư thừa cục bộ. Tiếp tục cùng các doanh nghiệp tập trung hình thành chuỗi kho lạnh ở khu vực biên giới để bảo quản trái cây khi xuất khẩu.
Về lâu dài, cần phải nghiên cứu để áp dụng khoa học công nghệ trong cơ cấu mùa vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn để làm cơ sở tìm kiếm thị trường mới.
Tiếp tục làm tốt công tác chế biến sâu, gắn với vùng trồng nguyên liệu để bao tiêu sản phẩm. Đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ trái thanh long tươi mà còn nghiên cứu làm các sản phẩm như thanh long sấy khô, sấy dẻo, kẹo bánh.
Gắn với đó là cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm, thiết kế bao bì, công tác quản bá, xúc tiến sản phẩm để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ cũng đang tích cực làm việc với cơ quan hữu quan của Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm trái cây, tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm trái cây do nhu cầu cao và vị trí gần. Vấn đề là làm sao nâng cao chất lượng trái cây tốt hơn, giảm thiểu chi phí, làm tốt công tác thương hiệu gắn với vùng trồng, bao bì mẫu mã để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của Trung Quốc và cạnh tranh với chính sản phẩm thanh long của nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận