17/02/2025 14:51 GMT+7

Trong chiến tranh, người lính không màng đến tính mạng

HỒ LAM
và 1 tác giả khác

Có cái bắt tay thật chặt, một lời thăm hỏi chân tình và cả những giọt nước mắt đã rơi khi những người đồng đội cũ gặp lại nhau trong buổi họp mặt cựu chính trị và tù binh TP.HCM diễn ra tại Đại học Tôn Đức Thắng sáng 17-2.

Trong chiến tranh, người lính không màng đến tính mạng - Ảnh 1.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao bằng tri ân, bắt tay các đại biểu - Ảnh: HỒ LAM

Chương trình do Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và Tù binh TP.HCM phối hợp với Trường đại học Tôn Đức Thắng tổ chức, nhằm tri ân những người lính, chiến sĩ cách mạng đã từng bị địch bắt, tù đày, tra tấn, song vẫn luôn giữ vững lòng kiên trung với Tổ quốc. 

Đặc biệt, sự kiện còn có sự tham dự của Phó bí thư Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm...

Trong chiến tranh, người lính không màng đến tính mạng - Ảnh 3.

Buổi họp mặt có những khoảnh khắc lắng đọng của những người chiến sĩ khi nhớ lại thời gian chiến đấu gian khổ - Ảnh: HỒ LAM

Không thể quên những năm tháng chỉ có bo bo...

Tại buổi họp mặt, Ban Liên lạc trao bảng tri ân và tặng quà lưu niệm cho 86 đại biểu đã có quá trình cống hiến, tham gia Ban liên lạc các cấp thành phố, quận, huyện từ 10, 15, 20 và 25 năm.

Trong bài phát biểu tại buổi họp mặt, chia sẻ của Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và Tù binh TP.HCM Hoàng Thị Khánh khiến nhiều đồng đội xúc động: 

"Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày 30-4-1975 nhưng đất nước chúng ta chỉ có gần 40 năm thật sự yên bình để xây dựng đất nước. 

Chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra ở phía Tây Nam của Tổ quốc, ở biên giới phía Bắc, ở Biển Đông và sự cấm vận bao vây kinh tế của Mỹ đã khiến nhân dân ta sau chiến tranh đã khổ lại càng khổ hơn. 

Chúng ta không thể quên những năm tháng trong dạ dày chỉ có bo bo, khoai mì chạy chỉ, khoai lang sùng, và rau, rất hiếm khi mâm cơm có cá, có thịt. Nhưng với tinh thần lạc quan của những chiến sĩ đã được tôi luyện trong địa ngục trần gian, chúng ta vẫn thấy sướng hơn ở tù của thực dân đế quốc". 

Bà Khánh cho biết Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và Tù binh được hình thành từ phường, xã, thị trấn đến quận, huyện, thành phố. Các nhà tù lớn hình thành Ban liên lạc khối là cơ hội để mọi cựu tù chính trị và tù binh tập hợp lại để có điều kiện gặp lại nhau, tương trợ, chia sẻ ngọt bùi đắng cay. 

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi, bắt tay, trao bằng tri ân cho các đại biểu - Video: HỒ LAM

Không màng tính mạng

Là người cống hiến 10 năm cho sự hình thành và phát triển Ban Liên lạc, NSƯT Phi Điểu tâm sự với Tuổi Trẻ Online rằng bà đã công tác nhiều nơi, gặp nhiều người và "đến tận bây giờ, nhìn lại cuộc đời mình, tôi vẫn cảm thấy hài lòng vì lựa chọn con đường tham gia kháng chiến, mỗi nơi đều để lại nhiều dấu ấn, nhiều kỷ niệm".

Nhắc về những năm tháng cách mạng, ông Phạm Hùng - cựu tù binh tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - hồi tưởng: "Tôi tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi với vị trí giao liên. Năm tôi 15 tuổi tôi vào lực lượng du kích, chiến đấu tại địa phương.

Sau một năm tôi về chiến đấu ở quê - Điện Bàn, Quảng Nam rồi chiến đấu cho đơn vị đặc công tại Đà Nẵng. Trong thời gian tham gia chiến dịch Xuân Kỷ Dậu 1969, tôi bị thương nặng và bị địch bắt, đánh đập rất dã man tại TP Đà Nẵng".

Trong chiến tranh, người lính không màng đến tính mạng - Ảnh 3.

Có gần 800 đại biểu từ 22 đơn vị quận, huyện và thành phố Thủ Đức, thuộc TP.HCM tham dự sự kiện - Ảnh: HỒ LAM

Tại đây, sau nhiều đòn tra tấn, quân Mỹ đưa ông Hùng ra tòa, kết án 15 năm khổ sai biệt xứ. Họ giam ông tại Đà Nẵng 2 năm, sau đó đưa ra ngoài đảo. Lúc này, ông Phạm Hùng vừa tròn 17 tuổi, nhưng trên giấy tờ chỉ mới bước sang tuổi 13.

"Thời đó, luật chiến tranh quy định không được giam giữ trẻ vị thành viên nên sau đó giặc sợ, trả tôi về đất liền. Sau đó đối phương gom tù nhân dưới 18 tuổi giam tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Vì tổ chức chống lại chào cờ của giặc nên tôi và 3 bạn tù khác bị giam vào xà lim.

Tôi ở trong xà lim hơn 1 tháng rồi tổ chức đục xà lim và vượt ngục, 4 người bị nhốt vượt được 3 người, trong đó có tôi. Sau đó tôi về lại và hoạt động cho đặc công TP.HCM và trở thành biệt động Sài Gòn" - ông kể.

Trong chiến tranh, người lính không màng đến tính mạng - Ảnh 5.

Các cựu tù chính trị và tù binh gặp gỡ, chụp ảnh lưu niệm trong buổi họp mặt - Ảnh: HỒ LAM

Đối với ông Phạm Hùng, trong thời điểm chiến tranh, những người lính như ông không bao giờ màng đến tính mạng của mình. Mục tiêu duy nhất thời điểm đó là giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình, độc lập cho quê hương, đất nước. Không ai sợ chết và chẳng ai nghĩ đến cái chết.

Do đó, chương trình họp mặt như hôm nay có ý nghĩa rất đặc biệt. Đây là dịp những người đồng đội, những người từng tham gia chiến đấu có cơ hội tụ họp, ôn lại chuyện cũ và gắn kết tình yêu thương với nhau.

"Đất nước có ngày độc lập hòa bình hôm nay là nhờ máu xương của ông cha ta đổ xuống, hàng triệu người dân và chiến sĩ cách mạng hy sinh. Do đó, chúng tôi mong thế hệ trẻ sẽ tiếp nối thế hệ cha ông, giữ vững độc lập cho đất nước" - ông Hùng gửi gắm đến thế hệ trẻ.

Trong chiến tranh, người lính không màng đến tính mạng - Ảnh 5.Người vợ của Anh hùng biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai: Hòa bình rồi, tôi không còn làm vợ bé...

Ngày đất nước thống nhất, bà Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ sau của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mừng khấp khởi: 'Hòa bình rồi! Chồng tôi làm cách mạng, tôi không có làm 'vợ bé' của ai hết...'

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên