Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường và tỉnh Bạc Liêu phát động trồng rừng ven biển sáng 31-5 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Sáng 31-5, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường và lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã phát động lễ ra quân trồng rừng phòng hộ ven biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu.
Đây là sự kiện mở màn chuỗi hoạt động của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày môi trường thế giới 2019.
Ngay trong buổi sáng, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu và các lực lượng liên quan đã đồng loạt trồng 2.000 cây mắm xuống bãi bồi ngoài đê biển thuộc địa bàn phường Nhà Mát.
Ông Võ Tuấn Nhân - thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường - cho biết bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, hạn chế bão lũ và triều cường, đồng thời là tấm lá chắn bảo vệ đê, chống xói lở và xâm nhập mặn; là nguồn dự trữ sinh quyển, nơi trú ngụ của nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Việc phát động trồng rừng nhằm lan tỏa phong trào tái sinh rừng để ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế cho người dân vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu.
2.000 cây mắm đã được trồng ở vùng bãi bồi ven biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC
"Đây là hoạt động lan tỏa trên cả nước. Nhân Ngày môi trường thế giới năm nay, tôi mong muốn các bạn trẻ và các địa phương hãy nhiệt liệt hưởng ứng Ngày môi trường thế giới bằng cách làm xanh, sạch, đẹp từng bản làng, quê hương, công sở cũng như đất nước chúng ta. Trước hết, năm nay tập trung trồng cây, gây rừng ở ven biển, đồi trọc, núi trống để làm sao cây xanh ngày thêm nhiều để bảo vệ môi trường trong sạch hơn", Thứ trưởng Tuấn Nhân kêu gọi.
Bạc Liêu hiện có hơn 56km chiều dài bờ biển. Thời gian gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, nước triều dâng đã ảnh hưởng đến một số tuyến đê xung yếu trên địa bàn, gây sạt lở nghiêm trọng một số tuyến đê, nhất là những khu vực có cây rừng thưa thớt.
Việc trồng tái sinh rừng phòng hộ ở các khu vực bãi bồi ven đê biển được xem là "giải pháp mềm" bền vững để ứng phó lâu dài và hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận