15/05/2017 18:17 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long: 581km bờ sông, bờ biển sạt lở nặng

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - Đó là số liệu được Bộ NN&PTNT đưa ra tại buổi làm việc giữa phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng với lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL về công tác phòng chống sạt lở vùng ĐBSCL diễn ra vào chiều 15 - 5 tại An Giang.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra hiện trường vụ sạt lở (áo xanh) - Ảnh: Bửu Đấu
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra hiện trường vụ sạt lở (áo xanh) - Ảnh: Bửu Đấu
Trước mắt yêu cầu các tỉnh dừng cấp phép việc khai thác cát sông. Đặc biệt là xử lý nghiêm khai thác cát trái phép.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Sáng 15-5, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đến khảo sát hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng sông Vàm Nao (An Giang), đồng thời thăm hỏi, động viên bà con bị ảnh hưởng sạt lở vừa qua.

Đoàn đã trao tặng cho 14 hộ có nhà rơi xuống sông mỗi hộ phần quà và 3 triệu đồng tiền mặt.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi họp làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng, chống sạt lở nơi đây.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến thời điểm này toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 393 điểm sạt lở, với tổng chiều dài sạt lở trên 581km. Tốc độ sạt lở từ 1 đến 20m/năm.

Trong đó, sạt lở bờ biển nặng nhất là Cà Mau với 109km, Tiền Giang 77km, Trà Vinh 74km và ở bờ sông Tiền, sông Hậu là An Giang 69km với 51 điểm bị sạt lở…

Nguyên nhân chính được Bộ này đưa ra là do phát triển hạ tầng và sản xuất  đã tăng nhanh trong thời gian qua có ảnh hưởng đến xói lở cả sông, kênh và bờ biển.

Các yếu tố chính đã tác động như: khai thác cát quá mức; thiếu kiểm soát; phát triển hạ tầng với tải trọng lớn dọc theo bờ sông, kênh vượt quá khả năng ổn định bờ kênh; phát triển vùng nuôi tôm gây giảm rừng ven biển; lún sụt mặt đất.

Còn các chuyên gia của Bộ này đưa ra nguyên nhân là do mất cân bằng bùn cát, thay đổi tỷ lệ phân lưu sông Tiền, sông Hậu; chặt phá rừng, khai thác tài nguyên đầu nguồn; địa chất vùng Đồng bằng sông Cửu Long mềm yếu; khai thác cát sỏi trái phép; phát triển dân sinh kế; nước biển dâng 2 - 3mm/năm; sụp sụt đất do khai thác đất nước ngầm và giao thông thủy…

Các yếu tố nội tại đồng bằng tích hợp các yếu tố thượng nguồn và biển làm cho xói lở tăng nhanh, nhất là vùng bờ biển.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nhiệm vụ trước mắt các tỉnh thành phải ưu tiên di dời dân khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho dân là trước hết. Đồng thời kiểm tra thường xuyên các công trình xây dựng ven bờ sông, ven biển.

Đây là những công trình có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn bờ sông, nếu thấy có vấn đề phải cảnh báo hoặc yêu cầu dừng thi công.

Riêng các Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các chuyên gia phải sớm nghiên cứu, đánh giá hiện trạng tổng thể ở Đồng bằng sông Cửu Long ra sao để có giải pháp lâu dài chứ không thể bị động như hiện nay.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm soát việc khai thác cát sỏi, đặc biệt là khai thác cát sỏi không đúng quy hoạch, nếu đã cấp phép rồi cũng rà soát lại xem dự án đó có ảnh hưởng đến bờ sông, bờ biển hay không...

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang - Ảnh: Bửu Đấu
Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang - Ảnh: Bửu Đấu

 

Theo ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, riêng 5 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã xảy ra 15 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài trên 1,2km, ảnh hưởng đến 170 căn nhà, có 18 căn nhà đã sụp hoàn toàn xuống sông cùng với nhiều tài sản khác.

Tỉnh đã di dời khẩn cấp 136 căn nhà lân cận có nguy cơ sạt lở cao. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở diễn ra vào lúc 9h20 ngày 22-4 (sạt lở đất bờ sông Vàm Nao) làm 14 căn nhà bị nhấn chìm, ước tính thiệt hại trên 88 tỷ đồng.

“Tỉnh đã xuất ngân sách dự phòng hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn đồng thời kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn xây dựng 23 cụm, tuyến dân đáp ứng khoảng 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở cao và đặc biệt nguy hiểm” ông Thạnh nói.

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên