14/02/2019 17:14 GMT+7

'Trời cho con khổ vừa thôi, khổ quá chết mất'

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Khi Giáng Son chìm vào trong bóng tối của nỗi buồn, nàng chưng cất được 'Bóng tối Jazz'. 'Nghệ sĩ phải trả giá mới có tác phẩm hay, nhưng tôi khấn: thôi trời cho con khổ vừa thôi, khổ quá chết mất', Giáng Son cười nói.

Trời cho con khổ vừa thôi, khổ quá chết mất - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Giáng Son - Ảnh: HÀ KIN

Tôi ngồi lún trong chiếc salon màu kem của Giáng Son, ngắm nhìn giá sách, cây đàn piano, những vật dụng nhỏ xinh duyên dáng được bày biện trong nhà, cảm giác thật thoải mái. Không gian đó nói lên con người của Giáng Son, rất chỉn chu và đầy nữ tính.

Nữ tính nhưng không èo uột, dễ bảo

Trên khuông nhạc, Giáng Son là một cá tính rất đặc biệt. Ngay từ album đầu tay mang tên mình, Giáng Son đã cho thấy con người chị không chỉ có ballad. Sau những Giấc mơ trưa, Chút nắng vàng bay, Nếp ngày trong sáng, lãng mạn, khán giả có thể sẽ giật mình khi nghe Trôi trong gương, Cỏ và mưa, I love music vì chúng cá tính, dữ dội hơn rất nhiều.

Người phụ nữ với tâm hồn rất đỗi phong phú này sẽ không bao giờ chấp nhận giới hạn mình trong những nốt nhạc đơn giản, hợp với tính nữ người ta vẫn hay gán cho chị. Những trăn trở phức tạp của nội tâm cần những nốt nhạc tương xứng.

Trời cho con khổ vừa thôi, khổ quá chết mất - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Giáng Son rất yêu Hà Nội - Ảnh: HÀ KIN

Album thứ hai Bóng tối Jazz theo đuổi thể loại Blues Jazz với những đường lượn của âm thanh phức tạp hơn ballad, cộng thêm khối ca từ đầy sức nặng, không chỉ thử thách kĩ thuật hát Jazz của ca sĩ, mà còn đòi hỏi ở họ trải nghiệm sống dày dạn. Giao album này cho hai giọng ca "quái" là Tùng Dương và Hà Trần là một lựa chọn không thể sáng suốt hơn.

Giáng Son cho biết nhiều năm trước ở Sài Gòn, chị đã nằm dài mỗi ngày cả trưa và tối nghe Norah Jones hát đi hát lại Don’t know why, và lập kế hoạch phải làm ra được một album Blues Jazz.

Bóng tối Jazz đã đến sau nhiều năm chờ đợi bởi nó cần một cú hích. Ở một ngã rẽ bất ngờ của cuộc đời, người phụ nữ mạnh mẽ có tên Giáng Son cảm thấy mình rơi vào khoảng tối tăm vô định. Những nỗi đau ập đến khiến chị tưởng như không thể chịu đựng nỗi.

Chính giai đoạn đó, âm nhạc đã trở thành cứu cánh. Giáng Son lao vào tập đàn, sáng tác liên tục. Rất nhiều bài hát ra đời trong giai đoạn này.

"May mắn là mình vẫn có âm nhạc để trút. Nếu cánh cửa này đóng, sẽ có cánh cửa khác mở ra, tôi luôn tin như vậy", Giáng Son tâm sự.

Bóng tối Jazz là những "nỗi đau rất thật" của Giáng Son. "Khi chọn thơ phổ nhạc, ít nhất tôi phải cảm thấy có tôi phần nhiều trong đó. Và khi tôi viết, phải viết cho bản thân mình trước đã. Viết xong thấy như được thổ lộ hết, được giải thoát, thấy sung sướng, nghe đi nghe lại mà vẫn thấy rung động thì tôi biết đó sẽ là một bài hát hay", Giáng Son nói.

Trời cho con khổ vừa thôi, khổ quá chết mất - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Giáng Son bên những người bạn - Ảnh: HÀ KIN

Nhưng cũng chính ở Bóng tối Jazz, người ta nhận thấy một Giáng Son cực kì lý tính trên những khuông nhạc. Bởi là một người học cổ điển, Giáng Son rất coi trọng cấu trúc tác phẩm.

"Những người thầy dạy sáng tác rất giỏi khí nhạc của tôi như thầy Đàm Linh, Nguyễn Thiên Đạo, Nguyễn Văn Nam nói với chúng tôi rằng khi sáng tác phải để lý tính kiểm soát được cảm tính, nhưng không được để lý tính kiểm soát quá nhiều.

Cảm xúc đến ào ạt như thác lũ, nếu không kiểm soát được thì tác phẩm dễ bị sến sẩm, lan man. Còn lý tính nhiều thì tác phẩm khô khan, cứng nhắc. Nên người sáng tác phải cân bằng được điều đó. Bên trong mình như hai con người khi sáng tác vậy!", Giáng Son cho biết.

Tôi nói với Giáng Son nghe những sáng tác của chị, tôi không chỉ thấy nữ tính đậm đặc mà còn thấy cả sự quyết liệt không khác gì nam giới.

"Tôi là dương nữ mà. Ở ngoài đời tôi rất bình thường, rất hiền lành, nhưng với việc cần bày tỏ thì thái độ của tôi cũng rất rõ ràng. Tính cách của tôi rất rành mạch trắng-đen, yêu thương-ghét bỏ không lờ mờ được. Trong âm nhạc cũng thế, lãng mạn thì cực kì lãng mạn, yêu đương thì phải mãnh liệt. Tôi có nữ tính, lãng mạn nhưng không phải kiểu èo uột, bảo gì nghe nấy", Giáng Son cười nói.

Vẫn tin vào tình yêu

Sau Bóng tối Jazz, những tưởng Giáng Son sẽ không còn viết những ca khúc trong sáng như Giấc mơ trưa, Chút nắng vàng bay, Nếp ngày. Nhưng sau đó Giáng Son tung ra ca khúc Hà Nội 12 mùa hoa.

Vào cái thời âm nhạc ngày càng trần trụi, Hà Nội 12 mùa hoa xuất hiện tinh khôi như nắng mai, gợi nhớ về những năm tháng Hà Nội trở thành "nàng Thơ" của biết bao nhạc sĩ tài danh.

Trời cho con khổ vừa thôi, khổ quá chết mất - Ảnh 4.

Là con của cặp nghệ sĩ Chèo Hoàng Kiều và Bích Ngọc, từ nhỏ Giáng Son luôn mơ ước được trở thành diễn viên Chèo, nhưng cha chị đã cho con gái học piano và hướng chị đi vào con đường sáng tác. "Bố đã chọn đúng nghề cho tôi", Giáng Son nói - Ảnh: HÀ KIN

Giáng Son sinh ra ở Hà Nội, vô cùng yêu Hà Nội, rất muốn viết về Hà Nội nhưng cảm thấy bao nhiêu tứ hay về Hà Nội đã được bậc cha, chú viết hết rồi. "Tôi cứ để đấy, chẳng vội, cái gì mình yêu quý quá, viết ra không hay, lại thất vọng", Giáng Son nói.

Một lần trên máy bay tình cờ đọc được một bài báo viết về những mùa hoa ở Hà Nội, Giáng Son chợt nhận ra chưa ai sử dụng tứ này.

Khi viết xong Hà Nội 12 mùa hoa, Giáng Son để ca khúc trong ngăn kéo. Cũng có một vài ca sĩ trẻ thử nhưng còn non nên chị chưa đưa bài. Cho đến khi Thúy Nga Paris làm chương trình xuân đã liên hệ Giáng Son xin bài. Sau khi Thu Phương hát trong chương trình này, ca khúc đã trở thành "hit".

Sự trong sáng hóa ra vẫn chưa lỗi thời, thậm chí còn trở nên quý giá hơn. Không phải ngẫu nhiên Hà Nội 12 mùa hoa được rất nhiều chương trình âm nhạc lựa chọn

"Tôi là người ngây thơ, mơ mộng, tin vào những điều thực sự đẹp đẽ và trong sáng. Tôi viết được Giấc mơ trưa, có lẽ bởi tôi luôn có một niềm tin trong sáng", Giáng Son nói.

Cho đến giờ, dù đã trải qua nhiều đau khổ trong tình yêu, nhưng Giáng Son vẫn tin rằng tình yêu rất đẹp, thiêng liêng.

"Tôi vẫn tin tình yêu thực sự không thực dụng, những người yêu nhau thực sự luôn mong người kia được hạnh phúc". Giáng Son nói ra điều này vào thời điểm chị đã kết thúc cuộc hôn nhân với người chồng Mỹ được 5 năm.

Trời cho con khổ vừa thôi, khổ quá chết mất - Ảnh 5.

Trong âm nhạc của Giáng Son luôn phảng phất chất dân gian - Ảnh: HÀ KIN

Chính biến cố đó là cú hích để Bóng tối Jazz được hoàn thành. Thời điểm đó Giáng Son chọn trút tất cả vào âm nhạc, dồn toàn lực cho album Bóng tối Jazz. Chị đã chọn cách im lặng bởi chị biết khi bị nhắc tới trên truyền thông, nỗi đau sẽ thêm dài.

Đây là lần đầu tiên Giáng Son bày tỏ chuyện riêng vì đã thực sự vượt qua chuyện cũ. "Giờ đây chúng tôi đã trở thành những người bạn, thỉnh thoảng lại hỏi thăm nhau. Đôi khi nhìn lại tôi thấy mình cũng can đảm. Khi rơi xuống "vực sâu" không dễ gì vượt qua được chuyện này một mình. Rất may bên cạnh mình còn có gia đình, những người bạn", Giáng Son nói.

Bóng tối Jazz là những vệt buồn, là khoảng thời gian sẫm màu đậm đặc trong cuộc đời Giáng Son, nhưng rốt cục lại giúp chị bước ra vùng ánh sáng. Nghệ thuật đã làm trái tim người nghệ sĩ ấm áp trở lại.

Giáng Son nói chị vẫn tin vào tình yêu khi nhìn vào cách cha mẹ mình yêu và sống bên nhau.

Người nghệ sĩ này nói chị học được ở cha (cố nghệ sĩ Hoàng Kiều) đức tình cần cù, khiêm tốn, chứng minh bằng tác phẩm chứ không phải bằng những tuyên ngôn đao to búa lớn.

"Tôi luôn sợ nói về mình. Tôi muốn chứng minh bằng tác phẩm. Hay dở thế nào, công chúng sẽ đánh giá về nó", Giáng Son nói.

Giáng Son với Cỏ và mưa trên VTV3 Giáng Son với Cỏ và mưa trên VTV3

TT - Giáng Son được người yêu nhạc biết đến từ khi còn là thành viên của nhóm “Năm Dòng Kẻ”, không chỉ bởi cô là ca sĩ thể hiện các ca khúc cùng nhóm mà còn là người sáng tác các ca khúc ấy. Vào năm 2004, “Năm Dòng Kẻ” đã chinh phục khán giả bằng giải thưởng “Nhóm nhạc xuất sắc nhất” của “VTV - Bài hát tôi yêu”.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên