Phóng to |
Nhóm Năm Dòng Kẻ với Giáng Son (thứ hai từ trái qua) - Ảnh T.T.D. |
Nhịp sống sôi động của Sài Gòn cùng hàng trăm tụ điểm ca nhạc về đêm đã không giữ được cô ca sĩ kiêm nhạc sĩ chính của nhóm Năm Dòng Kẻ.
Mái tóc trắng xóa của GS Hoàng Kiều hé ra khỏi cánh cửa của căn hộ cũ kỹ, bé xíu trong khu tập thể Đồng Xa rồi cánh cửa mở rộng: “Giáng Son có nhà đấy!”.
Không hề có một chút gì có thể gợi cho người ta liên hệ một Giáng Son trên sân khấu âm nhạc hào nhoáng và sôi động với cô gái bé nhỏ trong căn phòng đầy ắp sách vở này. Vật trung gian gợi liên tưởng là cây đàn piano thì hình như cũng “đứng về phe bảo thủ” vì vẻ cũ kỹ sờn mòn thân quen của nó.
Giáng Son giải thích: “Mình thuộc về nơi này đấy. Bố mình chọn ở đây để đi dạy cho gần, ông đã đi dạy hơn 30 năm trong trường sân khấu - điện ảnh, bây giờ mình cũng đi dạy ở trường, cả hai bố con đi bộ đến trường chỉ mất không đến năm phút”.
* Nghe có vẻ không hợp lắm với cô gái hơn 20 tuổi đã quyết chí lập ban nhạc để có thể tự trình bày các sáng tác của mình, rồi lại quyết tâm cùng cả nhóm “Nam tiến” để lập danh và kiếm tiền?
- Còn trẻ, cần phải thử mới biết mình có thể làm những gì. May mà cũng không có gì phải ân hận. Bọn mình đã làm việc quần quật, đã cố gắng sống tử tế và hết mình, đã hát tất cả những gì có thể hát. Những ngày đầu vào Sài Gòn, thành phố như một siêu thị khổng lồ, bao nhiêu là sự hấp dẫn bày ra trước mặt, thế mà mình không có một xu trong túi, lại là con gái xa nhà, cộng thêm là nghệ sĩ.
50.000 đồng cho mỗi đứa sau một sô diễn ở phòng trà ca nhạc vào loại sang nhất thành phố là Tiếng Tơ Đồng. Năm đứa tổng cộng là 250.000, mà lúc đó đã là năm 2001. Vậy mà vẫn hát, hát để quen khán giả, hát để được hát và hát để có tiền, 50.000 cũng là tiền mà. Mình cũng còn kịp in một tập sách nhạc gồm 30 bài tên là Tình khúc Giáng Son tại NXB Trẻ, để thấy là mình vẫn đang viết được.
* Đã dám sống đến thế rồi mà đến khi có được những thành công nhất định lại quyết định “bỏ cuộc chơi”, quay về Hà Nội là sao?
- Là vì biết mình đã làm xong việc rồi. Năm Dòng Kẻ bây giờ cũng đã có thương hiệu ở Sài Gòn, các bạn ấy cũng đã có nhiều show diễn, tất nhiên là với nhiều con số 0 đằng sau 50.000. Còn mình thì biết chắc là không hợp với cái thời gian biểu: đêm diễn xong đi ăn về đã 3-4g sáng, lăn ra ngủ, 1g trưa mới dậy, tập luyện rồi lại chờ đêm xuống để lên sân khấu.
Vòng quay ấy không sớm thì muộn cũng sẽ làm mình không còn hơi sức hay đầu óc gì mà viết nữa. Mình cần thời gian để tái tạo năng lượng, cần không gian để nuôi cảm xúc, và cần cảm giác thân quen của Hà Nội, của gia đình. Mình chưa bao giờ cho rằng mình là một ca sĩ theo đúng nghĩa của từ này, mình là một nhạc sĩ, thỉnh thoảng tự hát bài của mình, thế thôi.
Phóng to |
Giáng Son: “Tôi thuộc về nơi này” - Ảnh: Việt Dũng |
- Chúng mình nhìn cuộc sống như là mình đã sống thời trong trẻo nhất, và như là nó sẽ phải có, chứ không phải chỉ là những gì đang diễn ra hằng ngày. Đó là lần đầu tiên mình gặp Nguyễn Vĩnh Tiến, anh ấy mời chú Ngọc Đại đến để nghe thử ca khúc Bà tôi.
Chú Ngọc Đại rủ mình cùng đi. Nghe xong là thấy thích luôn, anh Tiến viết nhạc chưa có kỹ thuật, nhưng giai điệu và ca từ thì tuyệt vời. Bèn nhờ anh ấy viết lời cho bản ballad mới của mình. Anh ấy nghe nhạc xong rồi mới viết. Ca từ hay quá và quan trọng nhất là nó hòa hợp kỳ lạ với nhạc của mình.
Cảm ơn thì anh ấy bảo: “Lời ca này là anh viết về em đấy”. Nghe cũng cảm động chứ, bây giờ có ai nhìn thấy mình như thế này: “Em nằm em nhớ, một ngày trong veo, một mùa nghiêng nghiêng... Em về nơi ấy, một bờ vai xanh, một dòng tóc xanh... Và gió theo em trôi về con đường, và nắng theo em trên dòng sông vắng, mùa đã trôi đi trong miền xanh thẳm…”.
* Nói vậy là Giáng Son đã xác định xong chỗ đứng và công việc lâu dài của mình rồi?
- Vâng, sẽ chỉ chuyên tâm sáng tác và đi dạy thôi. Ngoài ca khúc, mình vẫn mê khí nhạc và vẫn mơ ước viết một bản giao hưởng thật sự. Thầy của mình, nhà soạn nhạc quá cố Đàm Linh, vẫn bảo: viết khí nhạc thì phải ra trường 10 năm mới có một giao hưởng thật sự, mà lại phải có điều kiện để dàn dựng tác phẩm trên sân khấu liên tục. Bọn mình lấy đâu ra cái điều kiện ấy.
Giao hưởng tốt nghiệp của mình, bản Đồng Xa (cùng tên với khu tập thể nghệ sĩ của gia đình Son) cũng đã viết được bảy năm rồi, mà đã được biểu diễn ở sân khấu lớn đâu, mới chỉ trong phòng hòa nhạc nhạc viện.
* Vậy sao Giáng Son không làm một cái gì đó “phá cách”...?
- Mình thích viết khí nhạc theo phong cách truyền thống, cả ca khúc của mình cũng thế. Có thể vì ảnh hưởng của cha (GS Hoàng Kiều là nhà nghiên cứu về âm nhạc truyền thống hàng đầu của VN, ông chuyên tâm nhất là âm nhạc trong sân khấu chèo - NV), nhiều bài hát của mình vẫn phảng phất một tí chèo, Giấc mơ trưa cũng thế.
Hôm trước, anh Nguyễn Vĩnh Tiến còn rủ: “Giáng Son viết chèo thành rap VN đi. Anh cũng thích lắm, anh đang thử nghiệm”. Cũng là một cách hay, biết đâu mình cũng sẽ thử viết rap VN theo phong cách chèo hay chầu văn.
* Có lưng vốn là 60 bài hát rồi, nhiều bài trong số đó cũng đã phổ biến, bao giờ Giáng Son mới có ý định làm album?
- Chắc chắn sẽ làm nhưng không phải ngay bây giờ, cũng còn cần thêm một số bài mới và cần cả... tiền nữa. Một giáo viên đại học như mình, lại ở khoa âm nhạc truyền thống của một trường ít thời thượng, nhất là trường sân khấu - điện ảnh thì việc chờ lương để làm album sẽ rất... hài hước. Nhưng không sao, đã chọn đường này rồi mình phải đi thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận