21/01/2021 09:08 GMT+7

Tro xỉ chất đống, bao giờ mới dùng làm vật liệu công trình giao thông?

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Bình Thuận hiện rất cần vật liệu san lấp nền các công trình giao thông. Vật liệu tại chỗ có nguy cơ thiếu trong khi hàng triệu tấn tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện có thể dùng cho xây dựng hiện còn bỏ phí.

Tro xỉ chất đống, bao giờ mới dùng làm vật liệu công trình giao thông? - Ảnh 1.

Bãi chứa tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 rộng gần 60ha tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận - Ảnh: Đ.TRONG

Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận hợp quy hợp chuẩn để làm phụ gia bêtông đầm lăn, nền đường ôtô... Bộ GTVT chưa đồng ý sử dụng cho dự án cao tốc. 

Các chuyên gia cho rằng tro xỉ có thể dùng làm vật liệu công trình giao thông. Vậy bao giờ mới có thể tận dụng nguồn vật liệu này?

Cao tốc cần hơn 20 triệu m3 vật liệu

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, những dự án cao tốc tại Bình Thuận cần khoảng 20 triệu m3 cát đá xây dựng và đất đắp nền. Nói về nguồn vật liệu phục vụ các công trình này, ông Xà Dương Thắng, giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận, cho biết đã dự báo trước nhu cầu vật liệu sẽ tăng cao. 

Các mỏ khai thác vật liệu trong quy hoạch và đang khai thác cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thi công các tuyến cao tốc. Trường hợp không đáp ứng, địa phương sẽ xem xét việc nâng công suất khai thác.

Tuy nhiên, ông Hoàng Tuấn Khoát, phó giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) 7 (chủ đầu tư dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo), cho biết dự án đang thiếu đất đắp nền và cát xây dựng. 

Tương tự, Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư dự án Dầu Giây - Phan Thiết) cho biết trữ lượng tại các mỏ khoáng sản ở địa phương cơ bản chỉ đáp ứng đủ nhu cầu cho dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo. 

Trong khi địa phương có đến ba dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đi qua. Khi các dự án đồng loạt triển khai, nhu cầu sử dụng vật liệu trên địa bàn là rất lớn.

Theo ông Xà Dương Thắng, việc này phải tính toán kỹ lưỡng. Hiện địa phương đang lấy ý kiến của các huyện, sở ngành liên quan về việc bổ sung các mỏ khoáng sản vào quy hoạch khai thác theo đề nghị của các ban QLDA.

Chưa sử dụng được tro xỉ nhiệt điện

Trong khi nguồn vật liệu san lấp, làm nền đường có nguy cơ thiếu hụt thì tro xỉ từ Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân - được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận hợp quy hợp chuẩn để làm phụ gia bêtông đầm lăn, nền đường ôtô... - lại chưa được tận dụng.

Trước đây khi làm việc với Bộ GTVT, một lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Thuận từng gợi ý nghiên cứu sử dụng tro xỉ thải ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân làm vật liệu cho các dự án cao tốc. 

Theo ông Xà Dương Thắng, việc này chưa thực hiện được, Bộ Xây dựng đã chứng nhận nhưng Bộ GTVT chưa đồng ý đưa vào sử dụng cho các dự án cao tốc. Dùng tro xỉ làm vật liệu xây dựng còn quá mới mẻ, trong khi đường cao tốc yêu cầu chất lượng rất cao.

"Từ trước đến nay chưa có công trình nào sử dụng vật liệu này nên càng không mạo hiểm thử nghiệm với các công trình cao tốc. Ngoài ra, công tác triển khai thi công các dự án cao tốc gấp rút nên không còn thời gian nghiên cứu loại vật liệu này có đáp ứng hay không" - ông Thắng chia sẻ.

Tương tự, một lãnh đạo Sở GTVT Bình Thuận cho rằng chưa thể nghiên cứu việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp ở các dự án giao thông, hạ tầng ở địa phương. 

Theo vị lãnh đạo này, bộ chứng nhận hợp quy hợp chuẩn là một chuyện, còn áp dụng cho từng dự án là chuyện khác. Mỗi dự án có tiêu chuẩn sử dụng riêng, còn tiêu chí của bộ chỉ chung chung. 

"Không chỉ địa phương đau đáu đầu ra cho tro xỉ mà cả trung ương cũng quan tâm. Nhưng nguyên tắc vẫn chưa thể dùng cho xây dựng công trình giao thông được" - vị lãnh đạo Sở GTVT Bình Thuận chia sẻ thêm.

Có tiêu chuẩn là dùng được

Ông Phạm Văn Bắc - vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết tiêu chuẩn quốc gia về sử dụng tro xỉ nhiệt điện than làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đã được Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ công bố vào năm 2018 (TCVN số 12249:2018).

Việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện than làm vật liệu san lấp các công trình hoàn toàn yên tâm về chất lượng.

Tuy vậy, hỗn hợp tro xỉ nhiệt điện khi sử dụng làm vật liệu san lấp công trình cần đáp ứng bốn yêu cầu về môi trường: không khí, đất, nước ngầm, nước mặt.

Mặt khác, hỗn hợp tro xỉ không phải chất thải nguy hại; nước chiết từ hỗn hợp tro xỉ nhiệt điện phải đáp ứng yêu cầu với nước thải công nghiệp; hỗn hợp tro xỉ phải được giám sát, kiểm tra chất lượng theo nguồn cấp.

Trường hợp tro xỉ nhiệt điện nhiễm mặn (nếu đáp ứng các điều kiện môi trường) cũng chỉ sử dụng làm vật liệu ở khu vực nhiễm mặn…

B.NGỌC

Đã có nghiên cứu tiêu thụ tro xỉ

Theo Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 (chủ đầu tư BOT Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1), tính đến tháng 12-2020 tro xỉ tại 3 nhà máy nhiệt điện đã sản sinh ra khoảng 7,2 triệu tấn tại bãi chôn lấp. Năm qua đơn vị chỉ tiêu thụ khoảng 615.000 tấn.

Ông Phan Ngọc Cẩm Thành, phó tổng giám đốc Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1, cho biết từ khi Bộ Xây dựng chứng nhận hợp quy hợp chuẩn tro xỉ làm vật liệu san lấp (tháng 12-2020), đã có một số đơn vị nghiên cứu tiêu thụ.

Thực tế việc tiêu thụ tro xỉ còn rất hạn chế dù đơn vị sẽ hỗ trợ 40.000-60.000 đồng/tấn. Nguyên nhân được cho là khoảng cách vận chuyển đến các khu vực tiêu thụ tro xỉ khá xa khiến chi phí vận chuyển đội lên cao.

Hơn 15 triệu tấn tro xỉ nhiệt điện than của EVN chưa biết đổ đâu Hơn 15 triệu tấn tro xỉ nhiệt điện than của EVN chưa biết đổ đâu

TTO - Trong số hơn 25 triệu tấn tro xỉ thải ra từ 12 nhà máy điện than của EVN chỉ có khoảng 10 triệu tấn được tiêu thụ, còn 15 triệu tấn tồn đọng tại bãi thải các nhà máy chưa biết đổ đi đâu.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên