30/07/2019 08:04 GMT+7

Trở về đất mẹ - Kỳ 6: Những ray rứt cuối cùng

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Từ năm 2001 đến nay, bốn đội chuyên trách của Quân khu 7 đã quy tập được 9.653 hài cốt liệt sĩ hi sinh ở Campuchia, trong đó chỉ 516 liệt sĩ xác định được danh tính.

Trở về đất mẹ - Kỳ 6: Những ray rứt cuối cùng - Ảnh 1.

Đội K70 nâng trên tay hài cốt liệt sĩ tìm được trên đất bạn để đưa về nước - Ảnh: ĐOÀN TINH

Dù đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn còn ray rứt và buồn lắm. Vì có nhiều liệt sĩ còn chưa về với Tổ quốc được. Đó là nỗi đau của cả dân tộc chứ không chỉ của riêng gia đình thân nhân liệt sĩ.

Đại tá Trần Văn Hợp (cựu đội trưởng Đội K70)

Đội K72 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước) tìm kiếm được 2.853 hài cốt liệt sĩ, trong đó chỉ 244 liệt sĩ có tên. Đội K73 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An) tìm kiếm được 2.246 hài cốt liệt sĩ, trong đó chỉ 158 liệt sĩ có tên. Riêng Đội K70 hơn 18 năm qua đã tìm được 1.938 hài cốt liệt sĩ, trong đó chỉ 38 liệt sĩ có tên. Đội K71 tìm được 2.615 hài cốt, chỉ 85 liệt sĩ có tên.

Ray rứt vì liệt sĩ không còn tên tuổi

Trong 18 giai đoạn với 36 lần ra quân tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ hi sinh ở Campuchia, có những giai đoạn cả năm trời, bốn đội tìm kiếm của Quân khu 7 tìm được hàng trăm hài cốt liệt sĩ nhưng tất cả đều không có danh tính! 

Như giai đoạn mùa khô năm 2013-2014, Quân khu 7 quy tập được 278 liệt sĩ và gần đây nhất, giai đoạn mùa khô năm 2018-2019 đã tìm được 448 hài cốt liệt sĩ. Tất cả đều không để lại bất cứ thông tin nào về tên tuổi, quê quán, đơn vị...

"Điều chúng tôi luôn ray rứt, tiếc nuối là việc không tìm được bất cứ manh mối, thông tin nào để trả lại tên cho liệt sĩ, để đưa liệt sĩ về với gia đình. Có rất nhiều lần chúng tôi ngập tràn hi vọng, mừng thầm khi tìm thấy những lọ penicillin đựng tên tuổi, chứng minh thư của liệt sĩ nhưng rồi lại thất vọng vì thời gian đã làm chúng phân hủy hết" - thượng tá Đoàn Đình Tinh (46 tuổi, đội trưởng Đội K70) bùi ngùi nói. 

"Như lần đi quy tập ở huyện Kampong Siem (tỉnh Kampong Cham) tháng 11-2006. Đội quy tập đào tìm được ba hài cốt liệt sĩ cùng với một chiếc ví, trong có chứng minh thư. Tôi nghĩ sẽ có tên liệt sĩ nhưng mở ra hụt hẫng vô cùng: toàn bộ phần chữ viết bằng mực về tên tuổi, quê quán liệt sĩ trên chứng minh thư không còn nữa. Đến giờ tôi vẫn còn rất tiếc" - thượng tá Đoàn Đình Tinh nói.

Giải thích về quá nhiều trường hợp liệt sĩ không có bất cứ manh mối thông tin nào, đội trưởng Đội K70 giải thích: "Có những trường hợp hi sinh trong chiến đấu, phải rút nhanh nên chôn nhanh. Có trường hợp hi sinh vì bị địch bắt, tra tấn rồi giết chết và được người dân chôn cất. 

Còn ở khu vực bệnh viện dã chiến trước đây của mình thì công tác tử sĩ có thể làm rất tốt nhưng do lâu quá rồi nên giấy tờ phân hủy hết, không còn nữa. Đội của chúng tôi tìm được 38 liệt sĩ có tên chủ yếu ở giai đoạn đầu. Mãi cho đến năm 2017 chúng tôi mới quy tập thêm được một hài cốt liệt sĩ có tên là Tô Hồng Hải của Ban Cơ yếu Chính phủ Việt Nam".

Có những hình ảnh khiến những người lính trong đội quy tập dù vững vàng, cứng rắn đến mấy cũng không khỏi thương cảm, xót xa và ray rứt. Như chuyến đi tìm hài cốt tại quận Pailin (tỉnh Pailin, giáp Thái Lan). 

Thượng tá Đoàn Đình Tinh kể: "Đến nơi, chúng tôi hỏi mộ ở đâu, nhân chứng chỉ vào một đống đất, bảo đó, cứ đào đi. Chúng tôi lấy cuốc khẩy nhẹ để tìm xương chứ không đào vì hài cốt nằm ngay trên mặt đất! 

Pailin trước đây là chiến trường ác liệt. Liệt sĩ là đặc công, chết trong lòng địch nên mình không lấy được xác ra. Sau khi liệt sĩ hi sinh, mấy ngày sau người dân mới biết thì đã bốc mùi tử khí, họ chỉ lấy tăng phủ lên. Sau, mỗi mùa nương rẫy người dân lại đốt nương trồng hoa màu trên đó. 

Cho đến khi chúng tôi đến tìm đưa liệt sĩ về thì tăng võng đã bị đốt cháy hết. Năm người tìm trong hơn một tiếng đồng hồ chỉ được một vốc xương".

Trở về đất mẹ - Kỳ 6: Những ray rứt cuối cùng - Ảnh 3.

Trước khi được đưa về nước, các hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đều được Đội K70 và phía bạn tổ chức cầu siêu theo phong tục - Ảnh: ĐOÀN TINH

Xương thịt gửi xứ người

Từ khi thành lập (năm 2001) đến nay, những người lính quy tập của Đội K70 đã có 36 đợt ra quân trên 7 tỉnh, thành phố Campuchia. Thượng tá Đoàn Đình Tinh cho biết điều khiến những người lính làm nhiệm vụ quy tập luôn ray rứt, trăn trở là biết khu vực đó chắc chắn có mộ liệt sĩ nhưng lại không thể tìm ra. 

"Tỉnh Battambang là chỗ mà chúng tôi rất ray rứt. Thông tin mà chúng tôi nắm là ở huyện Koas Krala có hơn 34 liệt sĩ mình nằm ở đó. Chúng tôi đào tìm từ năm 2001 đến năm 2006 nhưng không thấy. Đến năm 2009-2011, chúng tôi lại đến tìm kiếm nhiều lần vẫn không thấy. Mình biết chắc là ở khu vực đó có liệt sĩ mà không thể tìm ra được, cảm giác đó khó chịu lắm" - thượng tá Đoàn Đình Tinh nói.

Như ở khu vực tỉnh Tboung Khmum, Đội K70 xác định còn hơn 150 thông tin về mộ liệt sĩ nhưng tìm kiếm nhiều lần vẫn không thấy. Hay khu vực sân bay Chhuk có nhiều liệt sĩ biết chắc là có tên tuổi, được các nhân chứng người Campuchia và cựu chiến binh mình sang đã xác định được vị trí. Nhưng Đội K70 rồi đến K71 đào tìm rất nhiều năm rất nhiều lần cũng không thấy. 

Ở khu vực Chom Mlu, các nhân chứng của mình khẳng định có 10 hài cốt chôn thành hai hàng nhưng đào cả tháng không gặp. "Chúng tôi đã làm hết mình, hết khả năng cũng không tìm được dù biết chắc là họ nằm ở đâu đó. Điều đó làm chúng tôi ray rứt đến giờ" - thượng tá Tinh nói.

Điều khiến những người lính quy tập lo lắng, trăn trở hơn nữa là nhân chứng đã dần mất hết. Những người già, người biết thông tin không còn nhiều. Thông tin ngày một cạn kiệt. Những người biết thì đã chết gần hết, người sống thì trí nhớ không minh mẫn. Trước kia, 90% thông tin người dân cung cấp chính xác thì sau này còn 20%.

Gần 13 năm gắn bó với Đội K70, thượng tá Đoàn Đình Tinh nói: "Càng quy tập được nhiều hài cốt liệt sĩ thì lòng mình càng thanh thản, vui vẻ, thế nhưng không phải lúc nào cũng được vậy".

Càng ngày càng ít

Giai đoạn đầu tiên (mùa khô năm 2001-2002), Quân khu 7 quy tập và hồi hương được nhiều nhất với 2.027 hài cốt liệt sĩ nhưng cũng chỉ 66 liệt sĩ có tên. Trong giai đoạn này, chỉ riêng Đội K73 đã quy tập được 812 hài cốt liệt sĩ.

Nhưng bước sang giai đoạn thứ hai, kể từ mùa khô năm 2002-2003 trở về sau này, số lượng hài cốt liệt sĩ quy tập được giảm đi rất nhiều. Có những giai đoạn, suốt một năm tìm kiếm trên đất bạn, toàn Quân khu chỉ tìm được hơn 200 hài cốt liệt sĩ.

_______________________________________________

Kỳ tới: Thầy giáo già và những tấm hình bia mộ liệt sĩ

Trở về đất mẹ - Kỳ 5: Chạy đua với thời gian Trở về đất mẹ - Kỳ 5: Chạy đua với thời gian

TTO - 'Làm chậm, làm muộn, nhân chứng sẽ không còn. Thông tin ngày một cạn kiệt. Những người già đã chết gần hết, nếu còn sống thì trí nhớ không minh mẫn', thượng tá Đoàn Đình Tinh (đội trưởng Đội K70) kể về hành trình tìm mộ liệt sĩ ở Campuchia.


MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên