14/04/2014 06:15 GMT+7

Trò lừa gọi điện cho số đề trúng

HÂN MINH
HÂN MINH

TT - Nếu trước đây có chuyện người dân đi cầu hồn người chết hay thần linh để xin số đánh đề, thì nay với công nghệ cao đã có thêm chuyện... gọi điện cho số trúng.

Đường dây lừa đảo cho số đánh đề lãnh án

h4TmJUmc.jpg

Anh Nguyễn Trần Viết Trung (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết có một người lạ dùng số điện thoại 10 số (không phải 11 số kiểu SIM rác) gọi đến hỏi thăm sức khỏe, công việc của anh. Điều làm anh ngạc nhiên trong câu chuyện giữa hai người là người kia (xưng tên Tâm) biết rất rõ về công ty anh Trung làm việc, cũng như nơi anh Trung hay mua sắm.

Trò lừa tinh vi

Theo anh Trung, người tên Tâm nói trước kia làm việc cho một siêu thị điện máy ở TP.HCM và giờ đã chuyển về công ty xổ số kiến thiết một tỉnh ở ĐBSCL. Trong khi nói chuyện, Tâm nhắc đến một người tên Bảy Tài, được cho là lãnh đạo công ty xổ số kiến thiết đó, thường cho người thân quen biết trước số trúng thưởng và cung cấp cho anh Trung số di động của ông Tài, đồng thời dặn nếu có gọi thì nói là “em của anh Tâm”.

Anh Trung thử gọi vào số “ông Bảy Tài” thì nghe giọng một người đàn ông lớn tuổi xưng là phó giám đốc công ty xổ số kiến thiết nọ. Qua vài lời nhận dạng người thân, “ông Bảy Tài” ra quy định giao dịch: cho số đánh trúng thưởng phải ăn chia 50%, mỗi số phải đánh ít nhất 5-6 triệu đồng. Sau đó: “Ông ta bảo tôi 14g hôm sau đến trước Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM để hẹn gặp nhưng tôi biết đây là trò lừa đảo nên không làm theo”. (!?)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là một kiểu lừa có tổ chức của một nhóm người. Cụ thể, họ tìm kiếm những thông tin cá nhân của người dùng có tiếng trên mạng Internet, rồi cử ra người đóng giả làm người đó. Từ đó họ chủ động liên lạc với tất cả người dùng trong danh sách mà họ có được để cho số và thỏa thuận ăn chia như trường hợp của anh Trung. Với mỗi người được cho hai số thì chỉ cần danh sách 50 người là họ đã cung cấp đủ 100 số từ 00, 01, 02... đến 99. Như vậy sẽ có người trúng khi làm theo và họ sẽ được hưởng tiền ăn chia như đã thỏa thuận. Người trúng số sẽ tin tưởng, tiếp tục làm theo và giới thiệu cho nhiều người khác. Còn người trật số xem như bị lừa.

Ai chịu trách nhiệm?

Ngoài trò lừa trên, tin nhắn rác quảng cáo lô đề nhằm dụ dỗ người dùng sử dụng các dịch vụ đầu số tiếp tục “khủng bố” thuê bao di động. Tuy nhiên, một lãnh đạo Vinaphone cho biết: “Các đối tượng phát tán tin nhắn rác thường là từ thuê bao di động đến thuê bao di động khác. Nhà mạng không thể kiểm tra được nội dung tin nhắn cá nhân của khách hàng. Do vậy Vinaphone không thể xác định được nội dung của các tin nhắn có phải là tin nhắn lừa đảo hay không”.

Cụ thể hơn, đại diện MobiFone cho biết pháp luật quy định việc gửi tin nhắn từ số thuê bao di động đến số thuê bao di động là hành vi cá nhân, nhà mạng không can thiệp. Vì vậy, một số nhà cung cấp dịch vụ đã lợi dụng để sử dụng số thuê bao di động cá nhân gửi tin nhắn quảng cáo, gây ra tình trạng như khách hàng phản ảnh. “Theo quy trình, khi tiếp nhận phản ảnh của khách hàng về các thuê bao di động phát tán tin nhắn rác, MobiFone sẽ tạm khóa dịch vụ của thuê bao bị phản ảnh. Tuy nhiên, do số lượng tin nhắn từ thuê bao cá nhân hằng ngày rất lớn, hàng trăm triệu tin nên không thể lọc và xác định tin nhắn rác bằng nhân công, mà phải xử lý bằng hệ thống/công cụ kỹ thuật. Tuy nhiên, việc xử lý bằng máy móc lại có nhược điểm là cứng nhắc, có thể chặn/xóa các tin nhắn không phải là tin nhắn rác” - đại diện MobiFone nói.

Về trách nhiệm với vấn nạn tin nhắn rác, cả hai nhà mạng trên đều khẳng định: “Nhà mạng chỉ cung cấp đường truyền, còn các nhà cung cấp dịch vụ (ví dụ: dịch vụ nội dung qua số tắt 4/6/7/8XXX/9XX, dịch vụ 1900XXXX) là chủ dịch vụ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về chất lượng dịch vụ”.

Khó xác định tin nhắn rác

Theo đại diện MobiFone, các nhà mạng di động đang gặp khó khăn trong việc xác định tin nhắn rác. Theo quy định của nghị định 90 về chống thư rác: “Thư rác (spam) là thư điện tử, tin nhắn được gửi đến người nhận mà người nhận đó không mong muốn hoặc không có trách nhiệm phải tiếp nhận theo quy định của pháp luật. Thư rác trong nghị định này bao gồm thư điện tử rác và tin nhắn rác”. “Định nghĩa này quá chung chung khiến mạng di động không thể xác định được thế nào là tin nhắn rác. Cùng một nội dung tin nhắn, có người dùng không từ chối nhận, có người dùng lại cho đó là tin nhắn rác và không muốn nhận... Cơ quan quản lý nhà nước nên quy định rõ tiêu chí xác định hoặc phân loại tin nhắn rác để các nhà mạng dễ dàng xử lý”.

HÂN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên