10/08/2015 05:50 GMT+7

Triệu USD để có tấm HCĐ lịch sử

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TT - Trong khi VN trắng tay tại Giải vô địch bơi lội thế giới ở Kazan (Nga) thì bơi lội Singapore lại hân hoan khi kình ngư 20 tuổi Joseph Schooling đã làm nên lịch sử với tấm HCĐ nội dung 100m bướm nam. Đáng chú ý là Schooling từng thua kình ngư Hoàng Quý Phước của VN...

Ngày 8-8 (giờ VN), Schooling giành được HCĐ nội dung 100m bướm nam với thành tích 50,96 giây tại Kazan. Đây là tấm HCĐ đầu tiên của Singapore trong lịch sử tham dự đấu trường này. Thành tích của Schooling càng ý nghĩa hơn khi sau đó một ngày chính là kỷ niệm quốc khánh 50 năm Singapore (ngày 9-8). Một cơn mưa tiền thưởng chắc chắn đang chờ đợi kình ngư 20 tuổi này. Như sau Asiad 2014, Schooling từng được Ủy ban Olympic trao thưởng 370.000 USD cho thành tích giành HCV.

Điều đáng nói là chính ở nội dung 100m bướm, Schooling từng phải nhận thất bại trước kình ngư Hoàng Quý Phước của VN hồi SEA Games 2011 tại Indonesia. Khi ấy, Quý Phước giành HCV với thành tích 53,07 giây, còn Schooling về thứ ba với 53,18 giây. Hiện kình ngư Singapore đã vượt rất xa con số này khi thành tích mới mà anh vừa đạt được ở Giải vô địch bơi lội thế giới 2015 (cũng là kỷ lục châu Á) là 50,96 giây.

Để có được một Schooling tài năng hiện tại, cha mẹ Schooling đã quyết định cho anh sang Mỹ học từ năm 2008, thời điểm anh chỉ mới 13 tuổi. Tờ Florida Times Union cho biết thời điểm đó, cha của Schooling - ông Colin Schooling - đã xác định sẽ đầu tư lâu dài cho tương lai bơi lội của con trai mình nhưng lại lo ngại về chất lượng đào tạo ở Singapore. Một trong số các bạn bè người Mỹ khi đó của ông Colin là trợ lý của HLV Gregg Troy, từng là HLV trưởng tuyển bơi Mỹ ở Olympic 2012, đã khuyên ông nên cho con trai mình đến Mỹ, cụ thể là gia nhập Trường trung học Bolles (bang Florida, Mỹ).

Sau đó, Schooling trở thành học sinh của Bolles từ năm 2010. Đây là một trong những ngôi trường trung học có phong trào thể thao hùng mạnh bậc nhất nước Mỹ, đặc biệt ở mảng bơi lội. Một thống kê cho thấy bắt đầu từ Olympic 1972, cứ mỗi kỳ thế vận hội Trường Bolles lại đóng góp một sinh viên (hoặc cựu sinh viên) cho đội tuyển bơi Mỹ. Thành tích này được góp công đáng kể bởi HLV Troy - người xây dựng giáo án cho tuyển bơi của Bolles suốt 20 năm trời. Chưa kể tại đây Schooling còn được huấn luyện bởi HLV người Tây Ban Nha Sergio Lopez - kình ngư từng giành HCĐ 200m ếch ở Olympic 1988.

Không lạ khi Schooling nhanh chóng “như cá gặp nước” tại nơi đây và thể hiện những bước tiến thần tốc trong sự nghiệp bơi lội. Khi chỉ mới 16 tuổi, anh đã được bầu chọn là “Nhân vật thể thao của năm” ở Singapore, trở thành người trẻ tuổi nhất giành được danh hiệu này. Đến lúc này, số tiền mà cha mẹ Schooling đầu tư cho con trai mình lên đến hơn 1 triệu USD - trang Sportsanity.com.sg cho biết. Không chỉ vậy, ông bà Schooling còn phải hi sinh rất nhiều thời gian cho con trai. Tờ Florida Times dẫn lời Schooling: “Cứ sáu tháng một lần, cha mẹ tôi lại luân phiên đến sống với tôi, người còn lại trở về Singapore. Họ đã hi sinh rất nhiều cho tôi”.

Sau Bolles, sự nghiệp bơi lội của Schooling tiếp tục tịnh tiến theo con đường học vấn. Anh gia nhập ĐH Texas, một ngôi trường có bề dày thành tích thể thao đáng nể khi từng sở hữu những ngôi sao lừng danh như cầu thủ bóng rổ Kevin Durant, kình ngư Aaron Pierson (từng giành 5 HCV Olympic), hay gần gũi với Schooling nhất là nữ VĐV đồng hương Joscelin Yeo, người từng giành 2 HCĐ Asiad. HLV trưởng của đội tuyển bơi lội ĐH Texas Eddie Reese cũng từng dẫn dắt tuyển bơi lội Mỹ trong giai đoạn 1992-2012.

“Đó là một lựa chọn xuất sắc. ĐH Texas nằm ở đẳng cấp thế giới với hàng loạt ngôi sao thể thao từng là sinh viên ở đây. Chương trình bơi của ĐH Texas nằm trong tốp 5 của nước Mỹ và Joseph (Schooling) sẽ nhận được rất nhiều thứ tại nơi đây” - bà Joscelin nói. Phong trào thể thao hùng mạnh, những HLV danh tiếng có kinh nghiệm và một nền tảng khoa học từ các ngôi trường của Mỹ dường như là lời lý giải tốt nhất cho sự thăng tiến thần tốc của Schooling những năm qua.

[box]Ánh Viên vừa tiến vừa lùi

Hôm qua (9-8), Nguyễn Thị Ánh Viên đã xô ngã kỷ lục quốc gia để lọt vào top 10 nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nữ tại Giải bơi lội vô địch thế giới 2015. Nhưng lẽ ra Ánh Viên có thể làm tốt hơn.

Ánh Viên thi đấu trên đường bơi thứ 8 của lượt đấu loại thứ 3, chung với VĐV đang giữ kỷ lục thế giới người Trung Quốc Ye Shiwen. Cô kết thúc ở vị trí thứ 5 của lượt đấu với thời gian 4 phút 38,78 giây. Đây cũng là kỷ lục quốc gia mới của VN, hơn 0,87 giây so với kỷ lục hiện tại do chính Ánh Viên thiết lập tại Asiad 2014.

Chung cuộc, Ánh Viên xếp hạng 10 ở vòng loại và không giành được suất vào chung kết, kém người dẫn đầu Katinka Hosszu (Hungary) đúng 6 giây. Điều này cho thấy khoảng cách quá lớn giữa Ánh Viên với đỉnh cao bơi lội thế giới bởi nếu làm phép tính đơn giản khi Katinka Hosszu hoàn tất lộ trình thì Ánh Viên vẫn còn cách đích hơn 9m.

Giới chuyên môn phân tích so với một năm trước tại Asiad 2014, Ánh Viên có điểm tiến bộ nhưng cũng có bước lùi. Cụ thể là trong 100m đầu tiên bơi bướm tại Kazan, Ánh Viên đã kém đến 1,91 giây so với chính mình trên đất Hàn Quốc cách đây đúng một năm khi tham dự Asiad. Bơi bướm không phải kiểu bơi sở trường nhưng rất ổn định của Ánh Viên từ trước đến nay. Đồng thời Ánh Viên cũng không cải thiện được tốc độ phản ứng (tính từ thời điểm có tín hiệu xuất phát đến khi VĐV rời bục) của cô (vẫn là 0,76 giây).

Tuy nhiên, Ánh Viên đã cải thiện rõ rệt ở những kiểu bơi không sở trường là bơi ngửa và bơi ếch. Đặc biệt là kiểu bơi ếch, Ánh Viên đã rút ngắn thời gian đến 2,46 giây (từ 1 phút 21,92 tại Asiad 2014 xuống còn 1 phút 19,46 giây). Và đó chính là yếu tố giúp Ánh Viên xô ngã kỷ lục quốc gia. Nếu không có sự thụt lùi trên thì có thể Ánh Viên đã giành suất vào chung kết 400m hỗn hợp cá nhân nữ.

Trước đó, Trần Duy Khôi đã xếp hạng 35/41 VĐV nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nam với thời gian 4 phút 27,43 giây.

T.PHÚC[/box]

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên