Cười và mếu với tên doanh nghiệpNỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than
Những câu hỏi này liên quan tới hiện tượng chuyển nghĩa rất thú vị của các từ ra, vào.
“Người xấu duyên lặn vào trong...”
Cách nói theo “điểm nhìn” Có một ông ngồi trong phòng khách. Tiếng Việt và tiếng Anh có cách nói giống nhau về vị trí của người này so với phòng khách: “Ông ấy đang đợi ở phòng khách” và “He is waiting in the living room”. Người Việt còn có cách nói theo điểm nhìn rất đặc sắc. Đó là lấy vị trí của mình so với vị trí của người đàn ông để nói. Đang ở trên lầu cao thì nói: “Ông ấy đang đợi dưới phòng khách”. Nếu ở dưới bếp thì nói: “Ông ấy đang đợi trên phòng khách”. Còn như đang ở trong buồng thì phải nói: “Ông ấy đang đợi ngoài phòng khách”. Và: “Ông ấy đang đợi trong phòng khách” là cách nói của những ai đang ở ngoài sân, ngoài vườn. |
Ra, vào là những vận động định hướng trong không gian. Về ý nghĩa, chúng có liên hệ chặt chẽ với hai từ trỏ vị trí trong, ngoài: “Người xấu duyên lặn vào trong/Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài”. (ca dao)
Từ thời xa xưa tổ tiên chúng ta nhận ra trong hang thì hẹp và ngoài hang thì rộng. Nói “đi ra ngoài hang, đi vào trong hang” rồi khái quát thành: đi ra là đi từ một không gian hẹp tới một không gian rộng hơn, như em bé từ bụng mẹ ra đời; còn đi vào là đi từ một không gian rộng tới một không gian hẹp hơn. Từ trong ứng với không gian hẹp, từ ngoài ứng với không gian rộng. Nhưng không gian nào rộng, không gian nào hẹp? Quan hệ trong - ngoài, hẹp - rộng chỉ là tương đối có trong tâm thức người Việt và được sắp xếp theo quy ước. Chẳng hạn: buồng hẹp hơn nhà, nhà hẹp hơn sân, sân hẹp hơn vườn, vườn hẹp hơn ngõ...
Vậy nên chỉ cần nghe “đi ra sân” là chúng ta biết ai đó từ buồng, từ bếp, từ nhà đi ra sân. Còn khi nghe “đi vào sân” là hiểu ngay ai đó từ vườn, từ ngõ... đi vào sân.
“Vào” nơi chưa biết - “ra” chỗ biết rồi
Hàng loạt nghĩa mới của hai từ ra, vào được hình thành liên quan đến nhận thức: a) Trong - ngoài là quan hệ hẹp - rộng, khép - mở, chúng tạo ra những quan hệ về thuộc tính, và b) Hướng chuyển động chuyển thành thuộc tính. Đi vào là đi tới nơi hẹp, nơi bị khép lại, còn đi ra là đi tới nơi rộng mở.
Quan hệ hẹp - rộng chuyển thành quan hệ kín - rõ. Mà kín là bí mật, là không thấy được. Ấy vậy nên, từ vào để chỉ những sự việc hoặc hành động bí mật, không thấy được: Đảng rút vào hoạt động bí mật, tên gian đã lẩn vào đám đông, vấn đề đi vào ngõ cụt. Từ ra để chỉ những sự việc hoặc hành động thấy được, công khai: tiến ra sân khấu, cầu thủ A đã được đưa ra sân thay thế cho cầu thủ B.
Chuyển động “ra” là chuyển động từ không gian khép sang không gian mở, là chuyển động theo hướng ly tâm như: dang tay ra, duỗi chân ra, mở gói ra, cởi áo ra, bàn ra, tháo ra, thuyền ra khơi xa... Khái quát lên là từ thu hẹp sang phát triển. Khái quát nữa là sự vật chuyển thuộc tính từ tiêu cực (âm) sang tích cực (dương). Điều này được thấy trong các lối nói trắng ra, béo ra, trẻ ra, khỏe ra, đẹp ra, tươi ra, đỏ đắn ra, xinh ra, tỉnh ra, ăn nên làm ra...
Ngược lại, từ vào dùng cho những hoạt động hướng tâm: co tay vào, nhìn thẳng vào sự thật, nhảy vào cuộc, nói vun vào, lãnh đạo cần gương mẫu để cho quần chúng còn nhìn vào...
Quan hệ không thấy được - thấy được chuyển thành quan hệ chưa biết - biết, phát hiện; giữ kín - bộc lộ. Từ ra để chỉ những gì ta biết, ta phát hiện: tìm ra đáp số; tìm ra thủ phạm; chỉ ra những chỗ sai; nhận ra người quen; nổ ra cuộc tranh luận. Từ ra còn trỏ những gì được bộc lộ: hiện ra, bày ra, làm rõ ra... Trong cờ tướng, “ra xe” là quân xe chuyển tới một vị trí mở (bộc lộ) rất rộng đường đi. Ý nghĩa “bộc lộ, phát hiện” của từ ra được xuất hiện trong hầu hết các quán ngữ, thành ngữ có từ ra: té ra, hóa ra, thì ra là, thế ra, ra bộ, ra mặt, ra tay, ra cái điều, ra đầu ra đũa, ra môn ra khoai... Từ vào để chỉ những gì chưa biết. Nói tên lửa bay lên vũ trụ vì vũ trụ là không gian cao trên đầu chúng ta; nhưng cũng nói tên lửa bay vào vũ trụ vì trước đây chúng ta hầu như chưa biết gì về vũ trụ. Chúng ta nói những sinh viên tốt nghiệp đại học và đi làm, nhưng chưa biết gì về cuộc sống, là những sinh viên mới vào đời.
Tới đây, chúng ta giải thích được lối nói ra Bắc vào Nam: Trong quá trình phát triển, dân tộc VN đi từ phía Bắc xuống phía Nam. Chúng ta sinh sống ở phía Bắc. Nơi ta sống là nơi ta biết. Đi tới phía Bắc trên đất nước ta là đi tới nơi ta biết nên mới nói ra Bắc. Ông cha ta đi khai khẩn, khám phá phía Nam là nơi chưa từng sinh sống nên chưa biết. Đi tới phía Nam là đi tới nơi ta chưa biết nên mới nói vào Nam. Mặt khác, tiến về phương Nam chủ yếu là tiến về nơi rừng núi rậm rạp cũng là chưa biết. Thế là hình thành lối nói “vào Nam ra Bắc”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận