Cuộc tranh cãi về những cái tên giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và các doanh nghiệp khởi nghiệp xem ra vẫn chưa có hồi kết. Một bên cho rằng đó là những cái tên “đa... cảm”, hoặc quá nhạy cảm, hay quá phản cảm nên không thể chấp nhận được! Còn bên kia lại cho rằng mình bị cố tình gây khó vì những quy định không rõ ràng, không nhất quán...
Cụ thể tại một hội nghị gần cuối năm 2013, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và đầu tư đã dẫn ra một số cái tên đã bị từ chối như Công ty cổ phần Ăn Mòn VN, Công ty TNHH Chín Tầng Mây, Văn phòng luật sư Trời Đất, Công ty TNHH cung cấp dịch vụ Sung Sướng ...
Vậy thì rốt cuộc trách nhiệm thuộc về ai?
“Trách nhiệm” trước hết thuộc về... tiếng Việt (!)
Khác với tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Nga, tiếng Việt không biến đổi về mặt hình thái, trong mọi cách dùng, trong mọi tình huống, với những chức năng ngữ pháp khác nhau mỗi tiếng mỗi từ đều có một dạng thức cố định, không thay đổi. Do vậy, mỗi từ, mỗi tiếng có thể kết hợp rất phong phú với các tiếng, các từ khác và phụ thuộc vào trật tự của chúng trong ngữ (tổ hợp từ), trong câu.
Rõ ràng với Người tôi yêu đã đi xa/ Người yêu tôi lại ở nhà, chán ghê (Phan Thị Thanh Nhàn), người tôi yêu và người yêu tôi là hai loại người cách nhau... nửa vòng Trái đất! Trong tiếng nước ta, “Ông ấy rút bút ra lâu lâu ghi ghi chép chép” là... một trời một vực với “Ông ấy rút bút ra ghi ghi chép chép lâu lâu”! Nếu không chú ý đầy đủ đến câu chuyện trật tự trong tiếng Việt, người nói, người viết có thể tạo ra những kết hợp trái ngược với ý mình: Tôi vô ý quá! Tôi không định nói thế! Tôi không có ý viết vậy!
GS.TS Nguyễn Đức Dân trong Tiếng Việt (dùng cho đại học đại cương - NXB Giáo Dục, 1997) đã phân tích cặn kẽ về vấn đề này và dẫn ra nhiều thí dụ thú vị làm bài tập thực hành thành thục cho sinh viên (và cho cả chúng ta): Hội nghị sinh viên quốc tế chống chế độ phát xít Chi - lê ủng hộ VN; Ăng - gô - la thực hiện chính sách không liên kết và hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa; Các thầy, các cô nên cố gắng thực hiện việc “trồng người” xã hội chủ nghĩa vì lợi ích trăm năm của Bác Hồ...
Cho nên một từ, kể cả tên riêng, khi đứng sau một động từ hoàn toàn có khả năng trở thành bổ ngữ hoặc trạng ngữ cho động từ đó!
Đó là lý do “nhạy cảm” của những Công ty cổ phần Ăn Mòn VN, Công ty TNHH Thêu Châu Á, Xí nghiệp Lắp ráp người tàn tật, Trung tâm luyện thi đại học Vĩnh Viễn, Cửa hàng chất đốt Thanh niên, Vọng gác Thanh Niên, nhà nghỉ Thiên Thu, Trạm dừng Bò sữa...
Một thời thiên hạ cãi nhau không dứt vì Xí nghiệp Đánh cá quốc doanh hay Xí nghiệp Quốc doanh đánh cá! Bởi vì ngoài biển, dưới sông làm gì có cá quốc doanh với cá... ngoài quốc doanh! Rồi lại Công ty Trâu bò trung ương khiến ai nấy cũng phải cười như mếu: xem ra trên đời này có đến hai loại trâu - trâu trung ương và trâu địa phương, và hai loại bò - bò trung ương và bò địa phương; và đương nhiên trâu trung ương, bò trung ương ắt là phải trình độ hơn trâu địa phương, bò địa phương một bậc!
“Thủ phạm” của câu chuyện này chính là việc một từ, kể cả tên riêng nếu đứng sau một danh từ/ danh ngữ, có khả năng trở thành định ngữ, bổ nghĩa trực tiếp cho danh từ/ danh ngữ đó: Công ty giống Thanh niên, Cửa hàng xay bột trẻ em, Phòng khám bệnh tập thể, Công ty Phần mềm Sài Gòn, Công ty Vệ Nữ VN, Công ty TNHH Điều hòa không khí VN...
Sự lựa chọn của văn hóa
Nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện Sở Văn hóa - thông tin TP.HCM không đồng ý với cái tên An Nam cho một quán cà phê mở ra cách đây hơn chục năm. Lý do rất chính đáng, đấy là một cái tên miệt thị mà người phương Bắc dùng để gọi dân tộc ta: cách gọi tắt của “An định Nam man” - vùng đất của bọn mọi rợ phía Nam đã bị dẹp yên. Khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp cố ý tiếp tục gọi nước ta là Annam và dân ta là annamite, cùng với một thái độ như thế! (xem An Nam và Annamite, mục Chuyện xưa - Chuyện nay, nguyệt san Pháp Luật TP.HCM, số 113, 8/2006). Ấy thế mà chính người xứ ta lại chọn lấy đó làm thương hiệu!
Nhìn từ khía cạnh văn hóa và pháp lý của chuyện đặt tên cũng thấy có chuyện khó xử. Tại TP.HCM, khi có doanh nghiệp đề nghị tên riêng là “Trà sữa tình nhân”, “Cà phê tình yêu”, thậm chí “Em yêu” thì cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ biết thuyết phục họ đặt tên khác chứ “không có cơ sở để không cấp đăng ký kinh doanh”. Nhưng lại có rất nhiều trường hợp tên doanh nghiệp rất... chướng hoặc gây phản cảm đã được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp nhận như DN tư nhân Trần Văn Cu (Tây Ninh), Công ty TNHH Ái Ân (Thừa Thiên - Huế)...”.
Việc đặt tên cho một doanh nghiệp rõ ràng cũng là một câu chuyện văn hóa. Chính các chủ doanh nghiệp chứ không ai khác phải tự trả lời rằng mình lựa chọn cách ứng xử nào với cái tên như là một thông điệp văn hóa đầu tiên của một thương hiệu: Công ty TNHH cung cấp dịch vụ Sung Sướng (đến đây thật là khó lòng kiềm chế... nhu cầu thỏa mãn!), Văn phòng luật sư Trời Đất (đúng là trời ơi đất hỡi!), Công ty TNHH Tràng Giang Đại Hải (khi nào mới kết thúc đây?) ...
Phép “biến hình” của chuyện đặt tên Chính cách kết hợp từ ngữ của tiếng Việt, trong một số trường hợp, đã mở “lối ra”, “lối thoát” cho các cơ sở dịch vụ/ kinh doanh nhờ vào phép “biến hình” của chuyện đặt tên... Trên bờ đê Hà Nội, có một cơ sở vật lý trị liệu của các bạn khiếm thị mang tên Tẩm quất Thật. Thật, như là tên riêng, nhưng cũng là lời tuyên bố, lời cam kết về dịch vụ tại đây: đàng hoàng, nghiêm túc, có kỹ thuật, không phải loại “tẩm là phụ, còn... quất mới là chính”! Tại Vũng Tàu, có anh chàng hăng hái lao vào tiệm Massage Thái, mấy tiếng sau bực bội, khó chịu bước ra và phản ứng với quản lý: Ở đây mátxa chẳng ra cái kiểu nào hết! Câu trả lời của nhà - mát là: tiệm em tên Thái chứ không phải làm theo kiểu Thái, anh ơi! Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) có Khách sạn Còn Phòng, nhưng vào mùa cao điểm quá tải du khách, có thể bạn sẽ lâm vào cảnh bị mời ra ngay từ vòng gửi xe vì chủ khách sạn sẽ nhẹ nhàng xin lỗi: khách sạn em tên là Còn Phòng, nhưng hôm nay nhà em đã hết cả phòng rồi bác ạ! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận