20/09/2005 17:55 GMT+7

Triển vọng của tiểu thuyết, nhìn từ một cuộc thi

BÙI VIỆT THẮNG (Báo Nhân Dân)
BÙI VIỆT THẮNG (Báo Nhân Dân)

Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ hai của Hội Nhà văn VN dường như là "cuộc tự vượt đáng trân trọng". Phải thừa nhận rằng, cuộc thi tiểu thuyết lần thứ hai (2002-2004) do Hội Nhà văn VN tổ chức có cái bề thế của nó.

vZS0DveA.jpgPhóng to
Bìa tiểu thuyết Tường thành

Không phải là căn cứ vào số lượng tác giả, tác phẩm dự thi (200 tác phẩm của 150 tác giả), là những luận đề - xã hội văn học được tiểu thuyết chuyên chở.

Nhiều tác giả có khát vọng muốn tổng kết đời văn, muốn khái quát nghệ thuật đời sống ở cả bề rộng lẫn bề sâu như Ðào Thắng với Dòng sông mía, Từ Nguyên Tĩnh với Cõi người, Xuân Ðức với Bến đò xưa lặng lẽ, Trần Văn Tuấn với Rừng thiêng nước trong, Nguyễn Khắc Phục với Ma nữ, Vũ Huy Anh với Trăm năm thoáng chốc, Hoàng Ðình Quang với Cánh đồng lưu lạc...

Một số nhà văn có ý đồ tổng kết chiến tranh bằng hình tượng nghệ thuật qua loại hình tiểu thuyết có tính chất sử thi như Nam Hà với Ngày rất dài, Hồ Phương với Những cánh rừng lá đỏ...

Có tác giả lần đầu trình làng tiểu thuyết và thành công như Mạc Can với Tấm ván phóng dao. Tuy chưa phải là tác phẩm vạch lối, mở đường nhưng với tiểu thuyết này, Mạc Can đã tạo ra một hiện tượng văn chương ngoạn mục. Có vẻ nhẹ về luận đề xã hội, có vẻ chất liệu đời sống cũng không bề thế và kỹ thuật tiểu thuyết ít được chú ý nhưng tác phẩm lại chinh phục được bạn đọc.

Có nhiều người nói, Mạc Can được "trời cho" một "tấm ván phóng dao". Vấn đề số phận con người, hay nói là kiếp người cũng được, hiện lên qua từng trang sách sao xót xa, lận đận, trớ trêu. Buồn nhiều khi đọc, nhưng lại thấy lóe lên một điều gì đấy - đó là sự "ngộ ra chân lý".

Có tác giả trẻ lật lại quá khứ, soi sáng lịch sử như Nguyễn Xuân Hưng với An lạc dưới trời và đã chớm thành công khi tác phẩm đoạt giải thưởng loại B (ý tưởng là táo bạo nhưng khi thể hiện ra câu chữ có vẻ như tác giả trẻ này nhiều chỗ học đòi lối viết của một nhà văn thành danh đàn anh nổi tiếng trong lĩnh vực truyện ngắn hiện nay).

Rất tiếc là những tác phẩm "áp sát" đời thường và cuộc sống của con người thời nay còn hiếm hoi. Mặc dầu Ngụ cư của Thùy Dương, Tìm trong nỗi nhớ của Lê Ngọc Mai, Cỏ lông chông của Ðình Kính đã động chạm đến nhiều góc khuất của đời sống hiện đại, nhưng những tác phẩm như thế còn chiếm tỷ lệ thấp trong số tác phẩm dự thi và đoạt giải.

Tường thành của Võ Thị Xuân Hà viết sắc bén, gay cấn và táo bạo, vì thế có nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Cố gắng của con người để phá bỏ những rào cản, những thành trì bảo thủ, những định kiến vô lý được thể hiện qua đời sống của một số nhân vật mà "chất thị dân" rất rõ. Tác giả có lối viết hoạt, dựng cảnh và viết đối thoại uyển chuyển, gọn ghẽ. Lối viết đi thẳng vào vấn đề và tận cùng các chi tiết làm cho tác phẩm có độ căng kịch tính.

Ai đó nói chí lý rằng, nhà tiểu thuyết như một nhà thám hiểm. Soi vào cuộc thi này, điều đó được kiểm chứng khá rõ.

Ðào Thắng đã thám hiểm một vùng nông thôn trồng mía, vào tầng sâu văn hóa, phong tục của người nông dân làm nghề sản xuất mía đường. Hơn nữa, nhà văn thám hiểm vào thế giới bản năng, vô thức đã chi phối con người hành động. Xuân Ðức "thám hiểm" vào cõi người chết để tìm manh mối câu chuyện rồi để cho người chết lên tiếng. Nguyễn Khắc Phục thám hiểm những góc khuất của đời sống ngay trong cả những con người có địa vị, trách nhiệm xã hội cao, phát hiện ra cái bi kịch luôn rình rập họ như những bóng ma...

Nhờ những cuộc "thám hiểm" này mà không gian của tiểu thuyết được mở rộng và thời gian được ý thức trong mối quan hệ chặt chẽ với không gian sinh tồn của con người.

Dĩ nhiên là chưa có bước đột phá, thậm chí có người cho rằng tiểu thuyết chỉ mới "nhúc nhích" nhưng nên so sánh với cuộc thi tiểu thuyết lần thứ nhất (1998-2000), thì cuộc thi lần thứ hai có quy mô, hiệu quả khả quan.

Với tinh thần cầu thị "có hoa mừng hoa" "có nụ mừng nụ"..., chúng ta trân trọng những thành quả lao động nghệ thuật của các nhà văn viết tiểu thuyết hiện nay, họ phải làm việc trong một điều kiện có quá nhiều sức ép về thói quen, về môi trường văn hóa, và đặc biệt là người đọc (hiểu biết, khó tính, thông minh và có phần đỏng đảnh).

Có người, khi nhận xét về cuộc thi tiểu thuyết lần thứ hai, đã hạ một câu "xanh rờn", rằng, các nhà văn ở ta chưa biết viết tiểu thuyết. Thật ra đó là một cách nói lấy được vì tôi dám chắc người đó đọc được rất ít các tiểu thuyết dự thi lần này (mà cũng chỉ cần đọc 34 tác phẩm vào chung khảo cũng đã là một núi việc, đòi hỏi có thời gian và sự làm việc nghiêm túc).

Ý đồ sáng tác, chất liệu dồi dào và nhiều yếu tố khác vẫn chưa quyết định sự thành công một cuốn tiểu thuyết. Dăm mười năm trở lại đây chúng ta đã dịch khá nhiều sách chuyên biệt về tiểu thuyết của các tác giả nước ngoài cũng như sưu tập khá đủ các ý kiến, kinh nghiệm viết tiểu thuyết của các nhà văn VN thế kỷ 20.

Về một khía cạnh, như thế là kỹ thuật viết tiểu thuyết - về lý thuyết - đã khá đầy đủ. Vậy khi lý thuyết đủ, vốn sống dồi dào, cơ chế in ấn cởi mở, bạn đọc có tiền và có trình độ thì nhà tiểu thuyết còn thiếu điều gì để làm cho tác phẩm của mình thành công? Tôi nhớ nhà văn Hữu Mai đã hơn một lần phát biểu, nhấn mạnh : "Tiểu thuyết của ông là dạng tiểu thuyết - tư liệu ( từ Cao điểm cuối cùng đến Vùng trờiÔng cố vấn...).

Theo nhà văn thì ông sợ trí tưởng tượng của mình chưa đủ tầm cỡ để dẫn dụ bạn đọc cùng nhân vật đi vào một "hiện thực thứ hai". Có thể đây là một ý kiến đáng suy nghĩ đối với nhà tiểu thuyết. Nếu chạy theo kỹ thuật thuần túy có thể rơi vào "kỹ trị", vì bất kỳ một sự cách tân văn học nào cũng bắt đầu từ sự khám phá nội dung mới.

Nhà văn Nga hiện đại I.Bôn-đa-rép - tác giả nhiều tiểu thuyết nổi tiếng đã dịch sang tiếng Việt, đã có một nhận xét chí lý: "Ý nghĩa của văn học là ở sự tìm tòi chân lý, mà bất kỳ một sự tìm tòi sâu sắc nào cũng đã đủ nghiêm túc để vượt ra ngoài cái gọi là hợp mốt hay không hợp mốt: đối với một sự tìm tòi sâu sắc thì những khoảng hạn nhất thời là chật hẹp và việc đi vào những tiểu xảo khuôn sáo là không thể chấp nhận được".

Cái gọi là trí tưởng tượng, khả năng hư cấu, "bịa đặt" là thứ của hiếm "trời cho" như trường hợp văn tài, tiểu thuyết gia Vũ Trọng Phụng, ở độ tuổi 25 (năm 1936) viết liền "bộ tam kiệt tiểu thuyết": Số đỏ, Giông tốVỡ đê. Nguyên Hồng viết Bỉ vỏ (1938) lúc 20 tuổi; Nam Cao viết Sống mòn (1944) lúc 27 tuổi...

Các bậc tiền bối này viết văn, đặc biệt viết tiểu thuyết "cứ như chơi" dường như không mấy quan tâm cái gọi là kỹ thuật. Nhưng thật ra là có kỹ thuật, thứ kỹ thuật nhờ tài năng thiên bẩm.

Ðọc tiểu thuyết của các nhà văn VN thời hiện đại từ Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Bảo Ninh... sẽ thấy kỹ thuật của họ là cao tay như nhiều nhà nghiên cứu đã xác định (chẳng hạn Bảo Ninh trong Thân phận tình yêu đã vận dụng dòng ý thức, kỹ thuật lắp ghép của điện ảnh...). Nhưng cái "hồn cốt" của những tác phẩm thành công, có âm hưởng như Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu (lại có vẻ như rất cũ về kỹ thuật) là ở tính vấn đề (luận đề xã hội), ở số phận nhân vật, ở chất phong tục, chất tâm lý của tác phẩm.

14 tác phẩm đoạt giải (từ A, B đến tặng thưởng), quả là chưa nhiều, chưa trội về kỹ thuật tiểu thuyết. Nhưng quan sát kỹ lưỡng sẽ thấy kỹ thuật của Thùy Dương trong Ngụ cư, của Nguyễn Khắc Phục trong Ma nữ, Xuân Ðức trong Bến đò xưa lặng lẽ, Ðào Thắng trong Dòng sông mía, Võ Thị Xuân Hà trong Tường thành.

Vì thế nói kỹ thuật tiểu thuyết chưa cao thì đúng hơn là nói nhà văn không biết viết tiểu thuyết.

Còn hiếm hoi các nhà tiểu thuyết trẻ trong cuộc thi lần này (và nhìn rộng ra là trong nền văn học đương đại). Chỉ có ba tác giả trẻ: Nguyễn Xuân Hưng, Lê Ngọc Mai và Võ Thị Xuân Hà. Ðiều này không có gì lạ và không đáng lo ngại vì trong lĩnh vực tiểu thuyết đòi hỏi độ chín hơn trong lĩnh vực thơ và truyện ngắn, vốn là nơi người viết dễ lóe sáng từ đầu.

Trong thế kỷ 21 này, nền tiểu thuyết VN đang trông cậy vào một thế hệ nhà văn mới trẻ và "khỏe", chính là tài năng văn chương. Có thể mở trường lớp đào tạo một cách chính quy như vừa qua, nhưng quan trọng hơn là xã hội tạo ra môi trường nghề nghiệp thuận lợi để họ lao động nghệ thuật, một không khí, một quang cảnh nghề nghiệp nhiều hưng phấn và kích thích sáng tạo như văn đàn thời kỳ 1930-1945.

Trong lĩnh vực văn học, nếu cứ sau khoảng mười năm mới xuất hiện một tên tuổi, một tác phẩm đáng nhớ, đáng đọc cũng là lẽ bình thường. Những cao trào của tiểu thuyết trong văn học hiện đại VN (tính từ sau 1945, cũng là chu kỳ cả chục năm một). Sẽ xuất hiện một cao trào mới của tiểu thuyết là vào cuối thập kỷ đầu thế kỷ 21 (chẳng hạn vào những năm 2008 - 2012).

Những nhà tiểu thuyết trẻ ở đâu? Chúng ta phải chờ đợi họ.

BÙI VIỆT THẮNG (Báo Nhân Dân)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên