08/01/2019 10:10 GMT+7

Triển khai chậm thu phí không dừng: Nhà đầu tư sợ minh bạch!

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc triển khai thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC) trên các trạm BOT chậm trễ so với yêu cầu của Thủ tướng, có lý do một số nhà đầu tư ngại sự minh bạch nên lần lữa thực hiện.

Triển khai chậm thu phí không dừng: Nhà đầu tư sợ minh bạch! - Ảnh 1.

Nộp tiền trả phí tại một trạm thu phí ở tỉnh Bình Dương - Ảnh: NGUYỆT NHI

Lý do thứ nhất là năng lực của nhà cung cấp dịch vụ ETC chưa đáp ứng được yêu cầu. Thứ hai là do một số nhà đầu tư dự án BOT ngại sự minh bạch nên lần lữa thực hiện.

Kế hoạch 44, thực hiện 26

Ngày 14-12-2015, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư dự án thu phí tự động (ETC) giai đoạn 1 trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (quốc lộ 14) theo hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). 

Theo đó, các nhà cung cấp hệ thống ETC sẽ đầu tư hệ thống này tại các trạm BOT thông qua việc ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư BOT và hưởng phần chi phí quản lý, tổ chức thu phí.

Với dự án ETC giai đoạn 1, có 28 trạm BOT trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 sẽ được triển khai thu phí ETC. Đến tháng 3-2017, Thủ tướng có quyết định yêu cầu đến 31-12-2018, toàn bộ trạm BOT trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 phải áp dụng ETC để tạo thuận lợi trong lưu thông và minh bạch trong thu phí.

Sau khi được Bộ GTVT rà soát, bổ sung, giai đoạn 1 được nâng lên tổng cộng 44 trạm phải thực hiện ETC. Tuy nhiên, đến hết năm 2018, chỉ có 26 trạm BOT với 91 làn ETC được đưa vào vận hành.

Ông Tô Nam Toàn - vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của Tổng cục Đường bộ - đánh giá với 26 trạm đưa vào khai thác vận hành ETC trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 như vậy là đã thành công bước đầu. Tuy nhiên, ông Toàn thừa nhận so với mong muốn của Bộ GTVT và người dân là đưa hết tất cả các làn thu phí của các trạm trên vào thu phí ETC thì chưa đạt yêu cầu.

"Tổng cục Đường bộ sẽ cố gắng làm cho bằng được vấn đề này trong năm 2019 để đáp ứng mong muốn của người dân, Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ" - ông Toàn quả quyết.

Triển khai chậm thu phí không dừng: Nhà đầu tư sợ minh bạch! - Ảnh 2.

Trạm thu phí An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1, TP.HCM luôn kẹt cứng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cản trở việc triển khai

Theo ông Tô Nam Toàn, nguyên nhân dẫn đến tiến độ triển khai hệ thống ETC chưa đạt mong muốn là do năng lực của nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC chưa đáp ứng được và một số nhà đầu tư dự án BOT giao thông không tích cực triển khai.

Còn về sự phối hợp của các chủ dự án BOT trong thực hiện ETC, ông Toàn cho biết có nhiều nhà đầu tư BOT tích cực triển khai ETC, nhưng cũng có không ít chủ đầu tư BOT bằng cách này hay cách khác gián tiếp cản trở việc triển khai ETC. 

"Chúng tôi đánh giá một cách khách quan là cũng có một số nhà đầu tư ngại sự minh bạch, nhưng có một số nhà đầu tư lo ngại không kiểm soát được các nhà cung cấp dịch vụ ETC thu phí hộ do chưa có hiểu biết sâu sắc. 

Ví dụ, có nhà đầu tư BOT yêu cầu họ để một hệ thống song song với hệ thống ETC với mục đích giám sát, nhưng họ không hiểu được các vấn đề kỹ thuật khi đặt 2 hệ thống song song với nhau như: các vòng từ sẽ ảnh hưởng lẫn nhau, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ ETC… Những lý do đó làm dự án ETC giai đoạn 1 không đảm bảo tiến độ ban đầu" - ông Toàn giải thích.

Lý do thứ ba là do phương án tài chính ban đầu của các dự án ETC không đảm bảo nên Bộ GTVT phải có văn bản báo cáo Thủ tướng xin điều chỉnh cơ chế tổ chức thu đối với dịch vụ ETC. Sau khi Thủ tướng đồng ý, bộ mới tiếp tục triển khai dự án giai đoạn 1 và 2 nên cũng dẫn đến chậm tiến độ.

Theo ông Toàn, để triển khai hệ thống ETC trong năm 2019 đáp ứng được tiến độ đề ra, Tổng cục Đường bộ cần tập trung triển khai kết nối trung tâm dữ liệu liên thông giữa hai nhà cung cấp dịch vụ ETC với ngân hàng. 

Đồng thời giải quyết những vướng mắc trong đàm phán phụ lục hợp đồng với các nhà đầu tư BOT triển khai ETC, yêu cầu các nhà đầu tư BOT phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ ETC triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng liên quan đến các dự án BOT. Ông Thể yêu cầu đến 31-12-2019 phải chấm dứt thu phí thủ công, tất cả trạm BOT trên cả nước phải thu phí ETC như quyết định của Thủ tướng.

Triển khai chậm thu phí không dừng: Nhà đầu tư sợ minh bạch! - Ảnh 3.

Dữ liệu: TUẤN PHÙNG - Đồ họa: TẦN ĐẠT

3 kênh giám sát thu phí

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, hiện nay Tổng cục Đường bộ đã chọn nhà thầu của VNPT để giám sát toàn bộ việc truyền dữ liệu của các trạm thu phí ETC về Tổng cục Đường bộ.

Như vậy, việc thu phí ETC sẽ có 3 kênh giám sát: nhà đầu tư BOT giám sát nhà cung cấp dịch vụ ETC, VNPT giám sát việc truyền dữ liệu thu phí đến cơ quan liên quan và Tổng cục Đường bộ giám sát thông qua việc quản lý dữ liệu thu phí.

Khó gian lận vì dữ liệu được công khai

Liên quan tới câu hỏi "triển khai hệ thống thu phí ETC có tránh được tình trạng gian lận doanh thu như Công ty Yên Khánh ở đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương?", ông Tô Nam Toàn cho biết với hệ thống ETC, một trong những lợi ích đem lại là sự minh bạch, công khai đối với nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước cũng như toàn bộ người dân.

Bởi vì dữ liệu thu phí ETC sẽ được cung cấp công khai trên hệ thống để nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC và người đóng phí biết.

Khi xe lắp thẻ ETC đi qua trạm thu phí thì hệ thống gửi tin nhắn đã trả tiền phí cho chủ xe. Đồng thời gửi thông tin giao dịch đó vào hệ thống dữ liệu của nhà đầu tư BOT, ETC và cơ quan quản lý nhà nước.

Còn tiền thu phí chuyển vào ngay tài khoản thu phí chung của ngân hàng trước khi phân bổ cho từng dự án. Do vậy, một bên đơn phương xóa dữ liệu cũng không được nên sẽ ngăn chặn được việc đơn vị thu phí tự thu, sau đó dùng phần mềm chỉnh sửa dữ liệu để gian lận.

Ông Vũ Ngọc Thảo (giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): Giúp xem xét lại thời gian hoàn vốn BOT

ong-vu-ngoc-thao-gd-so-gtvt-tinhbrvt-2-3read-only-15469095674121983159866

Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương thu phí không dừng và cần phải triển khai làm nhanh. Các nhà đầu tư BOT muốn kéo dài thời gian thu vốn bằng cách giấu doanh thu, giấu lưu lượng xe qua trạm.

Các số liệu như xe qua trạm, tiền thu được bao nhiêu không có bên thứ ba giám sát nên phản ánh không chính xác, không thật.

Những cái này đã nhân lên sự thất thoát, lãng phí về đầu tư BOT và đặc biệt việc kéo dài thu phí bằng những số liệu không chính xác thì người dân sẽ chịu thiệt nhiều nhất, phải oằn lưng mua phí giao thông trong thời gian dài hơn so với thực tế đầu tư.

Việc thu phí không dừng cũng để cơ quan chức năng đánh giá lại quá trình thực hiện các dự án BOT giao thông vừa qua đúng hay sai. Và quan trọng nhất là để xem xét lại thời gian thu hồi hoàn vốn của các dự án BOT.

Ngoài ra, thu phí BOT bằng hình thức mua vé như hiện nay làm lãng phí thời gian của người tham gia giao thông, nếu cộng lại thì đó là sự lãng phí cực lớn. Do đó phải công khai, minh bạch bằng cách thu phí không dừng. Từ đó để người dân tin tưởng vào dự án BOT vì đây là chủ trương đúng, cần nhân rộng.

ĐÔNG HÀ ghi

Đủ lý do chậm triển khai thu phí tự động Đủ lý do chậm triển khai thu phí tự động

TTO - Các nhà đầu tư dự án BOT nói gì về việc chậm triển khai thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên