Ông DJ Koh (giữa) - chủ tịch và là người đứng đầu ngành hàng CNTT & truyền thông di động tại Công ty Điện tử Samsung, cùng đoàn nhân viên đến từ Việt Nam - Ảnh: Samsung cung cấp
Với chuyến đi đến Barcelona (Tây Ban Nha) để tham dự một sự kiện tầm cỡ thế giới: lễ ra mắt toàn cầu chiếc điện thoại Galaxy S9 - sản phẩm mới nhất của Samsung, có lẽ đây chính là một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của tám nhân viên nhà máy Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên – những người đại diện cho một thế hệ lao động trẻ Việt Nam khi góp phần tạo ra những sản phẩm cao cấp có giá trị toàn cầu.
Trước chuyến đi "như trong mơ" này, các bạn đều chưa từng đi nước ngoài, thậm chí có người chưa một lần được đi máy bay. Chuyến xuất ngoại đầy bất ngờ mà công ty Samsung dành cho họ như một sự tri ân với những đại diện xuất sắc nhất đã gắn bó từ những ngày đầu khi nhà máy đầu tiên của Samsung đi vào hoạt động tại VN.
Có thể nói, sự trưởng thành của họ gắn liền với sự thành công của những chiếc điện thoại mà Samsung ra mắt thị trường, trong đó Galaxy S9 với nhiều tính năng đột phá được dự kiến sẽ là một dấu ấn nổi bật khác nữa của Samsung.
Từ con số 0 đến công nghệ cao
0g00 ngày 26-2 (giờ VN), bộ đôi Galaxy S9|S9+ của Samsung đã chính thức ra mắt, khởi động thị trường điện thoại flagship 2018.
Chiếc điện thoại này được thiết kế để phục vụ cho nhu cầu giao tiếp và thể hiện bản thân thông qua hình ảnh, video và emoji, camera tiên tiến với ống kính khẩu độ kép ứng dụng cho camera chụp thiếu sáng, chế độ quay video siêu chậm Super Slow-mo và tính năng tạo biểu tượng cảm xúc cá nhân thông minh AR Emoji.
Nền tảng trí tuệ nhân tạo Bixby của Samsung được tích hợp vào camera, sử dụng công nghệ thực tế tăng cường và tự động học hỏi để cung cấp các thông tin hữu ích về môi trường xung quanh người dùng.
Là một trong những công nhân lứa đầu tiên của nhà máy Samsung Bắc Ninh, Phạm Thị Hằng đã có 8 năm và 3 tháng làm việc tại đây - nơi đầu tiên, cũng là duy nhất cô gắn bó sau khi tốt nghiệp THPT. 18 tuổi, chưa có kỹ năng nghề nghiệp nào trong tay, Hằng vào Samsung làm việc khi nhà máy đầu tiên vừa mở ngay gần nhà.
Trải qua một khoá huấn luyện ngắn, Hằng bước vào công việc thực thụ tại phân xưởng, bắt đầu từ những công việc đơn giản đến những công việc đòi hỏi sự lành nghề, chuyên môn cao hơn. "Lúc đầu không thể hình dung mình có thể làm được những sản phẩm công nghệ cao" - cô gái trẻ này vẫn không thể nào quên cảm giác vừa kinh ngạc vừa xúc động khi lần đầu tiên nhìn thấy một chiếc smart phone thuộc dòng sản phẩm mình tham gia lắp ráp được bày bán trong cửa hàng.
Cũng như Hằng, Nguyễn Thị Hậu đã có 9 năm làm việc ở Samsung và từng tham gia công đoạn sản xuất bo mạch trong những dòng flagship trước đó như Galaxy S6, S7, S8. Hậu được chọn vào dây chuyền sản xuất bo mạch Galaxy S9 ở nhà máy Samsung Bắc Ninh.
Tại đây, Galaxy S9 cũng như nhiều dòng flagship được ra đời theo một qui trình trọn vẹn, từ sản xuất linh kiện đến lắp ráp thành những sản phẩm hoàn thiện.
Điều đó chứng tỏ trình độ tay nghề, chuyên môn cũng như các khâu đảm bảo kỹ thuật trong dây chuyền sản xuất và kiểm tra, đánh giá tại các nhà máy ở Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hãng trên toàn cầu.
Những tuyệt phẩm từ bàn tay người Việt
Với gần 9 năm gắn bó với nhà máy Samsung Bắc Ninh và là một trong số những người được tin tưởng lựa chọn vào dây chuyền sản xuất những chiếc Galaxy S9 đầu tiên, Nghiêm Đình Xuân Hùng là người trực tiếp trải nghiệm những chi tiết bản mạch của. Hùng cho biết anh tâm đắc nhất ở chiếc Galaxy S9 ở vẻ đẹp tinh xảo, camera kép, cấu hình cao …
Hùng tự hào nhìn nhận: "Sự ra đời của chiếc điện thoại này và các dòng điện thoại cao cấp trước đó từ các nhà máy của Việt Nam đã nói lên tất cả về trí tuệ, kỹ năng, tay nghề của lao động Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao".
Giây phút ông Koh giơ chiếc điện thoại lên để giới thiệu đó là 1 khoảnh khắc đáng tự hào đối với các công nhân tham gia sự kiện này. Ảnh : SS cung cấp
Hoàng Trung Thành từ Phú Thọ đầu quân vào Samsung năm 2008, bắt đầu làm việc bộ phận Main G và là một trong số những người đầu tiên của Samsung VN được đào tạo tại Ấn Độ.
Đến nay, Thành đã là group leader bộ phận Main G, quản lý khoảng 7.000 công nhân tại nhà máy Samsung Thái Nguyên và được chọn trực tiếp điều hành sản xuất model S9, tham gia công đoạn lắp ráp kiểm tra và xuất xưởng những chiếc Galaxy S9 đầu tiên.
Thành cho biết anh "tâm đắc nhất tính năng "màn hình vô cực", kèm theo đó là hình ảnh chụp từ máy này không thua chất lượng của máy ảnh chuyên nghiệp, bởi trong điều kiện thiếu sáng mà vẫn chụp ảnh sắc nét".
Thành chia sẻ thêm: "Ngày đầu tiên được chọn sản xuất model mới này thì cảm giác run run nhưng bây giờ lại tràn ngập cảm giác tự hào khi sản phẩm từ tay những người lao động VN đã trở thành tuyệt phẩm được chào đón khắp thế giới".
Bằng những trải nghiệm của bản thân, đánh giá về khả năng chuyên môn, kỹ năng, tay nghề của lao động VN trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là đội ngũ nhân sự góp phần tạo ra dòng sản phẩm Galaxy S9, các công nhân này tự tin cho biết: "Đội ngũ quản lý người Việt luôn năng động, nhiệt huyết, không ngoại khó khăn, luôn suy nghĩ, cải tiến bắt nhịp với sự thay đổi không ngừng của công nghệ, của Samsung để tạo ra những sản phẩm ngày càng hoàn hảo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cấp của khách hàng trên toàn thế giới. Còn đội ngũ nhân viên sản xuất chúng tôi là những con người chăm chỉ chịu khó, tay nghề khéo léo. Chúng tôi tin rằng chúng tôi còn có thể làm được những tuyệt phẩm cao cấp hơn trong tương lai".
Tạo công ăn việc làm cho hơn 160.000 lao động
Tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn bộ các nhà máy Samsung tại Việt Nam năm 2017 đạt hơn 54 tỉ USD. Các sản phẩm công nghệ cao của Samsung gắn "Made in Vietnam" đã được xuất khẩu đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Tính đến thời điểm này, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam là hơn 17 tỉ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 160.000 lao động.
Doanh nghiệp đào tạo chuyên môn cho người lao động
Nữ công nhân làm việc tại nhà máy Samsung ở Việt Nam - Ảnh: Samsung cung cấp
Theo PGS Huỳnh Quyền (phó trưởng ban KHCN, ĐH Quốc gia TP.HCM), lao động Việt Nam, nhất là lực lượng lao động trẻ, là những người khéo léo, sáng tạo và chăm chỉ, hoàn toàn đủ khả năng tham gia các chuỗi sản xuất những sản phẩm công nghệ cao đạt chuẩn của thế giới.
Hiện nay, lao động trẻ Việt Nam khi rời ghế nhà trường, kể cả trường nghề thì chủ yếu vẫn chỉ có kiến thức lý thuyết, do nhà trường chưa có đủ điều kiện cập nhật các công nghệ hiện đại, liên tục được thay đổi tại các nhà máy sản xuất công nghệ cao. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo chuyên môn, tay nghề cho người lao động ngày càng quan trọng.
"Trong thời gian tới, khi thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta cần khuyến khích những mô hình nhà đầu tư thực hiện đào tạo người lao động nâng cao trình độ, tay nghề, gia tăng hàm lượng công nghệ cao. Mặt khác, tôi cũng cho rằng không thể mãi dừng ở việc người lao động Việt Nam chỉ được đào tạo thao tác lành nghề, thực hiện lắp ráp...
Dần dần, các doanh nghiệp cũng nên quan tâm đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao hơn, tham gia vào quá trình sáng tạo, chế tạo ra các sản phẩm công nghệ cao", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận