14/04/2017 15:44 GMT+7

​Trị ho cho bé từ quả tắc

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Ho là bệnh chứng thường gặp nhiều vào tiết lập đông và khi trời hơi se lạnh, tỷ lệ bệnh đường hô hấp thường gia tăng nhanh nhất là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Sử dụng các loại thảo dược để thay thế cho các kháng sinh hoặc các loại thuốc ho tân dược là điều nên khuyến khích. Nhiều cây cỏ có ích cho việc phòng bệnh đường hô hấp rất dễ tìm và dễ chế biến, thích hợp cho trẻ em cũng như người lớn. Thảo dược dễ tìm và hiệu quả cao đó là quả tắc.

Tắc hay còn được gọi là Quất (Citrus fortunella, họ Rutaceae) từ lâu đã được đánh giá là một loại quả có giá trị dinh dưỡng cao trong nhóm trái cây thuộc chi Citrus. Do thành phần quả tắc chứa nhiều chất có lợi cho cơ thể nên tắc giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính.

Theo Đông y, trái tắc vị chua ngọt, tính ấm, có tác dụng hóa đờm hạ khí, chữa ho do phong hàn, hen suyễn, cảm, sổ mũi, ho. Y học hiện đại đã nghiên cứu trên lâm sàng tắc có các tác dụng chữa ho, viêm họng, nặng ngực, khó thở, khô cổ, đờm ứ, phòng bệnh cảm cúm và các bệnh thuộc đường hô hấp.

Chế biến tắc có nhiều dạng:

- Tắc chưng đường phèn hoặc mật ong (dùng tốt cho trẻ em): quả tắc chín 2 trái, cắt ngang cho vào chén cùng với ít đường phèn hoặc mật ong, đem hấp chín, nghiền nát, để nguội uống 3 lần trong ngày.

- Tắc, gừng, tần dày lá, chưng đường phèn hoặc mật ong, lấy 2 trái tắc cắt đôi, khoảng 10 lá rau tần, cắt nhỏ, thêm 3 lát gừng mỏng, hấp chung với một muỗng mật ong hoặc ít hạt đường phèn, chưng cách thủy trong 10 phút, uống nước thuốc lúc còn ấm. Mỗi ngày làm 2-3 lần.

- Tắc ngâm đường:

+ Cách 1: khoảng 1kg tắc thái mỏng và bỏ bớt nước chua, lựa trái vàng đều đẹp, rửa sạch, thái mỏng và bỏ hột, xếp vào lọ, cứ 1 lớp tắc lại rải một lớp đường phèn, sau đó đậy nắp kín đến khi thấy có dung dịch sệt như xi rô. Pha nước ấm quậy đều uống và nhai luôn cả vỏ có tác dụng chữa ho, thông phế.

+ Cách 2: quả tắc chín 1kg rửa sạch, để ráo nước. Dùng kim sạch châm sâu vào quả 5 - 6 lỗ, rồi cho vào lọ rộng miệng cùng với đường cát 2kg, cứ một lớp tắc lại một lớp đường. Đậy kín, để trong 7 ngày, được dịch nước đường như xi rô màu vàng, mùi thơm.

Khi dùng, lấy 1 - 2 muỗng pha với 150ml nước đun sôi để nguội khuấy đều mà uống. Giải nhiệt, bổ dưỡng, giúp dễ tiêu hoá.

- Tắc muối:

Tắc mua về rửa sạch, đem phơi 1 nắng cho hơi héo da, bỏ vào hủ sành hoặc lọ thủy tinh lớn, 1 chén tắc, phủ lên 1/2 chén muối sạch, rồi lại 1 chén tắc, 1/2 chén muối từng lớp cho đến khi đầy hủ, đậy kín nắp, đem ra phơi nắng, khi nào thấy nước tắc bắt đầu tươm ra vàng ươm, trái tắc trở màu nâu vàng là dùng được. Nên thêm vào 50g cam thảo thì tốt. Tắc muối rất tốt chữa các bệnh ho, hen suyễn, khò khè. Đem dầm đá đường uống giải nhiệt cho mùa hè rất tốt.

Các công dụng khác của quả tắc:

- Chữa bụng nê trệ, đầy trướng do ăn nhiều chất béo: quả tắc 50g, sắc uống trong ngày. Cách thứ 2 là lấy khoảng 10 quả ngâm trong 500ml rượu nếp trắng trong 15 ngày, uống trước mỗi bữa ăn 15-20 ml, dùng liên tục trong nhiều ngày.

- Chữa nôn mửa: vỏ quả tắc tươi 9g, phối hợp với gừng tươi nướng vàng 9g, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày để chữa nôn mửa. Để chữa nghẹn nấc ở người cao tuổi, lấy 20g vỏ, phơi hoặc sấy khô, tán bột rồi uống với nước ấm.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên