Nhằm chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, mới đây Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu các cục thuế theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin các doanh nghiệp có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook, Apple, Amazon..., doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng trực tuyến, kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến thông qua ứng dụng Booking.com, Agoda...
Ngoài ra, doanh nghiệp thanh toán cho các nhà thầu nước ngoài, tổ chức và điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Shopee..., điều hành các ứng dụng (app) trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển cũng vào diện theo dõi, rà soát. Song song đó là rà soát tài khoản ngân hàng, đối chiếu thông tin dữ liệu để kịp thời phát hiện các trường hợp có phát sinh nghĩa vụ kê khai, nộp thuế nhưng chưa thực hiện.
Đây là động thái quyết liệt tiếp theo của ngành thuế sau khi mở cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế xuyên biên giới.
Thương mại điện tử là lĩnh vực rất rộng, không chỉ bao gồm các "ông lớn" nước ngoài và các cá nhân, doanh nghiệp có phát sinh giao dịch xuyên biên giới với họ mà còn có cả hoạt động kinh doanh mua bán qua mạng ở trong nước.
Dịch COVID-19 vừa qua khiến thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi chóng mặt, thay vì tương tác và mua bán trực tiếp thì mọi thứ được chuyển lên mạng. Theo thống kê, gần 50% dân số Việt Nam sử dụng thương mại điện tử. Do vậy, nếu khai thác hiệu quả thì đây chính là "nồi cơm Thạch Sanh" giúp bổ sung nguồn thu mới cho ngân sách trong bối cảnh nhiều ngành khác đang gặp khó khăn do dịch.
Nhưng thời gian qua, có vẻ ngành thuế cứ loay hoay với mảng thu còn quá mới mẻ này.
Cũng có nhiều giải pháp đã đưa ra nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi do ít nhiều ngành thuế vẫn duy trì cách thu như các lĩnh vực truyền thống. Theo nhiều chuyên gia, những chính sách ban hành gần đây của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã đúng hướng, điều cần nhất đó là hành động quyết liệt, "trên nóng, dưới cũng phải nóng".
Cụ thể, bên cạnh ban hành các quy định nhằm lấp lỗ hổng lách thuế thì ngành thuế cũng cần tập trung lực lượng tinh nhuệ để bắt tay hành động theo kiểu "cầm tay chỉ việc". Trước mắt ra quân tại các cục thuế lớn trong cả nước như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Đây vừa là dịp cọ xát thực tế, vừa là dịp để đánh động đến những đối tượng còn lách thuế.
Chỉ khi chính sách nóng và thực thi cũng nóng thì số thu từ lĩnh vực mới này mới được khai thác đúng mức. Và khi đó số thu cũng không dừng ở 1.314 tỉ đồng với mục tiêu tăng thêm 20 - 30% mỗi năm mà có thể gấp nhiều lần con số này.
Một khi nguồn thu từ lĩnh vực này tăng lên thì ngành thuế cũng có thêm nguồn thu đáng kể bổ sung cho ngân sách. Qua đó cũng tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế, thay vì tận thu vào những mảng dễ thu như thuế thu nhập cá nhân, trong khi mảng tiềm năng như thương mại điện tử lại bỏ ngỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận