19/05/2021 10:41 GMT+7

Trên mạng nhan nhản kênh xấu độc cho trẻ, phụ huynh cần lên tiếng

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Thêm một kênh YouTube nhảm nhí, độc hại cho trẻ vừa bị Cục Trẻ em đề xuất các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, xử lý xóa, gỡ khiến các bậc phụ huynh thở phào.

Trên mạng nhan nhản kênh xấu độc cho trẻ, phụ huynh cần lên tiếng - Ảnh 1.

Nhiều video trên kênh Youtube Timmy TV có nội dung ghê rợn, phản cảm, không phù hợp với trẻ em - Ảnh minh họa: K.NGUYÊN

Nhưng điều này cũng cho thấy con em chúng ta đang sống giữa muôn trùng vây của những nội dung xấu độc.

Đã và đang làm nhiều dự án về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững nhận thấy kênh dành cho trẻ em có các chương trình không phù hợp với trẻ hiện đang đầy rẫy trên môi trường mạng.

Các kênh này chủ yếu chạy theo trào lưu nhảm nhí, thậm chí phản cảm, câu view, câu like bất chấp để kiếm tiền. Việc các em tò mò xem các clip này mà chưa phân biệt được đúng sai dẫn đến suy nghĩ lệch lạc, lệch chuẩn, đôi khi bắt chước theo rất nguy hiểm.

Thực tế đã có những trường hợp trẻ em bắt chước theo các kênh YouTube làm những việc dại dột dẫn đến hậu quả đau lòng, như có trẻ ở TP.HCM đã thiệt mạng khi học theo trò thắt cổ trên YouTube hồi cuối năm 2020, nhiều trường hợp tự hành hạ bản thân hay trốn trong tủ, trong máy giặt học theo mạng.

Hiếm hoi những tố cáo mạnh mẽ

Theo bà Nguyễn Phương Linh - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, việc Cục Trẻ em đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, gỡ, xóa bỏ kênh TIMMY TV là một hành động kịp thời, đáng hoan nghênh để hỗ trợ cho môi trường mạng lành mạnh, an toàn với trẻ nhỏ.

"Tôi rất mong đây là hành động có tiền lệ để sau này các kênh truyền thông lưu ý và thực hiện, giảm đi các thông tin rác, phản cảm, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ" - bà Linh nói.

Nhưng rõ ràng những kênh bị phụ huynh, báo chí "tố cáo" để cơ quan chức năng xử lý như Thơ Nguyễn, TIMMY TV chiếm tỉ lệ quá nhỏ với thực tế rầm rộ của các kênh nhảm nhí, độc hại cho trẻ trên mạng xã hội.

Thông tin từ Cục Trẻ em cho biết mỗi tháng bình quân cục này tiếp nhận 12.000 thông tin phản ảnh qua tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia 111, chủ yếu là những thông tin tố cáo về bạo lực, xâm hại trẻ em, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em, chính sách luật pháp về trẻ em cho người dân, cho cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em...

Việc phụ huynh phản ảnh những kênh độc hại cho trẻ em tới tổng đài hiện chưa nhiều và chủ yếu cha mẹ mới gọi điện phản ảnh, bày tỏ quan điểm chứ chưa có những tố cáo mạnh mẽ với những bằng chứng chi tiết. Trường hợp kênh TIMMY TV vừa được người dân gọi báo tới Cục Trẻ em vừa qua là khá hiếm.

Để bảo vệ trẻ trên mạng xã hội hiệu quả hơn, bà Linh cho rằng việc yêu cầu gỡ bỏ những kênh xấu, độc không nên chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng bởi họ làm không thể xuể.

Chính những người dùng Internet, mạng xã hội, bao gồm cả trẻ em cần ý thức và phân biệt các kênh không nên xem để có thể báo cáo các kênh này, yêu cầu gỡ bỏ các tài liệu không phù hợp và phản ảnh lại với các cơ quan chức năng.

Các giải pháp từ Cục An toàn thông tin

Về trường hợp kênh TIMMY TV, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Minh Tiến - phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) - cho biết cục đã trao đổi với Sở TT-TT TP.HCM đề nghị mời công ty chủ quản của kênh này lên làm việc, tổng hợp tất cả những video, clip không phù hợp với trẻ em của kênh này để chuyển cho YouTube xử lý.

Tùy vào kết quả làm việc, thái độ hợp tác của đại diện kênh này mà Cục An toàn thông tin và Sở TT-TT TP.HCM sẽ có mức độ xử lý khác nhau, có thể yêu cầu xóa kênh nếu chủ kênh này không hợp tác tốt.

Về các giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ông Hoàng Minh Tiến cho biết ngày 20-5 Cục An toàn thông tin sẽ làm việc với Google về các kênh YouTube, đề nghị hỗ trợ rà soát gửi lại danh sách các kênh YouTube hiện đang thu hút lượng lớn trẻ em để cục theo dõi.

Cục An toàn thông tin cũng sẽ đề nghị phía Google có hướng dẫn, khuyến cáo về việc làm nội dung cho trẻ em làm sao phải an toàn, phù hợp cho trẻ em đến tất cả những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube, đặc biệt những kênh có đông trẻ em theo dõi.

Ông Tiến hi vọng Đề án bảo vệ trẻ em trên không gian mạng do Bộ TT-TT trình lên Chính phủ với rất nhiều giải pháp toàn diện, căn cơ để bảo vệ trẻ em sẽ được phê duyệt trước Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 tới.

Ngoài ra, mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng từ sáng kiến của Cục An toàn thông tin cũng đang đợi ý kiến của các bộ, ngành cử thành viên của bộ, ngành mình tham gia mạng lưới để chính thức thành lập và hoạt động.

* Hơn 66,6% trẻ em sợ lộ thông tin cá nhân trên Internet

Theo khảo sát "Tiếng nói trẻ em Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ trẻ em thực hiện năm 2020, cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thiết bị kết nối Internet.

Trẻ em sử dụng Internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành/nghiên cứu, xem các chương trình giải trí/đọc tin tức, giao lưu, kết nối bạn bè và chơi các trò chơi điện tử/trực tuyến.

Trẻ em tiếp cận Internet nhiều nhất thông qua điện thoại thông minh cá nhân (57,8%), máy tính ở nhà (45,9%), điện thoại di động của người thân (45,3%), ngoài quán Internet (13,5%). Riêng nhóm học sinh trong nhà trường có thể tiếp cận Internet qua máy tính ở trường học (23,6%).

Đa số trẻ tham gia khảo sát (60%) trả lời là cảm thấy an toàn khi sử dụng Internet. Tuy nhiên, trẻ em cũng nhận thức được các nguy cơ mất an toàn khi sử dụng Internet, đặc biệt là rủi ro bị lộ thông tin cá nhân (66,6%), tiếp theo là nguy cơ bị nghiện Internet (60,9%).

* Trẻ em thấy nội dung khiêu dâm từ 7 tuổi

Theo BBFC - cơ quan quản lý nội dung truyền thông độc lập và phi lợi nhuận về hệ thống phân loại nội dung, phim, game đáng tin cậy ở Vương quốc Anh, 7 đến 8 tuổi là độ tuổi mà một số trẻ đã tình cờ nhìn thấy nội dung khiêu dâm.

Hơn 60% trẻ em 11 đến 13 tuổi và 53% trẻ từ 14 đến 15 tuổi vô tình tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trên mạng. Hầu hết chúng mô tả cảm giác là "kinh khủng" và "bối rối", gây cảm giác tiêu cực nhất, đặc biệt là những đứa trẻ dưới 10 tuổi.

Nếu chỉ xét riêng về nội dung khiêu dâm, chúng thực sự đang rất tràn lan trên Internet, không chỉ dưới dạng website mà còn là hình ảnh/video/quảng cáo xuất hiện ở các trang web chơi game trực tuyến, mạng xã hội, các diễn đàn, chat nhóm.

ĐỨC THIỆN

Cục Trẻ em đề nghị gỡ, xóa kênh TIMMY TV độc hại với trẻ em Cục Trẻ em đề nghị gỡ, xóa kênh TIMMY TV độc hại với trẻ em

TTO - Xét thấy kênh TIMMY TV đăng tải những video, clip có nội dung, hình ảnh độc hại, mê tín, kinh dị, rùng rợn…ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, Cục Trẻ em đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, gỡ, xóa bỏ kênh.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên