27/05/2014 08:19 GMT+7

Trên đe, dưới búa!

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Nhiều ngày nay, dù tất bật với đủ loại giấy tờ liên quan tổng kết năm học, rồi dạy nhồi cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp, nhưng tôi và bạn bè cũng chuyền tay nhau tờ Tuổi Trẻ. Ở đó không chỉ có thông tin nóng về biển Đông, mà còn có đề tài chúng tôi hết sức quan tâm: Bấn loạn vì dạy và học!

Nhiều người hỏi tôi vì sao theo nghề giáo? Trước, tôi trả lời thế này: Nhà tôi có truyền thống theo nghề giáo. Ngày xưa, ba tôi là một thầy giáo, rồi trở thành hiệu trưởng một trường tại miền Trung. Hồi còn nhỏ, tôi nhìn ba tôi là một thần tượng. Sau giờ đi làm, ông về nhà chăm sóc con cái học hành. Đồng lương đủ nuôi gia đình sáu người. Ngày tết, nhà tôi nườm nượp khách, từ học trò, cả trò cũ, thậm chí cả phụ huynh là tỉnh trưởng cũng khúm núm “mùng 3 tết thầy” đàng hoàng. Sống trong một gia đình như thế, không theo nghề giáo mới là lạ!

Nhưng bây giờ tôi trả lời: “Sẽ không làm thầy nếu được chọn lại” - đúng như tựa bài cuối của loạt bài “Bấn loạn vì dạy và học”, dù thật lòng mà nói tôi vẫn còn rất yêu thương phần lớn học trò của mình. Mỗi năm, cứ đến tết, ngày 20-11, nấu một nồi chè, làm một ít bánh để tiếp đãi học trò cũ, mới vẫn là niềm vui của tôi. Đến hè, lên Facebook đọc những dòng chữ thương yêu của học trò dành cho mình không tránh khỏi rơi nước mắt. May nhờ còn một chút đó để tôi không dứt áo ra khỏi ngành, dù đã nhiều lần nghĩ đến.

Lý do thì tôi nghĩ PGS.TS Vũ Trọng Rỹ đã phân tích khá đầy đủ rồi. Đó là lương thấp mà quá nhiều áp lực. Trong xã hội ta bây giờ, tôi không biết mình có phiến diện không, nhưng theo quan sát và tìm hiểu của mình, tôi thấy chẳng có nghề nào áp lực nhiều như nghề giáo. Một chỉ thị từ sở GD-ĐT, một phong trào phát ra từ đoàn thể là hiệu trưởng xoắn xít lo lắng. Mà hiệu trưởng muốn giải mối lo thì đẩy xuống ai, ngoài giáo viên? Một năm học có vô vàn chỉ thị, các loại phong trào, giáo viên chúng tôi gọi các loại chỉ thị, phong trào ấy là cái búa từ trên gõ xuống.

Đương nhiên, đối tượng cuối cùng của chỉ thị, phong trào ấy là học sinh. Cứ thử nghĩ, để học cho đàng hoàng mười mấy môn học là các em đủ bấn loạn rồi, nên phản ứng lại là điều dễ hiểu. Có điều phần lớn các em chọn cách về tâm sự với phụ huynh. Và phụ huynh - rất nhiều - đã phản ứng bằng cách gọi cho báo chí, thậm chí là phản ứng lên sở, lên ban giám hiệu, để rồi mọi chuyện lại quay về lại phía giáo viên theo kiểu trả lời: cái này chắc do giáo viên truyền đạt không đúng với chủ trương. Chúng tôi gọi đây là cái đe!

Tôi có nhiều bạn bè từ hồi học phổ thông, sau này có người làm ngân hàng, người mở công ty... Trước, gặp nhau ai cũng cười bảo: Nghề giáo sao hay lên báo, xã hội kêu ra rả thế? Lúc đầu tôi cũng phản ứng, cãi lại. Nhưng sau không cãi nữa, chỉ bảo: “Ừ, khi nào các bạn nhận đồng lương chết đói thì biết”. Không ngờ điều ấy lại đúng với nhiều bạn. Ngân hàng giảm nhân sự, giảm lương, bạn làm ngân hàng tâm sự: “Tui đang lo không biết ngày nào bị tống ra đường”. Bạn mở công ty thì cho biết không biết lúc nào vỡ nợ...

Đấy, chỉ mới khó một chút về kinh tế thôi, tất cả đã nháo nhào. Trong khi nghề gõ đầu trẻ của chúng tôi, kinh tế đã kém lại còn “trên đe, dưới búa”!

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên