22/03/2018 09:13 GMT+7

Trên 59% doanh nghiệp vẫn phải chi ‘phí gầm bàn’

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO- Trên 59% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức. 28% doanh nghiệp chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức.

Trên 59% doanh nghiệp vẫn phải chi “phí gầm bàn” - Ảnh 1.

Trích Báo cáo PCI năm 2017

Theo kết quả Báo cáo PCI năm 2017 do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, 52% doanh nghiệp dân doanh cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

Đặc biệt có tới 60% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá môi trường kinh doanh tại VN tích cực hơn. Thời gian hoàn tất các thủ tục cấp phép đầu tư đã cải thiện đáng kể.

"Các con số trên nói lên một điều là niềm tin của cộng đồng vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy" - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh.

Tuy có nhiều tiến bộ nhưng theo ông Lộc, môi trường kinh doanh năm 2017 vẫn còn có những điểm tối, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, vẫn có trên 59% doanh nghiệp cho biết họ vẫn phải trả chi phí không chính thức, trong đó có 9,8% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức.

Mặt khác,28% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức. Doanh nghiệp vẫn lo lắng hơn về sự phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, PCI là sự phản ánh khách quan từ cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh của địa phương.

Chính những đánh giá từ phía doanh nghiệp đã tạo sức ép và là động lực cho bộ máy chính quyền đạ phương phải tiến hành đổi mới, cải cách thủ tục hanh chính, thái độ tiếp xúc với doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh.

Trong 13 năm qua, cũng theo ông Tuấn, PCI năm 2017 ghi nhận nhiều cải thiện rõ rệt, cụ thể 67% doanh nghiệp được hỏi cho biết cán bộ nhà nước có thái độ tích cực, thân thiện.

67% doanh nghiệp cho biết khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp định kỳ tại tỉnh.

Bảng xếp hạng PCI năm 2017 chứng kiến sự đổi ngôi vị trí quán quân là Quảng Ninh và Đà Nẵng. Với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp như cải cách thủ tục hành chính, mặt bằng sản xuất kinh doanh, chủ động tháo gỡ, đối thoại với doanh nghiệp… lần đầu tiên Quảng Ninh vươn lên vị trí dẫn đầu sau 13 năm điều tra PCI.

Các địa phương nằm trong TOP 10 bảng xếp hạng PCI năm 2017 sau Quảng Ninh là Đà Nẵng, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Quảng Nam, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ.

Được thực hiện năm thứ 13 liên tiếp, PCI năm 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên