Tâm lý một số bậc cha mẹ cho rằng cần cho con vui chơi thỏa thích nên đáp ứng những mong muốn của con. Một số cha mẹ lại có tâm lý “bù đắp những thiếu hụt” cho con vì cả năm bận rộn làm ăn, ít có điều kiện quan tâm - chăm sóc con, bằng cách lì xì cho con thật nhiều... Đôi lúc với những biểu hiện đó, vô tình cha mẹ lại làm trẻ dễ sa đà vào một số trò giải trí không tốt. Cũng có trường hợp trẻ vui chơi quá mức, đến khi đi học tỏ ra mệt mỏi, không hứng thú, rơi vào trạng thái hụt hẫng, chán nản...
Cha mẹ nên làm gì?
Để trẻ vui chơi thoải mái nhưng vẫn giữ được trạng thái cân bằng, thích ứng nhanh với việc học tập của học kỳ II, các bậc phụ huynh cần chủ động:
1. Có kế hoạch trước cho con bằng những quy định cụ thể về thời gian, tiền bạc cũng như các hoạt động vui chơi giải trí trong dịp tết. Cho phép trẻ tham gia những hoạt động mang lại sức khỏe, niềm vui cũng như phát triển trí tuệ; sử dụng tiền hợp lý, có kế hoạch chi tiêu. Thường xuyên kiểm soát các hoạt động vui chơi của trẻ, hướng dẫn trẻ tham gia các trò chơi bổ ích, kết hợp các hoạt động vui chơi hướng vào nội dung học tập, như tham quan các khu du lịch, viện bảo tàng hoặc nhà sách...
2. Sắp xếp thời gian học tập nhất định, giúp trẻ không sao nhãng kiến thức, có thể cùng trẻ đi mua tài liệu học tập trẻ thích, giao bài tập để trẻ độc lập giải quyết, củng cố bài cũ, kết hợp học mà chơi - chơi mà học.
3. Tạo điều kiện cùng trẻ đi thăm ông bà, họ hàng nội ngoại, thầy cô, hàng xóm láng giềng... Có như vậy ngày tết vừa là cơ hội vui chơi đồng thời cũng là điều kiện giáo dục thái độ, tình cảm, trách nhiệm, hình thành lối sống nhân ái ở trẻ.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên cấm đoán con trẻ quá mức, tránh làm nảy sinh những mâu thuẫn trong gia đình, tạo điều kiện cho trẻ đón tết một cách vui vẻ và trọn vẹn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận