Bác sĩ Lê Cao Phương Duy khám cho anh D.P.L. - Ảnh: Thùy Dương |
Sau khi được đặt hai stent vào động mạch vành, anh D.P.L. (34 tuổi, ở Q.Tân Phú, TP.HCM), nằm tại phòng bệnh nặng của khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, kể anh phát hiện mắc bệnh nhồi máu cơ tim cấp vào ngày 6-10 sau một cơn đau ngực.
“Ai cũng có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nếu không có chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên những người cao huyết áp, đái tháo đường (nhất là bệnh đã lâu và không điều trị đúng), cholesterol trong máu tăng, hút thuốc lá, có cha hoặc mẹ từng nhồi máu cơ tim cấp sẽ có nguy cơ cao bị bệnh |
Bác sĩ Lê Cao Phương Duy |
Hơn 30 tuổi đã mắc bệnh
Bác sĩ Lê Cao Phương Duy, trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết qua chụp mạch vành cho anh L., bác sĩ phát hiện một nhánh động mạch vành bị tắc và hai nhánh động mạch vành còn lại bị hẹp nặng, nên đặt stent vào nhánh bị tắc cho anh L.. Hai ngày sau, anh L. xuất viện và được hẹn hơn một tháng sau đặt stent vào hai nhánh mạch vành bị hẹp còn lại. Anh L. chia sẻ anh không tập thể dục và mỗi ngày hút cả bao thuốc lá.
Theo bác sĩ Duy, trước đây bệnh thường gặp ở những người trên 50 tuổi thì nay xuất hiện ngày càng nhiều người bệnh mới hơn 30 tuổi. Bác sĩ Duy cho rằng ngoài lý do bệnh được phát hiện sớm vì các phương tiện kỹ thuật chẩn đoán bệnh ngày càng hiện đại, phần lớn người nhồi máu cơ tim có chế độ ăn nhiều chất béo, làm lượng mỡ trong máu cao nhưng ít vận động, cơ thể dư mỡ và đa số lượng mỡ dư lắng đọng lại ở thành mạch gây nên xơ vữa động mạch, đặc biệt ở động mạch vành.
Hầu như ngày nào tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng tiếp nhận bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. Những tháng gần tết hoặc những mùa lễ hội, mùa có những trận bóng đá hay như World Cup hay SEA Games còn được xem là “mùa của bệnh nhồi máu cơ tim cấp” vì số người mắc bệnh nhiều hơn.
Bác sĩ Duy lý giải do nhiều người có những cảm xúc thái quá trong thắng, thua cá độ bóng đá, hoặc bị những lo toan được mất trong nợ nần của những ngày giáp tết. Cảm xúc thái quá là yếu tố thuận lợi để người có bệnh từ trước khởi phát bệnh nhanh hơn và cấp tính hơn.
Nhồi máu cơ tim cấp nếu được can thiệp sớm trong vòng 12 giờ đầu từ khi khởi phát đau ngực, khả năng cứu sống hơn 90%. Khi đến bệnh viện, người bệnh được bác sĩ chụp động mạch vành, nong chỗ hẹp hoặc tắc, sau đó sẽ đặt stent (giá đỡ) vào lòng động mạch vành và dòng máu lưu thông trở lại bình thường. |
Tương tự, người làm việc trong môi trường căng thẳng, nhiều stress cũng dễ nhồi máu cơ tim. Đó là do khi có cảm xúc thái quá, cơ thể tiết ra adrenalin, gây co mạch và với người có bệnh động mạch vành từ trước dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp.
Khám bệnh sớm
Nhồi máu cơ tim là tình trạng của một phần cơ tim bị phá hủy khi lượng máu cung cấp đến đó giảm sút do động mạch vành (mạch máu nuôi tim) bị hẹp hoặc tắc. Bệnh nặng hay nhẹ tùy số lượng cơ tim bị phá hủy nhiều hay ít. Nếu số lượng cơ tim bị phá hủy nhiều, bệnh nhân sẽ suy tim cấp.
Nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim cấp là do cục máu đông làm tắc động mạch vành khi mảng xơ vữa bị nút hoặc vỡ ra. Lúc đó, người bệnh đau ngực với cảm giác đau gần vú trái hoặc phía sau xương ức như có vật gì đó đè lên ngực, có thể đi kèm khó thở. Khi gặp triệu chứng này nên vào bệnh viện ngay.
Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân ngậm dưới lưỡi hoặc truyền vào tĩnh mạch một loại thuốc (nitroglycerin) bên cạnh những xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán khác. Người bệnh thấy giảm hoặc hết đau ngực thì nguyên nhân đau ngực từ động mạch vành. Nếu không được điều trị kịp thời, tim sẽ ngộp do thiếu máu lâu, khả năng phục hồi của cơ tim không trọn vẹn, bệnh nhân có thể suy tim cấp, ít có cơ hội được cứu sống.
Có đến 90% trường hợp suy tim cấp do nhồi máu cơ tim cấp sẽ tử vong nếu không được điều trị đúng. Tim thiếu máu còn gây rối loạn nhịp tim. Tình trạng này diễn tiến rất nhanh, người bệnh đột ngột gồng người, tím tái, ngưng tim, ngưng thở và tử vong. Trước đây, dân gian vẫn gọi là trúng gió.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận