Ảnh: AFP |
Ngày 10-10-2015, sau hơn 40 năm trăn trở giữ sự thật trong lòng, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, 64 tuổi, Hà Nội, quyết định nói cho đứa con gái thứ ba của mình rằng “con không phải là con ruột của mẹ”.
Tương tự, chị Lê Thanh Hiền (Hà Nội) dù rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại nhưng vẫn mỏi mòn chờ tin vì chưa tìm được gia đình sau 29 năm bị trao nhầm.
Sản phụ nên yên tâm về quy trình hiện đại
Đó là chia sẻ của bác sĩ CK2 Dương Phương Mai - Phó giám đốc y khoa Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn với các sản phụ đang hoang mang về chuyện trao nhầm con.
Bà Mai cho biết, với quy trình mới, khi sản phụ chuẩn bị sinh thì đã có bác sĩ nhi đứng cạnh bên để sẵn sàng rước bé. Khi bé chào đời thì ngay cạnh bàn sanh của mẹ có bàn hồi sức cho bé.
Sản phụ và gia đình đều có thể quan sát bác sĩ chăm sóc em bé, xem em bé có khóc tốt không, có dị tật gì không… Bé còn được các hộ sinh viết tên lên đùi và đeo lắc tay có ghi tên mẹ.
Bà Mai khẳng định: "Theo quy trình 6 bước chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh của Bộ Y tế thì từ khi em bé ra đời, em đã được đặt nằm trên bụng mẹ khi chưa cắt dây rốn. Các bệnh viện đều áp dụng quy trình này nên chuyện nhầm lẫn là hầu như không thể.
Trường hợp phải di chuyển bé sang những phòng riêng có đầy đủ các thiết bị kỹ thuật để chăm sóc thì lại càng không thể nhầm lẫn vì các bé đã được quan tâm đặc biệt hơn so với những trẻ bình thường”.
Ai cũng khổ
Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, khi ai đó có nghi ngờ hoặc khi biết được sự thật về mối quan hệ của mình với gia đình mà họ đã sống suốt mấy năm qua thì bản thân người đó sẽ rất hoang mang, đặt ra hàng loạt câu hỏi như: "Mình là ai? Bố mẹ mình là người như thế nào? Có tìm được bố mẹ hay không?..."
Về phía gia đình, các phụ huynh cũng sẽ có những câu hỏi tương tự: "Con mình là ai? Nó đang sống thế nào? Liệu có tìm được con không?..."
Bà Huệ cho biết: “Dù là con hay là bố mẹ, thậm chí là người thân thì tất cả họ đều ở trong trạng thái tâm lý rối rắm. Họ đặt ra nhiều câu hỏi nhưng không thể trả lời nên cứ thế lẩn quẩn trong vòng rối rắm".
Thạc sĩ (ThS) tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng nỗi sợ lớn nhất của chúng ta là sợ không phải con ruột của cha mẹ. Vì vậy, với những người đã sống trong không khí gia đình êm ấm thì sự thật sẽ làm họ hụt hẫng. Ngược lại, với người sống trong mối quan hệ gia đình chưa tốt thì sẽ bị tổn thương.
ThS Trang Nhung cũng lưu ý, không nên phán xét bất kì ai trong hoàn cảnh này vì mỗi người sẽ có một lý do riêng cho hành động của họ.
“Phụ huynh không nói sự thật trong thời gian dài, tôi chắc rằng họ đã phải đấu tranh rất nhiều, phải nghĩ rất nhiều trước khi quyết định như vậy vì chính bản thân họ cũng là bên bị mất mát, thiệt thòi. Tuy nhiên, khi con cái trưởng thành thì có thể họ sẽ chia sẻ được vì họ cũng mong muốn đứa con mình nuôi bấy lâu nay có thể tìm lại nguồn cội.
Những cá nhân, gia đình tạm gọi là thiếu hợp tác khi được ai đó đề nghị xác minh mối quan hệ vì họ cũng sợ sự thay đổi, sự mất mát trong tình cảm”- bà Nhung cho hay.
Theo chuyên gia Minh Huệ, bạn bè của những người trong cuộc nên động viên, nhắc họ nhớ về những mối quan hệ đang có để họ trân trọng, yêu thương.
Dễ xung đột pháp lý
Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết khi con tìm lại được bố mẹ ruột rồi thì phải làm thủ tục xác nhận.
Thủ tục này hiện không phức tạp, chỉ cần làm xét nghiệm AND để xác định huyết thống và một vài thủ tục hành chính là có thể xác lập cha, mẹ, con về pháp lý.
Tuy nhiên, ông Trạch nhấn mạnh, thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp xung đột pháp lý xoay quanh vấn đề thừa kế.
Ví dụ, gia đình có một con duy nhất và việc quản lý tài sản, sự nghiệp giao hết cho người con này. Khi biết con không phải là con mình thì dễ phát sinh nhiều hệ lụy từ pháp lý đến tình cảm.
Trường hợp khác, nếu việc trao nhầm con không được công khai thì khi chia thừa kế, giả sử ban đầu ông X khẳng định mình là con của ông, bà Y. Nhưng khi việc chia thừa kế trong nội bộ gia đình không thực hiện được và yêu cầu Tòa án giải quyết thì bắt buộc ông X phải thử AND xác định huyết thống. Như vậy, ông X cứ nghĩ mình là con ruột trong gia đình nhưng lại không có quan hệ huyết thống với người đã mất và những đồng thừa kế khác.
Luật sư Trạch cũng cho rằng: “Về trách nhiệm trao nhầm trẻ sơ sinh cho bà mẹ thì các hộ lý, bác sĩ của cơ sở hộ sinh, bệnh viện, trạm xá đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Nhưng về thực tiễn sẽ rất khó xử lý vì thông thường thời gian trôi qua đã quá lâu”.
Bị trao con nhầm, "cầu cứu" ở đâu? Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết khi gặp những trường hợp nghi ngờ không phải con của mình (lúc mới sinh) thì các bà mẹ nên yêu cầu cơ sở hộ sinh, trạm xá, bệnh viện tiến hành xem xét lại. Riêng đối với người đã trưởng thành khi gặp phải trường hợp này nên bình tĩnh giải quyết, liên hệ với các cơ quan hộ tịch, nhà bảo sanh, bệnh viện - nơi khi nhỏ mình đã được sinh ra để nhờ yêu cầu giúp đỡ. Bên cạnh đó, cần nhờ các phương tiện thông tin đại chúng đăng các thông tin tìm cha, mẹ… |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> Chị H.
>> ThS tâm lý Võ Thị Minh Huệ
>> ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung
>> BS CK2 Dương Phương Mai
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận