Trả lời Tuổi Trẻ, bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, thành viên tiểu ban nhi Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - nói:
Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS bằng nhiều hình thứcChữa thành công trẻ sơ sinh nhiễm HIVHi vọng mới cho điều trị HIV
Phóng to |
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm các trẻ nhiễm HIV tại chùa Ngọc Lâm, Hà Nội (năm 2010) - Ảnh: Việt Dũng |
- Bệnh viện Nhi Đồng 1 là đơn vị phát hiện và điều trị ca trẻ em bị nhiễm HIV đầu tiên ở VN vào năm 1997. Hiện số ca nhiễm HIV mới được phát hiện của cả nước chỉ khoảng 4.000-5.000 em nhưng số nhiễm thật sự nhiều hơn vì số liệu ước đoán khoảng 2.000 trẻ nhiễm HIV ra đời/năm. Tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM từ năm 2006 đến nay theo dõi, tiếp nhận điều trị 500-600 trẻ nhiễm HIV. Thực tế ở VN đã ghi nhận có ít nhất bốn trẻ nhiễm HIV sau một thời gian điều trị, cho xét nghiệm lại thì không tìm thấy virút HIV trong máu. Tuy nhiên, chúng tôi không dám chắc là các bé này khỏi bệnh hoàn toàn.
"Thực tế ở VN đã ghi nhận có ít nhất bốn trẻ nhiễm HIV sau một thời gian điều trị, cho xét nghiệm lại thì không tìm thấy virút HIV trong máu. Tuy nhiên, chúng tôi không dám chắc là các bé này khỏi bệnh hoàn toàn" Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH |
* Vì sao không dám chắc, thưa ông?
- Vì ngưỡng phát hiện virút HIV trong máu của chúng ta cao hơn thế giới. Ở nước ngoài do kỹ thuật xét nghiệm của họ hiện đại hơn, nhạy hơn nên có thể phát hiện được 20-25 con virút HIV trong 1ml máu, nhưng ở VN hiện nay là 50-250 con (tùy phòng xét nghiệm). Các bé này được cho thử máu tầm soát và thử máu nhạy đều không thấy có virút HIV sau khi điều trị bằng thuốc ARV bậc một như cháu bé được chữa khỏi HIV ở Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi không dám cho ngưng thuốc vì các bé được điều trị hơi trễ (lúc hơn 2 tháng tuổi) so với cháu bé ở Mỹ.
* Thưa bác sĩ, việc chăm sóc và điều trị trẻ nhiễm HIV thời gian qua thế nào?
- Từ năm 2006, VN đã thực hiện chương trình theo dõi và điều trị trẻ em nhiễm HIV. Chương trình được triển khai ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Viện Nhi trung ương bằng việc mở phòng khám ngoại trú cho trẻ nhiễm HIV. Nhờ đó trẻ nhiễm HIV được theo dõi, điều trị đúng phác đồ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Năm 2008 VN có thêm chương trình phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con nên việc theo dõi, điều trị cho trẻ nhiễm HIV càng thuận lợi và tốt hơn.
Trước kia, phác đồ điều trị HIV chung trên thế giới là chờ khi nào tình trạng miễn dịch giảm mới điều trị bằng thuốc ARV. Nhưng cách đây 3-4 năm, một nghiên cứu tình cờ của Mỹ thấy rằng những trẻ bị nhiễm HIV được điều trị càng sớm thì càng sống lâu, sống tốt, phát triển tinh thần và thể chất rất tốt. Vì vậy phác đồ điều trị cho trẻ nhiễm HIV được thay đổi theo hướng: trẻ nhiễm HIV được tiến hành điều trị ngay từ khi 4-8 tuần tuổi, bất kể tình trạng miễn dịch thế nào.
* Vì sao chúng ta không làm xét nghiệm chẩn đoán sớm cho trẻ nhiễm HIV khi mới chào đời, thưa bác sĩ?
- Ở nước ngoài, có thể lấy máu em bé xét nghiệm ngay khi mới sinh để biết nồng độ virút HIV trong máu là bao nhiêu. Còn chúng ta phải chờ cho bé 4-6 tuần mới làm xét nghiệm chẩn đoán do nhân lực của chúng ta còn ít. Hơn nữa, lấy máu xét nghiệm lúc mới sinh thì khi bé 4-6 tuần vẫn phải xét nghiệm lại vì có thể bé chưa bị nhiễm HIV, nhưng sau đó trong quá trình sinh mới bị lây (ở thời kỳ “cửa sổ” khi xét nghiệm thường phát hiện không thấy virút).
* Xin bác sĩ cho biết bệnh nhi nhiễm HIV sống lâu nhất tại bệnh viện và tại VN là bao nhiêu năm?
- Cháu bé nhiễm HIV được bệnh viện điều trị nay đã 19 tuổi và cháu cũng là bé nhiễm HIV sống lâu nhất tại VN hiện nay. Em này đã chuyển sang theo dõi điều trị ở một phòng khám của người lớn. Chúng tôi thấy những bé được điều trị sớm có tổng trạng sức khỏe rất tốt, phát triển bình thường, đi học bình thường. Nhờ đó các bé ít bị bệnh lặt vặt và ít khi phải nhập viện vì những bệnh cơ hội do suy giảm miễn dịch gây ra.
* Bác sĩ cho biết thêm về triển vọng điều trị khỏi cho trẻ nhiễm HIV ở VN sắp tới thế nào?
- Đây mới chỉ là một ca trẻ em trên thế giới được công bố chữa khỏi HIV nên còn có nhiều ý kiến phản biện khác nhau. Người ta có thể phản biện rằng cơ thể bé này có gì đó rất đặc biệt, có thể do miễn dịch của trẻ em khác với người lớn nên mức độ dự trữ HIV trong tế bào của trẻ em không có, không có dự trữ trong giai đoạn đầu mắc bệnh nên khi điều trị thuốc ARV sẽ diệt hết được virút HIV. Chúng tôi nghĩ với một ca trẻ em được chữa khỏi HIV chỉ mở ra một hướng nghiên cứu thôi. Còn về lâu dài phải có một chương trình quốc gia, hoặc Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM sẽ tiến hành làm thí điểm nghiên cứu về điều trị HIV sớm ở trẻ em như đã từng thí điểm thực hiện nhiều chương trình khác về HIV/AIDS.
VN đã dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, hiện là chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, cho hay từ năm 2009, thông qua sự hỗ trợ của Quỹ Bill Clinton, Bộ Y tế đã triển khai dự phòng hỗ trợ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo ông Huấn, những bà mẹ nhiễm HIV sẽ được điều trị từ những tháng cuối của thai kỳ và dự phòng cho cả em bé sau sinh. Với những hoạt động này, tỉ lệ trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giảm mạnh từ mức trên 30% xuống dưới 10%. Theo ông Huấn, năm 2012 vừa qua trong số trên 800.000 phụ nữ mang thai đến xét nghiệm, có trên 1.200 lượt phụ nữ nhiễm HIV, chiếm tỉ lệ 0,15%. Trong số trên 800 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, trên 600 bé được điều trị dự phòng bằng Cotrimoxazole trong vòng hai tháng sau sinh (70,3%). Tuy nhiên, ông Huấn cho biết VN chưa có theo dõi dài hơi, liên tục ở nhóm trẻ này, như thời gian trẻ trên 2 tuổi và lớn hơn nữa về tác động của thuốc. L.ANH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận