Thông tin trên được ông Nguyễn Hải Nam - phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM chiều 19-10.
Ông Nam cho hay thời gian qua, nhu cầu khám sức khỏe tâm lý được quan tâm nên số lượng tăng lên, trong khi lực lượng chuyên gia và chuyên viên tâm lý chưa đáp ứng đủ nhu cầu này, dẫn đến việc phụ huynh và trẻ phải chờ đợi.
Sở Y tế TP.HCM cũng có các biện pháp ứng phó. Theo đó, với trẻ em bị rối loạn tâm thần nặng sẽ áp dụng phương án xử lý khẩn.
Đồng thời, TP có hệ thống cấp cứu trầm cảm nhằm kịp thời tiếp cận người bệnh để chăm sóc và điều trị chuyên khoa những trường hợp có biểu hiện trầm cảm thể nặng.
Ngành y tế đã kịp thời tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch số 4295 về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân TP giai đoạn 2025 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh tổ chức các hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, thời gian tới ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục đánh giá sức khỏe tinh thần cho học sinh, trẻ em vào năm học. Tại trường học sẽ có chuyên gia tư vấn, và thực hiện công tác chuyển đổi số. Đồng thời thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu khám sức khỏe của học sinh.
Trước thực trạng Tuổi Trẻ ghi nhận trẻ phải chờ cả tháng mới được khám tâm lý tại các bệnh viện nhi đồng ở TP.HCM, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện cho rằng khám tâm lý không phải là một tình huống khẩn cấp, nhưng không thể vì thế mà trì hoãn hay xem nhẹ.
Việc trẻ có các rối nhiễu tâm lý có thể ảnh hưởng đến các hoạt động sống, sinh hoạt... Nếu để càng lâu càng khó can thiệp và nguy cơ đưa đến các hậu quả đáng tiếc.
Gần gũi, chú ý những biểu hiện trẻ gặp bất ổn về tâm lý
Thạc sĩ Toàn Thiện nêu rõ các biểu hiện của trẻ cần đi khám tâm lý gồm: chậm phát triển vận động, ngôn ngữ, tương tác xã hội so với tuổi; biểu hiện bất thường về nhận thức, có các suy nghĩ tiêu cực kéo dài như thấy có lỗi, bị bỏ rơi, không được yêu thương, muốn kết thúc mọi sự việc.
Trẻ còn thường có cảm xúc sợ hãi, lo âu, buồn bã, tức giận với những hành vi như khóc, mất ngủ, chán ăn, gây hấn, thụ động, tự hại bản thân…
Triệu chứng cơ thể của những trẻ này có thể gặp gồm đau bụng, đau đầu, khó thở kéo dài, đã đi khám thực thể nhưng bác sĩ chưa tìm ra nguyên nhân.
Đối với một số rối loạn phát triển như tự kỷ, chậm phát triển, nếu để quá lâu không được phát hiện can thiệp có thể làm trẻ mất cơ hội phát triển kỹ năng và hòa nhập.
Ngoài ra, một số rối loạn tâm lý như trầm cảm nếu không được can thiệp, trị liệu có nguy cơ gia tăng mức độ và dẫn đến các hành vi tiêu cực như tự hại, tự sát.
"Các bậc cha mẹ, thầy cô... thường xuyên gần gũi trẻ, cần chú ý những biểu hiện trẻ gặp bất ổn về tâm lý để sớm nhận biết, có các tác động sơ cứu tâm lý ban đầu.
Lưu ý trẻ chỉ bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ một cách đầy đủ và thoải mái khi được ở trong môi trường an toàn. Vì vậy phụ huynh không nên nói dối, hù dọa trẻ về việc đi đánh giá tâm lý mà nên giải thích đầy đủ, cụ thể và có các bước chuẩn bị, trấn an trước khi đưa trẻ đến phòng tâm lý", thạc sĩ Thiện khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận