13/04/2023 07:10 GMT+7

Trẻ bỗng dưng đi cà nhắc, cha mẹ chớ chủ quan

Trẻ 4-10 tuổi bỗng nhiên đi cà nhắc, cha mẹ chớ nên chủ quan vì có thể trẻ mắc bệnh lý tiêu chỏm xương đùi gây tàn phế nhanh chóng. Các bé trai với tỉ lệ gặp nhiều hơn tới 5 lần bé gái.

Trẻ bỗng dưng đi cà nhắc, cha mẹ chớ chủ quan - Ảnh 1.

Một ca phẫu thuật điều trị cho trẻ em - Ảnh: BVCC

Bệnh ban đầu có triệu chứng giống như viêm khớp, dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm bao hoạt dịch khớp háng, nhiễm trùng khớp háng, thấp khớp, thiểu sản chỏm xương đùi, cường giáp…Bệnh không chỉ gây đau mà còn dẫn tới thoái hóa khớp háng…

Mới đau đã không vận động được

Bé L.Q.H. (10 tuổi, Nghệ An) là một đứa trẻ khỏe mạnh, thích chơi thể thao nhưng tự nhiên bé bị đau khớp háng phải không rõ nguyên nhân, đi khập khiễng và từ bỏ mọi môn thế thao ưa thích. Cha mẹ bé rất lo.

Gia đình đưa bé đi khám nhiều nơi, được chẩn đoán viêm khớp háng, kê đủ loại thuốc uống nhưng bệnh không đỡ, đau ngày càng tăng lên.

Đầu tháng 3-2023, gia đình đưa bé đến khám tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng phát hiện bé bị bệnh lý tiêu chỏm xương đùi (Legg-Calvé-Perthes). Chỏm xương đùi phải của bé bị hoại tử và nằm một phần bên ngoài ổ cối xương chậu.

Bé được chỉ định phẫu thuật bảo tồn khớp kháng, cắt xương đùi chỉnh trục để đưa chỏm xương vào bên trong ổ cối, tránh tình trạng hoại tử chỏm thêm, giảm sự biến dạng bẹt chỏm và giúp cho quá trình tái tạo chỏm xương diễn ra nhanh hơn.

Sau phẫu thuật bé ổn định, sớm tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật để phục hồi chức năng vận động đôi chân.

PGS.TS Dương Đình Toàn - phó trưởng khoa khám xương khớp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết, perthes là tình trạng hoại tử một phần hoặc toàn bộ chỏm xương đùi do thiếu hụt cấp máu tạm thời (hoại tử vô mạch). Bệnh thường gặp ở trẻ em, tuổi từ 4-10, nam nhiều hơn nữ (tỉ lệ 4:1).

90% trường hợp gặp tổn thương một bên. Bệnh ban đầu được mô tả như là tình trạng viêm khớp háng ở trẻ em. Triệu chứng thường thấy là trẻ đi khập khiễng, đau nhẹ vùng háng. 

Các dấu hiệu này xuất hiện liên tục trong vài tuần, hoặc vài tháng. Thỉnh thoảng có hiện tượng co cơ và kích thích vùng háng do đau. Đau có thể xuất hiện ở các vùng khác như đùi, gối. Đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.

Biểu hiện của bệnh như sau:

Nhóm I: Tổn thương phía trước chỏm xương đùi, xương chưa hoại tử; 

Nhóm II: Hoại tử một phần phía trước chỏm xương đùi; 

Nhóm III: Hoại tử gần toàn bộ chỏm xương đùi; 

Nhóm IV: Hoại tử toàn bộ chỏm xương đùi.

Trong giai đoạn đầu của bệnh cần chẩn đoán phân biệt với viêm bao hoạt dịch khớp háng, nhiễm trùng khớp háng, thấp khớp, thiểu sản chỏm xương đùi, cường giáp, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi do các nguyên nhân khác, dùng corticoid kéo dài….

Trẻ càng lớn điều trị càng kém hiệu quả

"Perthes có thể để lại di chứng nặng nề cho trẻ. Hãy cho trẻ đi khám khi trẻ có những biểu hiện: đau vùng khớp háng (hông) hoặc đùi, dáng đi khập khiễng hay không thể đứng chịu lực được để có thể phát hiện và điều trị bệnh từ giai đoạn sớm" - PGS.TS Toàn nhấn mạnh.

Điều trị bệnh tùy từng giai đoạn. Tiên lượng lâu dài thường là tốt trong hầu hết các trường hợp. Sau 18-24 tháng điều trị, phần lớn bệnh nhân trở lại các hoạt động bình thường. Trẻ càng lớn hiệu quả điều trị càng kém.

 Ở trẻ gái, tổn thương có xu hướng lan rộng hơn, nên tiên lượng thường kém hơn trẻ trai. Trẻ < 6 tuổi: phần lớn không cần điều trị thuốc, chủ yếu là luyện tập kết quả tốt; Trẻ 6-8 tuổi: đáp ứng điều trị tốt; Trẻ > 9 tuổi: Đáp ứng điều trị kém hơn.

Bệnh này về lâu dài có nguy cơ cao gây biến chứng thoái hóa khớp háng, gây đau, hạn chế vận động khớp, khi đó, nếu điều trị nội khoa không đỡ, tuổi cháu đủ lớn các bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật. Ngoài ra biến chứng hay gặp phải là "chân cao, chân thấp", do chiều dài hai chi dưới không tương xứng...

Phương pháp luyện tập và lý liệu:

- Giảm tì nén vào khớp háng: khuyến cáo trẻ không tham gia các hoạt động mạnh như nhảy, chạy, cho cháu đi nạng nếu cháu thấy khớp háng đau, nên khuyến khích đạp xe và bơi.

- Tránh hạn chế biên độ vận động khớp: cho trẻ tập gấp, duỗi, xoay trong, xoay ngoài khớp háng chủ động (tự cháu tập), và thụ động (người lớn tập giúp), khuyến khích vận động chủ động.

- Tránh biến chứng co ngắn phần mềm quanh khớp háng: tập kéo giãn khớp háng hằng ngày...

Đừng để tàn phế vì bệnh lý cơ xương khớpĐừng để tàn phế vì bệnh lý cơ xương khớp

Bệnh cơ xương khớp đang có xu hướng gia tăng. Theo các chuyên gia y tế, không nên chủ quan với những cơn đau từ các bệnh cơ xương khớp, bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn đến bị tàn phế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên