28/03/2018 18:54 GMT+7

Trẻ ăn gì bổ não?

Nguồn: Trung Tâm Dinh Dưỡng TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung Tâm Dinh Dưỡng TP. Hồ Chí Minh

Thiếu hụt dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai và ảnh hưởng tới sự phát triển trí não.

Trẻ ăn gì bổ não? - Ảnh 1.

Nguồn: pinterest.co.uk

Não bộ phát triển rất nhanh và rất sớm từ trong bào thai. Não trẻ bắt đầu phát triển ngay từ những tuần đầu với tốc độ kỷ lục, khoảng 250.000 tế bào mỗi phút trong 3 tháng đầu đời và đặc biệt tăng trưởng nhanh trong những tháng cuối của thai kỳ. Do vậy mà mọi thiếu hụt dinh dưỡng trong thời kỳ này dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai và ảnh hưởng tới sự phát triển trí não.

Vì vậy, người mẹ mang thai cần phải ăn uống sao cho đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ...

Sự phát triển não bộ:

Giai đoạn trong bào thai:

Não bộ phát triển rất nhanh và rất sớm từ trong bào thai. Não trẻ bắt đầu phát triển ngay từ những tuần đầu với tốc độ kỷ lục, khoảng 250.000 tế bào mỗi phút trong 3 tháng đầu đời và đặc biệt tăng trưởng nhanh trong những tháng cuối của thai kỳ. Do vậy mà mọi thiếu hụt dinh dưỡng trong thời kỳ này dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai và ảnh hưởng tới sự phát triển trí não. Vì vậy, người mẹ mang thai cần phải ăn uống sao cho đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Mỗi ngày người mẹ cần phải ăn thêm khoảng 300 kcal, trong đó cần lưu ý các dưỡng chất sau:

Chất đạm: Cần tăng thêm 15g/ngày, tức là thêm khoảng 2 ly sữa hay 100 g thịt, cá (đã bỏ xương), 1 miếng đậu hũ 200 g, 2 quả trứng…

Chất sắt: Trong khi mang thai, nhu cầu chất sắt tăng thêm 30%. Cung cấp đủ lượng sắt cần thiết trong thai kỳ sẽ giúp phòng chống thiếu máu cho cả mẹ và con, giúp mẹ giảm các tai biến sản khoa, giảm nhiễm trùng hậu sản, tránh được tình trạng giảm chỉ số thông minh ở trẻ do thiếu máu gây ra.

Acid folic: Là một vi chất dinh dưỡng đặc biệt cần thiết cho sự phân chia tế bào để tạo nên thai nhi. Nếu mẹ không được cung cấp đủ acid folic thì dễ bị sẩy thai và trẻ sinh ra có nguy cơ bị dị tật ống thần kinh (chẻ đôi đốt sống, không có hộp sọ…). Nhu cầu acid folic lúc mang thai là 400 mcg/ngày.

I ốt: Cần thiết cho sự tổng hợp hormon tuyến giáp, là hormon cần cho sự phát triển của thần kinh trung ương. Nếu mẹ mang thai bị thiếu iốt thì dễ bị sảy thai hay trẻ sanh ra sẽ có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, nếu nặng hơn trẻ sẽ bị bệnh đần độn.

Giai đoạn 6 năm đầu đời:

Những năm đầu đời trẻ tăng trưởng và phát triển rất nhanh về thể chất và trí não, đặc biệt trong năm đầu tiên. Khi sinh ra trọng lượng não nặng chỉ nặng 350g, nhưng đến 1 tuổi não nặng 900g, 2 tuổi bằng 80% não người trưởng thành, đến 6 tuổi não nặng 1300g, đạt 100% kích thước não người trưởng thành.

Thực phẩm bổ não cho trẻ em:

Dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là trong thai kỳ và những năm đầu tiên có vai trò vô cùng quan trọng để giúp não phát triển và hoạt động tốt.Chế độ dinh dưỡng cần phải đa dạng để cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm:

Chất đạm:

Chất đạm là nguồn cung cấp acid amin là các chất dẫn truyền thần kinh. Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành và các loại đậu khác.

Chất béo:

Là nguồn năng lượng thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển của hệ thần kinh. Tham gia vào cấu trúc của màng tế bào thần kinh và chiếm 60% cấu trúc não.

Các chất béo đặc biệt cần thiết cho não là:

Omega 3: có nhiều trong các loại cá: cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá basa…

Omega 6: có nhiều trong hạt mè, hạt hướng dương, hạt bí đỏ…

Phospholipid: có nhiều trong lòng đỏ trứng và thịt nội tạng

Cholin: có nhiều trong lòng đỏ trứng, nước nho, bơ đậu phộng, gan, bông cải…

Chất bột đường:

Não tiêu thụ rất nhiều năng lượng và đường chính là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho hoạt động của não. Chất bột đường là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày.

Nên hạn chế các loại đường hấp thu nhanh vào máu như nước ngọt, bánh kẹo, thức uống có đường. Nên ăn các loại đường hấp thu chậm như cơm, bánh mì, khoai củ, trái cây sẽ tốt hơn.

Vitamin và khoáng chất cũng là những chất cần thiết cho các hoạt động của cơ thể, nhất là não bộ. Trong đó quan trọng là:

Vitamin nhóm B:

- Vitamin B1, B5, B6 có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau

- Vitamin B9 (acid folic) có nhiều trong rau lá xanh đậm, các loại hạt, bông cải, cam, bưởi, lòng đỏ trứng…

- Vitamin B12 có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa.

Kẽm:  Có nhiều trong hàu, sò, cá và các loại hạt

Sắt: Sắt là khóang chất cần thiết để tạo máu. Trẻ bị thiếu máu sẽ dễ bị mệt mỏi, buồn ngủ trong giờ học, kém tập trung, trí nhớ giảm sút… Chất sắt có nhiều trong huyết, gan, thịt, cá, các loại rau lá xanh như rau dền, bồ ngót và các loại đậu.

Iốt: Có nhiều trong tảo, các loại hải sản. Cần sử dụng muối iốt trong chế biến thức ăn hàng ngày của gia đình là cách bổ sung iốt tốt và hiệu quả nhất.

Dinh dưỡng đầy đủ, cân đối và hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển tốt về thể chất và trí não. Các dưỡng chất cần thiết cho não đó là: Chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Vì vậy khi chế biến thức ăn chúng ta cần phải lưu ý cho bà mẹ mang thai và cho bé ăn đa dạng, nhiều loại thực phẩm và hợp khẩu vị để giúp cho bé đạt được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Trẻ có thể chất khỏe mạnh và bộ não - tiềm năng vật chất của trí tuệ tốt sẽ có điều kiện phát triển về trí thông minh. Ngoài ra, trẻ cần được thường xuyên rèn luyện hoạt động trí não, có giấc ngủ ngon và thời gian thư giãn để phục hồi nhằm giúp trẻ có trí nhớ tốt.

Nguồn: Trung Tâm Dinh Dưỡng TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên