29/12/2019 12:20 GMT+7

'Trâu Vàng', 'Gà Đen' bay 'dzù dzù' trên đồng Tam Nông

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - "Trâu Vàng", "Gà Đen" là tên những "biệt đội bay" phun thuốc bảo vệ thực vật do nhóm bạn trẻ huyện Tam Nông sáng lập. Biệt đội gồm hai thành viên, một phi công điều khiển máy bay từ xa và một phụ tá...

Máy bay phun thuốc của nhóm Nghĩa, Trung trên cánh đồng huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp - Video: NGỌC BÌNH

Ban đầu bị hàng xóm 'cười cho thúi mũi', đến nay nhóm của Nghĩa, Trung đã thuyết phục được hàng trăm nông dân cùng mình thay đổi phương thức sản xuất truyền thống.

Trên những cánh đồng của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, hình ảnh những chiếc máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật không còn xa lạ, có hẳn dịch vụ cung cấp đến tận ruộng. Dịch vụ phun thuốc bằng máy bay do hai kỹ sư nông nghiệp Lâm Trọng Nghĩa và Lê Quốc Trung thực hiện. Họ dấn thân vào con đường khởi nghiệp bằng việc thành lập "biệt đội bay". 

Trâu Vàng, Gà Đen bay dzù dzù trên đồng Tam Nông - Ảnh 2.

Nghĩa (trái) có gần 200 nông dân là khách hàng thường xuyên của dịch vụ phun thuốc bằng máy bay - Ảnh: NGỌC TÀI

Nông dân không còn oằn lưng phun thuốc

"Trâu Vàng", "Gà Đen" là tên những "biệt đội bay" phun thuốc bảo vệ thực vật do nhóm bạn trẻ huyện Tam Nông sáng lập. Biệt đội gồm hai thành viên, một phi công điều khiển máy bay từ xa và một phụ tá, có 4 máy và sắp tới sẽ gia nhập thêm 4 máy nữa.

Để cơ động, "biệt đội" tận dụng xe máy, thiết kế thêm phần bệ đỡ để vận chuyển máy bay "cời cời" trên những tuyến đường đê. Chủ ruộng chỉ cần gọi người phụ trách điều hành để sắp lịch và giao thuốc bảo vệ thực vật, rồi chờ trong chốc lát. Trung bình 1 ha máy bay phun thuốc chỉ mất 7 phút với giá dịch vụ là 200.000 đồng/ha, tương đương với giá thuê người phun thuốc bằng bình.

Nhìn những máy bay bay "dzù dzù" (vù vù), lão nông Huỳnh Văn Quang vỗ đùi khoái chí: "Coi trên tivi thấy các nước trên thế giới toàn phun thuốc bằng máy bay, thu hoạch ào ào cũng bằng máy móc mà ham quá trời. Hổng ngờ nông dân giờ cũng được tận mắt chứng kiến cảnh này trên cánh đồng quê mình".

Những thửa ruộng của nông dân được phun thuốc bằng máy bay, ngoài việc nhìn "oách xà lách" còn có nhiều cái lợi như giảm lượng thuốc, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao và quan trọng hơn hết là nông dân không còn phải oằn lưng vác thuốc đi xịt. Không còn cảnh thuốc tấp vào người mịt mù, nhiều người cảm thấy yên tâm cho sức khỏe của mình hơn.

Nguyễn Phú Tài (25 tuổi) có kinh nghiệm gần 1 năm điều khiển máy bay phun thuốc, và tích lũy được hàng trăm giờ bay. Tài thường nói vui phi công lái máy bay trên bầu trời phải là người giỏi toàn diện, còn phi công mặt đất như bạn chỉ cần giỏi giăng nắng, và chịu khó học hỏi.

Dám nghĩ dám làm

Trâu Vàng, Gà Đen bay dzù dzù trên đồng Tam Nông - Ảnh 3.

“Biệt đội bay” của nhóm bạn trẻ ở Tam Nông đã có 4 máy và chuẩn bị gia nhập thêm 4 máy nữa - Ảnh: NGỌC TÀI

Lâm Trọng Nghĩa (32 tuổi) là kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành thủy sản đang công tác tại Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông. Nghĩa cũng đã hoàn thành chương trình thạc sĩ của Trường đại học Fulbright Việt Nam chuyên ngành chính sách công. 

Học thạc sĩ ban đầu với Nghĩa chỉ đơn giản là có đủ bằng cấp cho việc bổ nhiệm sau này. Không ngờ rằng những tháng ngày "mài đũng quần" trên giảng đường đã khiến Nghĩa quan tâm nhiều hơn đến kinh tế.

"Lúc đầu tôi quan tâm đến máy bay phun thuốc, vì nghĩ rằng đây sẽ là dịch vụ "hot" trong tương lai của nông nghiệp Việt Nam. Nhưng khi quyết định bắt tay làm phải suy nghĩ nát óc", Nghĩa chia sẻ.

Để tìm câu trả lời máy bay phun thuốc có thực sự hiệu quả, Nghĩa đã vác balô về Hậu Giang ăn dầm nằm dề với nông dân đang được cung cấp dịch vụ phun thuốc bằng máy bay. 

"Tôi quan sát, phân tích hiệu quả thực tế, chuyển biến tâm lý của nông dân từ nghi ngờ đến tin tưởng sử dụng. Đúc kết sau một tuần, tôi chắc chắn máy bay phun thuốc hiệu quả. Điều này đảm bảo 70% sự thành công, còn 30% rủi ro tôi tin vẫn có giải pháp để khắc phục được".

Chiếc máy bay phun thuốc đầu tiên nhìn rất nhỏ gọn, nhưng giá trị tương đương một chiếc ôtô, Nghĩa và gia đình không khỏi lo âu. Để thuyết phục nông dân, anh phun miễn phí, thậm chí tặng luôn thuốc đi kèm.

Tuy nhiên khó khăn ập đến khi 10 nông dân đến xem phun trình diễn thì có đến 9 người nghi ngờ rồi về luôn khi máy bay chưa kịp cất cánh. May mắn là tối hôm đó lại có vài người gọi cho Nghĩa để đặt hàng phun. 

"10 ông gọi thì có đến 9 ông sẽ trở thành khách hàng lâu dài của mình. Những chú này nhanh nhạy, chấp nhận đổi mới. Mừng lắm, nên ai gọi dù có xa mấy, tôi cũng đều sắp xếp đi phun cho bằng được", Nghĩa chia sẻ.

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Một cái hay của Nghĩa là sớm nhận ra phải tìm thêm cộng sự, đồng ý chia sẻ lợi nhuận và hướng dần đến mục tiêu "đi xa cùng nhau". Người đầu tiên gia nhập vào "biệt đội" là Lê Quốc Trung (32 tuổi), bạn học phổ thông, cũng là kỹ sư nông nghiệp.

Trung xuất thân từ nông dân, cũng nhiều lần "lên bờ xuống ruộng" vì cây lúa nên thấm thía nỗi nhọc nhằn của nhà nông. Ngoài ra, Trung cho rằng tư duy xem nông dân là đối tượng để "vắt chanh bỏ vỏ" là sai lầm, và sẽ chẳng giúp ích cho nông nghiệp, nông dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.

Trâu Vàng, Gà Đen bay dzù dzù trên đồng Tam Nông - Ảnh 4.

Trung (phải) và bạn đồng hành Lâm Trung Nghĩa đã thuyết phục được hàng trăm nông dân chuyển sang phun thuốc bằng máy bay - Ảnh: NGỌC TÀI

Bởi vậy, những người trong "biệt đội bay" còn đảm nhiệm thêm một nhiệm vụ là tư vấn, giúp nông dân hiểu đúng về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Vụ lúa sắp tới, nhóm sẽ liên kết với nông dân sản xuất lúa chất lượng, đảm bảo không có 12 hoạt chất cấm, tư vấn thuốc và đảm nhận phun thuốc cả vụ. Nông sản nếu kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được doanh nghiệp mua cao hơn thị trường 200 đồng/kg. Đã có một doanh nghiệp ở An Giang đồng ý liên kết với diện tích vài trăm ha.

Giấc mơ mang 4.0 đến nông dân

Nhóm của Nghĩa và Trung đang tìm hiểu về một sản phẩm khác là máy bay nhận biết quang phổ, đảm nhiệm chức năng thu thập dữ liệu về sức khỏe của từng khu vực lúa thông qua màu lá lúa. Từ đó, nhóm sẽ xây dựng dữ liệu tổng quát, khu vực lúa nhiễm sâu bệnh, thiếu nước, thừa phân…

Sau khi dữ liệu được trí tuệ nhân tạo phân tích sẽ đưa ra giải pháp quản lý dịch hại hiệu quả. Đặc biệt, máy bay mang thuốc đến nơi cần để phun không phải phun hết thửa ruộng.

"Nhóm đang xây dựng kế hoạch để tiến tới áp dụng công nghệ này. Hi vọng tương lai không xa giấc mơ cánh đồng 4.0 sẽ trở thành hiện thực" - Trung hào hứng chia sẻ.

Dự án khởi nghiệp của hai kỹ sư trẻ đạt giải nhất cấp tỉnh và giải ba khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Lưu Văn Tiến, phó Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tam Nông, đánh giá dự án rất phù hợp với đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Đặc biệt việc áp dụng máy bay phun thuốc sẽ giải bài toán thiếu nhân công, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Máy bay không người lái giúp bón phân, phun thuốc trừ sâu Máy bay không người lái giúp bón phân, phun thuốc trừ sâu

TTO - Chiếc máy bay do nhóm nghiên cứu của ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM chế tạo có thể dùng phun thuốc trừ sâu, gieo hạt trồng rừng, bón phân dạng lỏng hoặc rắn.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên